Tướng Mỹ kinh ngạc về trình độ tên lửa của Iran: Bẻ gãy các hệ thống phòng thủ tối tân!
Máy bay không người lái và tên lửa cũng như nhiều vũ khí khác của Iran thực sự có thể chọc thủng hệ thống phòng thủ, xâm nhập và tấn công phá hủy cả những mục tiêu rất nhạy cảm.
Từ đòn tấn công cảnh tỉnh ở Saudi Arabia…
Khi bầy đàn máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình tấn công vào cơ sở dầu mỏ lớn nhất của Saudi Arabia ngày 14/9/2019, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản ứng một cách rất giận dữ và ngay lập tức cáo buộc Iran đã tiến hành một vụ tấn công chưa từng có tiền lệ vào nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, điều bất ngờ thực sự lại đến từ độ chính xác của vụ tấn công: Trong số 19 vũ khí được sử dụng thì chỉ có 2 bắn trượt còn lại đều bắn trúng trực tiếp mục tiêu.
Khi khói lửa hiện trường tan đi, các quan chức Saudi Arabia đếm được 14 lỗ trên các thùng chứa dầu bị đầu đạn xuyên thủng. 3 địa điểm trọng yếu khác của cơ sở chế biến dầu cũng đã bị tấn công trúng và phá hủy, buộc phải đóng cửa với hậu quả là Saudi Arabia phải tạm thời cắt giảm một nửa sản lượng.
Trong những báo cáo sau này, các nhà phân tích Mỹ miêu tả vụ tấn công như một đòn đánh cảnh tỉnh khi lộ diện bằng chứng cho thấy kho tên lửa mà Iran vẫn âm thầm phát triển và chia sẻ với các đồng minh suốt thập kỷ vừa qua đã được cải tiến ở mức độ đáng kinh ngạc.
Vì vậy, theo giới phân tích trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh ở quy mô lớn hơn với Mỹ, Iran hoàn toàn có thể triển khai các vũ khí như vậy để gây thiệt hại nặng nề cho bất cứ mục tiêu nào của Mỹ, chẳng hạn như các căn cứ quân sự, các nhà máy lọc dầu hay chính đồng minh thân cận Israel.
… tới vụ tập kích ồ ạt vào căn cứ Mỹ ở Iraq
Ngày 8/1, Iran đã phóng hơn một chục quả tên lửa đạn đạo vào 2 căn cứ ở Iraq có lực lượng Mỹ đóng quân và Lầu Năm Góc hiện vẫn đang đánh giá thiệt hại.
Fabian Hinz, chuyên gia về chương trình tên lửa của Iran thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ử Monterey, California bình luận:
“Những gì chúng ta chứng kiến ở Iran trong vài năm qua đó là một sự thay đổi từ chỗ các hệ thống tên lửa chủ yếu được sử dụng phục vụ mục tiêu chính trị hoặc chiến tranh tâm lý thì giờ đây nó đã trở thành vũ khí thực sự trên chiến trường. Đây là một sự thay đổi về chất”.
Cả các quan chức Mỹ và Trung Đông đều nói rằng những tên lửa đã được nâng cấp, một số đạt tầm bắn hơn 1.200 dặm, chỉ là một trong nhiều phương tiện tiềm ẩn mà Iran có thể sử dụng để tiến hành chiến dịch báo thù cho cái chết của Thiếu tướng Qasem Soleimani, một lãnh đạo quân sự có tầm ảnh hưởng gần như lớn nhất Iran bị Mỹ sát hại hôm 3/1.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng Mỹ sẽ đáp trả mạnh mẽ bất cứ hành động tấn công quân sự trực tiếp nào nhằm vào các tài sản của Mỹ. Thế nhưng, Iran cũng sở hữu khả năng phát động một đòn phản công không kém đau đớn vào các cơ sở dầu lửa ở vùng Vịnh hoặc tấn công thẳng sang Israel.
Do Iran đã cung cấp các tên lửa tiên tiến cùng công nghệ chế tạo bom cho các nhóm vũ trang ủy nhiệm nên nước này cũng có trong tay các lựa chọn gây tổn hại cho đối thủ của mình trong khi vẫn hạn chế được nguy cơ trả đũa.
Trong quá khứ, Tehran thường xuyên giao nhiệm vụ cho các tổ chức vũ trang ủy nhiệm, không những chỉ Hezbollah ở Lebanon mà còn các lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Syria, Iraq, Yemen và Bahrain tiến hành hàng loạt hoạt động bí mật như đánh bom, tấn công tên lửa, bắt cóc và tấn công mạng.
