+
Aa
-
like
comment

Tướng Trần Việt Khoa: “Có hình thái chiến tranh mới liên quan đến lực lượng biên phòng”

16/06/2020 15:48

Đại biểu Quốc hội, Trung tướng Trần Việt Khoa – Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng trong điều kiện hiện nay có các hình thái chiến tranh mới liên quan đến lực lượng biên phòng và công tác biên phòng như chiến tranh biên giới biển đảo, chiến tranh xâm lược.

Ảnh minh họa

Ngày 16/6, thảo luận tại tổ về dự án Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Quốc hội, Trung tướng Trần Việt Khoa – Giám đốc Học viện Quốc phòng cho hay, những năm vừa qua, Biên phòng là lực lượng phối hợp rất chặt chẽ cùng với lực lượng Công an phá thành công nhiều vụ án ma túy rất lớn, nhiều chiến sỹ Biên phòng đã hy sinh.

Ngược lại thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, có thể nói, lực lượng biên phòng, cùng với dân quân tự vệ ở tuyến biên giới là những lực lượng nổ phát súng đầu tiên để bảo vệ biên giới, làm cơ sở cho lực lượng phía sau chuẩn bị, tham gia, thực hiện tốt cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trong điều kiện hiện nay có các hình thái chiến tranh mới liên quan đến lực lượng biên phòng và công tác biên phòng như chiến tranh biên giới biển đảo, chiến tranh xâm lược.

Năm 2018, Quân ủy Trung ương đã trình Bộ Chính trị thông qua 3 chiến lược là chiến lược Quốc phòng, chiến lược quân sự và chiến lược bảo vệ biên giới.

Để có giải pháp làm cơ sở pháp lý thực hiện tốt nhiệm vụ đánh giặc từ sớm, từ xa, từ ngoài biên giới đến các tình huống ở biên giới thì phải có một hệ thống pháp luật khắc phục được những bất cập của Pháp lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) năm 1997.

Do vậy, cần thiết phải ra đời dự án Luật Biên phòng Việt Nam áp dụng để thực hiện nhiệm vụ biên phòng, bảo đảm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh.

“Ta đã có thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân thì khi Luật Biên phòng Việt Nam ra đời sẽ có thêm thế trận biên phòng toàn dân, tạo thành một hệ thống các thế trận để giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” – Tướng Trần Việt Khoa nói.

Cùng nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) tán thành với việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu Công cho rằng cần quy định rõ trong dự thảo Luật các quy định về bảo vệ cột mốc biên giới, bảo vệ đường biên giới… Đồng thời, cần bổ sung các quy định cụ thể về việc trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại như thế nào trong dự thảo Luật.

Về nội dung cần sửa đổi, đại biểu Lưu Thành Công đề nghị cần phân biệt rõ và ưu tiên tuyển dụng người địa phương vào lực lượng biên phòng, vì thực tế anh em những người ở địa bàn biên giới sẽ nắm địa bàn tốt, việc ngoại giao giữ gìn biên giới cũng sẽ tốt hơn.

Tướng Trần Việt Khoa: “Hiện nay có hình thái chiến tranh mới liên quan đến lực lượng biên phòng” - Ảnh 1.
Trung tướng Trần Việt Khoa.

Phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho hay Luật Biên phòng Việt Nam thực tế được nâng lên từ Pháp lệnh của Bộ đội Biên phòng. Theo ông, tên gọi và phạm vi điều chỉnh là vấn đề lớn quyết định tới kết cấu và toàn bộ nội dung của dự thảo cần phải được nghiên cứu, đánh giá thật kỹ, nội dung này được nhiều ý kiến quan tâm và cũng có ý kiến khác nhau.

“Việc xây dựng dự án luật với tên gọi “Luật Biên phòng Việt Nam” và mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Pháp lệnh Bộ đội biên phòng là phù hợp với tên gọi được nêu trong Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và tên trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội quyết định” – Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.

Hoàng Thành/DV

Bài mới
Đọc nhiều