Tuyên chiến với Iran có giúp ông Trump thắng cử 2020?
Tổng thống Trump đã nhiều lần cho rằng việc tấn công Iran sẽ giúp ông Obama thắng cử. Liệu ông có chiến thắng nếu áp dụng chiến thuật tương tự?
Tổng thống Mỹ Donald Trump giờ đang trên bờ vực chiến tranh với Iran ngay trong năm tái tranh cử của chính mình.
Tuy nhiên, nếu Tổng thống Trump thực sự nghĩ cuộc chiến mới ở Trung Đông có thể giúp ông thắng cử, ông sẽ phải xem xét lại.
Sau quyết định không kích sân bay Baghdad khiến tướng Qassem Soleimani thiệt mạng, các nhà phê bình chỉ ra phát ngôn trong quá khứ của ông về cuộc chiến với Iran.
Theo Washington Post, trong năm 2011 và 2012, ông Trump liên tục dự đoán Tổng thống Barack Obama sẽ tấn công Iran vì, theo ông, đó là cách duy nhất ông Obama có thể tái đắc cử.
Trump đã hoàn toàn sai: không có cuộc tấn công nào và ông Obama đã thắng một cách thuyết phục.
Tuy nhiên, khi ông Trump đối mặt với bài toán tái tranh cử khó khăn trong bối cảnh cuộc đối đầu với Iran trở nên căng thẳng, liệu ông Trump có tự mình thực hiện nước đi tương tự hay không?
Bằng chứng từ lịch sử
Tất cả những gì có thể nói vào thời điểm này là: Có rất ít lý do để tin rằng việc gây chiến với Iran sẽ giúp ích cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump.
Những người thực hiện khảo sát và các nhà phân tích chính trị thường nói về hiệu ứng “tập hợp dưới cờ”.
Hiệu ứng này giải thích việc người dân thường yêu mến các vị tổng thống Mỹ hơn trong các cuộc khủng hoảng dù cho chính sách của các vị tổng thống này có sáng suốt hay không.
Vì vậy, các vị tổng thống có thể sử dụng can thiệp quân sự để làm gia tăng sự ủng hộ của quần chúng. Hiệu ứng này chỉ áp dụng được với một lượng nhỏ người dân Mỹ và không kéo dài bao lâu.
Có rất ít bằng chứng cho thấy hiệu ứng này giúp các tổng thống chiến thắng trong các cuộc bầu cử gần đây.
Ví dụ gần đây nhất là chiến tranh Iraq mà Tổng thống George W. Bush phát động vào tháng 3/2003. Theo dữ liệu của Gallup, tỷ lệ ủng hộ của ông trước cuộc xâm lược là 58% và đã tăng lên 71% ngay sau đó.
Tuy nhiên, nó đã quay về mức 58% chỉ bốn tháng sau đó. Mặc dù Tổng thống Bush đã bắt được Saddam Hussein vào cuối năm 2003, vào đêm trước cuộc bầu cử năm 2004, tỷ lệ này chỉ đứng ở mức 48%.
Sự chấp thuận của người dân đối với cuộc chiến này đã thay đổi. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy 51% người khảo sát ủng hộ quyết định tham chiến nhưng có đến 52% cảm thấy rằng cuộc chiến đang diễn ra theo cách tồi tệ.
Dù tổng thống Bush giành chiến thắng, cuộc chiến này không được xem như thành tựu và cuối cùng nó đã trở thành một vết đen trong sự nghiệp chính trị của ông.
Cha của ông, George H.W. Bush nhận được sự ủng hộ thậm chí còn lớn hơn từ quyết định tham chiến ở Iraq. Sau khi khởi động Chiến dịch Bão Sa mạc vào tháng 1/1991, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Bush đã tăng từ 64% lên 82% và thậm chí là 89% sau khi chiến dịch thành công.
