+
Aa
-
like
comment

Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa: Kế thừa truyền thống giữ nước của cha ông để bảo vệ chủ quyền

31/10/2019 09:40

Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND VN nói, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn được đặt lên hàng đầu và “Đảng, Nhà nước lắng nghe hiến kế của nhân dân”.

Hôm nay 31/10, các đại biểu bước vào ngày làm việc thứ 2, thảo luận về kinh tế xã hội, ngân sách năm 2019 và kế hoạch năm 2020.

Đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa
Đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa

Tiếp mạch ý kiến về tình hình Biển Đông được một số đại biểu đề cập trong phiên thảo luận hôm qua, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định, “đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm”. Tại phiên khai mạc kỳ họp lần này, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng đều nêu rõ việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tướng Nghĩa nhấn mạnh, thời gian qua công tác đối ngoại, an ninh quốc phòng đã được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn được đặt lên hàng đầu.

“Các lực lượng thực thi nhiệm vụ đã thực hiện đúng đường lối, quan điểm, đối sách của Đảng là kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích quốc gia, giữ môi trường hoà bình, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế”, ông nói.

Về việc “vừa qua trong dư luận, người dân có hiến kế cách này, cách khác”, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói “Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe những ý kiến chính đáng và tâm huyết của nhân dân, đồng thời kiên trì kế thừa truyền thống văn hoá dựng nước của cha ông”. Theo ông, đó là tinh thần dĩ bất biến ứng vạn biến. Điều gì thuộc về nguyên tắc phải kiên quyết giữ gìn; những vấn đề thuộc về độc lập lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì quyết không nhân nhượng. Nhưng Việt Nam phải có đối sách phù hợp vì truyền thống văn hoá giữ nước của cha ông là hoà hiếu, hoà bình.

Nhấn mạnh việc kế thừa và nâng lên tầm cao mới truyền thống văn hoá giữ nước của cha ông, tướng Nghĩa cũng nêu rõ “từng tình huống cụ thể phải có sách lược phù hợp; khẳng định tính đúng đắn, chính nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế”.

Theo ông, phải sử dụng tổng hợp các biện pháp, xây dựng thế trận gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, lịch sử, pháp lý, trong đó lịch sử, pháp lý là một trong những căn cứ quan trọng để khẳng định tính chính nghĩa của Việt Nam theo hiến chương của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 và các điều ước khác mà Việt Nam đã cam kết.

Chia sẻ với các ý kiến trước đó về tình hình Biển Đông, đại biểu Trương Trọng Nghĩa thống nhất rằng “không có bất kỳ sự nhân nhượng nào khi nói tới bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”. Song ông đề nghị, thông qua các kênh thông tin khác nhau, các cơ quan chức năng cần thông tin kịp thời hơn, đầy đủ hơn cho người dân để “họ yên tâm, tin tưởng vào tương lai, kết quả bảo vệ chủ quyền của đất nước”.

Ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề cập tới dự án điều chỉnh địa giới thành phố Huế và các vùng phụ cận. Theo ông, hiện diện tích thành phố Huế là 70 km2, dân số 345.000 người, mật độ dân cư hơn 5.000 người/km2, gấp đôi mật độ bình quân ở các đô thị. Mật độ xây dựng đã đạt trên 80%.

“Quy mô thành phố đã quá chật cho bảo tồn di tích và quá nhỏ so với nhu cầu phát triển của địa phương. Việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế là nhu cầu khách quan, để người dân có cuộc sống tốt hơn; thúc đẩy bảo tồn, phát huy di sản cố đô Huế”, ông Thọ nhận định. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở xây dựng thành phố Huế sớm trở thành đô thị di sản, văn hoá trực thuộc Trung ương.

“Việc điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng tới tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính một số địa phương lân cận. Vì thế tỉnh mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo để Huế hoàn thành việc mở rộng địa giới hành chính”, ông Thọ nói.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Quốc hội dành hai ngày 30 và 31/10 để thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách. Hôm qua đã có 49 đại biểu đăng đàn, 3 người tham gia tranh luận, hai Bộ trưởng giải trình là bộ trưởng Giao thông Vận tải và Tư pháp.

66 đại biểu đã đăng ký nêu ý kiến vào vào hôm nay. Quốc hội cũng sẽ mời bốn thành viên Chính phủ giải trình là các bộ trưởng Văn hoá Thể thao Du lịch, Khoa học Công nghệ, Tài chính và Kế hoạch Đầu tư.

Hoài Thu – Hoàng Thùy/VnExpress

Bài mới
Đọc nhiều