“Iran sẽ tấn công vào những nơi nào mà họ thấy sơ hở và sẽ kiềm chế nếu như cho rằng sẽ gây ra những hậu quả to lớn”, Karim Sadjadpour, chuyên gia phân tích về chính sách Iran tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie nhận xét.
“Chẳng hạn như, các tên lửa có thể được Houthi ở Yemen phóng đi vào các mục tiêu mềm như hạ tầng dầu mỏ, sân bay hoặc các nhà máy lọc nước biển ở các quốc gia vùng Vịnh. Những vụ tấn công như vậy có khả năng gây tổn hại rất lớn tới nền kinh tế của các đồng minh chủ chốt với Mỹ, đồng thời đẩy giá dầu toàn cầu lên cao”.
Khả năng nâng cấp tên lửa của Iran là kết quả từ những thay đổi được nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei ra lệnh thực hiện cách đây hơn một thập kỷ. Khi đó, các tên lửa tinh vi nhất của Tehran chủ yếu là các biến thể từ tên lửa Scud do Liên Xô chế tạo mà Iran và Iraq sử dụng tấn công lẫn nhau trong cuộc chiến tranh ở thập kỷ 1980.
Iran phóng tên lửa hành trình tấn công căn cứ Mỹ ở Iraq
Sau đó, các trung tâm nghiên cứu phát triển của Iran đã rót hàng triệu USD đầu tư chế tạo các hệ thống dẫn đường giúp nâng cao đáng kể độ chính xác của những tổ hợp tên lửa mới thông qua cải tiến, nâng cấp nhiều phiên bản cũ trước đây.
Kết quả là, theo một quan chức tình báo quốc phòng Mỹ, Iran đã cho ra đời hàng loạt tên lửa tầm ngắn và tầm trung mới có khả năng mang đầu đạn tấn công mục tiêu với độ chính xác trong bán kính chỉ vài chục mét.
“Chúng tôi đã theo dõi và chứng kiến những tiến bộ liên tục của Iran về độ chính xác của các tên lửa hành trình”, quan chức tình báo đề nghị giấu tên cho biết.
Trong số đó, đáng kinh ngạc hơn cả và cũng là sự tiến triển tiềm ẩn nhiều mối lo ngại là công nghệ ứng dụng cho tên lửa Qiam của Iran khi nó cho phép người điều khiển căn chỉnh quỹ đạo bay trong quá trình tấn công mục tiêu.
Thậm chí ngay cả Fateh-110, phiên bản tên lửa tầm ngắn mà Iran cung cấp cho Hezbollah và các tổ chức vũ trang khác cũng đã được trang bị các hệ thống dẫn đường vô tuyến và quang điện tử giúp nó có thể hủy diệt các mục tiêu cụ thể với độ chính xác cực cao.
Trong vụ tấn công hôm 14/9/2019 vào 2 cơ sở dầu mỏ của Saudi Aramco, Iran được cho là đã sử dụng các UAV vũ trang và tên lửa hành trình có độ cơ động cao khiến chúng rất khó bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không.
Thực tế, mạng lưới phòng thủ tên lửa đắt đỏ của Saudi Arabia do Mỹ chế tạo đã không thể đánh chặn được cuộc tấn công này. Lực lượng an ninh địa phương Saudi Arabia chẳng có cách nào khác ngoài việc sử dụng vũ khí nhỏ để bảo vệ các cơ sở dầu mỏ của mình.
Tướng Joseph Votel, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cũng đã phải thừa nhận sự tiến bộ về khả năng chế tạo tên lửa của Iran “nhanh đến mức đáng kinh ngạc”.
“Chúng tôi đã theo dõi vấn đề trong một thời gian và thấy rằng cả UAV và tên lửa cũng như nhiều vũ khí khác của Iran thực sự có thể chọc thủng các hệ thống phòng thủ, xâm nhập và tấn công phá hủy các mục tiêu nhạy cảm”, tướng Votel phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với CTC Sentinel, ấn phẩm của Trung tâm Tác chiến chống Khủng bố thuộc Học viện quân sự West Point danh tiếng.
“Điều đáng quan ngại nhất”, tướng Votel chia sẻ “là mức độ hoàn thiện của các hệ thống này cũng như cách Iran học tập được những kỹ năng phát triển nhanh tới mức nào”.
Tú Anh/SH