Tướng Quân đội Việt Nam vào top 150 lãnh đạo hàng đầu thế giới về thương hiệu
Theo Brand Finance vừa công bố thiếu tướng Lê Đăng Dũng đứng thứ 130 trong danh sách Brand Guardianship Index 2022
Mới đây, Brand Finance – công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới – đã công bố bảng xếp hạng Brand Guardianship Index 2022.
Để xếp hạng Chỉ số Giám hộ Thương hiệu năm 2022, Brand Finance thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 1.000 hội đồng nhà phân tích thị trường và nhà báo về danh tiếng của các nhà lãnh đạo. Khảo sát đã được tiến hành vào tháng 11-12/2021.
Trong danh sách này, ông Lê Đăng Dũng, nguyên Quyền chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đứng thứ 130. Ông xếp trên rất nhiều lãnh đạo của các thương hiệu nổi tiếng như Volkswagen, Cocacola, LG, Red Bull, Nestlé…
Trong lĩnh vực viễn thông, ông đứng thứ 4, chỉ xếp sau lãnh đạo của Verizon, Etisalat và STC.
Ông Lê Đăng Dũng gia nhập Viettel từ năm 1996. Ông đã giữ vị trí Phó Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc của Viettel được 16 năm, dài nhất trong lịch sử Tập đoàn. Đồng thời, ông cũng đã có 5 năm là Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội và giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) từ năm 2016.
Tháng 7/2018, tướng Lê Đăng Dũng được bổ nhiệm giữ chức vụ phụ trách Chủ tịch kiêm phụ trách Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel). Đến 23/1/2019, Thủ tướng ký quyết định giao ông Lê Đăng Dũng làm Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel). Thiếu tướng Lê Đăng Dũng đã có quyết định nghỉ hưu theo chế độ từ 1/1/2022. Tuy nhiên, ông Dũng vẫn làm việc ở Viettel và chờ lễ bàn giao chính thức vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc cho lãnh đạo tiếp theo của Tập đoàn Viettel là ông Tào Đức Thắng.
Trong thời gian ông Dũng là người đứng đầu, Viettel đã xuất sắc đạt nhiều thành tích về mặt thương hiệu.
Năm 2021, thương hiệu Viettel lọt top 500 thương hiệu mạnh nhất thế giới, xếp thứ 325 thế giới, tăng 32 bậc so với năm trước, đồng thời, cũng là thương hiệu viễn thông duy nhất tại Đông Nam Á có mặt trong bảng xếp hạng này.
Cũng trong năm 2021, theo bảng xếp hạng thương hiệu viễn thông Telecoms 150 2021 của Brand Finance, Viettel được định giá trị thương hiệu hơn 6 tỷ USD (tăng 3,4% so với năm 2020), đứng thứ 10 châu Á và thứ 24 trên thế giới, tăng 4 bậc trên toàn cầu so với năm 2020.
Giá trị thương hiệu của Viettel đã tăng gấp đôi kể từ khi quyết định chuyển dịch từ một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông sang thành một doanh nghiệp tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số vào năm 2018, Brand Finance cho biết.
Năm 2020, Viettel ở vị trí thứ 28 trong bảng xếp hạng Telecoms 150. Năm 2021, Viettel đã vượt qua SK Telecoms – nhà mạng số một Hàn Quốc.
Trong một lần chia sẻ về câu chuyện tầm nhìn dài hạn và những nỗ lực theo đuổi giấc mơ, ông Lê Đăng Dũng từng nói: “Điều quan trọng nhất của người chỉ huy là giữ cho công ty lúc nào cũng có khát vọng, bất cứ ai cũng mang tinh thần khởi nghiệp”.
Ông Lê Đăng Dũng cũng từng khẳng định: “Trong mỗi con người đều có rất nhiều năng lượng đang ngủ. Muốn đánh thức nó thì phải kích hoạt, phải đặt ra những thách thức thật sự”.
Cũng theo Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, khi đi đầu tư, kinh doanh, vấn đề quan trọng nhất là thị trường: “Tôi không phủ nhận khả năng cá nhân nhưng thị trường và đối thủ là những yếu tố tác động rất quan trọng đến kết quả. Một số công ty từng rất thành công ở quốc gia này nhưng lại không thành công ở thị trường khác bởi sự cạnh tranh, biến hóa của đối thủ”.
Minh Ngọc