Vào thời điểm đó, việc này khiến các đối thủ tiềm năng thuộc đảng Dân chủ lo sợ. Một cuộc thăm dò cho thấy ông Bush vượt lên Thống đốc New York lúc đó, Mario Cuomo, người được xem là niềm hy vọng lớn của đảng Dân chủ, 62 điểm.
Đảng Dân chủ lúc đó đã phải phần nào chấp nhận rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 1992 đã được quyết định bởi Chiến dịch Bão táp Sa mạc.
Tuy nhiên, sự ủng hộ này biến mất vào tháng 10/1991. Tỷ lệ ủng hộ của ông Bush chỉ còn ở mức dưới 50% vào tháng 1/1992, một năm sau khi phát động chiến tranh.
Tỷ lệ này vẫn ở mức đó cho đến khi ông Bush thua cuộc bầu cử dưới tay Tổng thống Bill Clinton.
Trước đó, Tổng thống Lyndon Johnson đã giành chiến thắng trong cuộc đua tổng thống năm 1964 sau khi phải đảm nhiệm chức tổng thống năm 1963 do Tổng thống Kennedy bị ám sát.
Ông đã đưa ra Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, đánh dấu việc Mỹ chính thức can dự vào Việt Nam vào tháng 8/1964. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ của không có sự gia tăng đáng chú ý nào từ cuộc chiến này ngay trước cuộc bầu cử mặc dù tỷ lệ ủng hộ của ông là trên 70%.
Cuộc chiến này sớm làm nhiệm kỳ đầu tiên của ông trở nên sa lầy và đó cũng là lý do ông đã quyết định không tái tranh cử vào năm 1968.
Ông Trump không thể đạt được gì từ cuộc chiến
Ở quy mô nhỏ hơn, cuộc xâm lược Granada vào tháng 10/1983 dường như không giúp gì cho tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Ronald Reagan, mặc dù ông dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1984.
Tỷ lệ ủng hộ của ông thực sự đã tăng hơn 50% sau đó, nhưng trang Gallup lưu ý rằng điều này là do một vụ đánh bom khủng bố đã khiến 241 lính thủy đánh bộ Mỹ ở Beirut thiệt mạng cùng tháng và có lẽ quan trọng nhất là do nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ.
Tại thời điểm này, có rất ít bằng chứng cho thấy người dân Mỹ mong muốn chiến tranh với Iran.
Một cuộc thăm dò của Gallup vào tháng 7 cho thấy chỉ có 18% ủng hộ Mỹ có hành động quân sự ở đó và con số này chỉ tăng lên 42% nếu các nỗ lực ngoại giao nhằm ngừng chương trình hạt nhân Iran thất bại. Một cuộc thăm dò khác cho thấy 57% phản đối hành động quân sự trừ khi Iran tấn công Mỹ trước.
Những con số này luôn có thể thay đổi theo hoàn cảnh. Vào thời điểm cuộc thăm dò tháng 7, Iran đã đưa nhiên liệu tới Syria. Tuy nhiên, có rất ít lý do để tin rằng một cuộc chiến mới sẽ tạo ra hiệu ứng ủng hộ như vậy.
Một lý do là người Mỹ đã quá mệt mỏi trước cuộc chiến kéo dài ở Iraq và Afghanistan – những sự kiện mà chính ông Trump đã nói là điển hình cho việc Mỹ cần phải rút ra khỏi Trung Đông.
Lý do khác là hầu như không gì có thể làm tăng tỷ lệ ủng hộ của ông Trump. Nó đã dừng ở mức 30% hoặc 40% trong gần như toàn bộ nhiệm kỳ của ông.
Kết hợp những điều đó cùng với quãng thời gian còn lại cho cuộc tranh cử và sự khó lường của cuộc chiến tranh với một quốc gia phát triển như Iran, ông Trump có thể sẽ muốn xem lại rằng ông đã nhận định sai trong năm 2011 và 2012 như thế nào.
Hồng Anh (Theo Washington Post)