Tướng Mỹ cảnh báo căn cứ Trung Quốc ở Đại Tây Dương
Tướng Townsend nói Trung Quốc đang tìm cách lập căn cứ hải quân ven Đại Tây Dương có khả năng tiếp nhận tàu ngầm và tàu sân bay.
Đại tướng Stephen Townsend, Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ (AFRICOM), ngày 6/5 cho biết Trung Quốc đã liên hệ với các quốc gia ven Đại Tây Dương như Mauritana ở phía bắc châu Phi và Namibia ở phía nam để thiết lập một căn cứ hải quân có khả năng tiếp nhận tàu ngầm hoặc tàu sân bay.
“Họ đang tìm kiếm một nơi có thể tiếp tế và sửa chữa chiến hạm. Cơ sở đó sẽ phát huy tác dụng về mặt quân sự trong một cuộc xung đột”, tướng Townsend nói. “Họ từ lâu đã thiết lập căn cứ ở Djibouti, phía đông châu Phi. Giờ họ hướng tầm nhìn về khu vực ven Đại Tây Dương và muốn thiết lập căn cứ như vậy tại đây”.
Bình luận của tướng Townsend nằm trong loạt cảnh báo của các chỉ huy quân đội Mỹ rằng Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng của mình không chỉ ở châu Á và khu vực Thái Bình Dương, mà còn vươn các quốc gia châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông.
Binh sĩ Trung Quốc tại căn cứ ở Djibouti tháng 8/2017. Ảnh: AFP.
Townsend nói căn cứ nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc tại Djibouti ngày càng tăng quy mô và sức chứa, với 2.000 binh sĩ cùng hàng trăm lính thủy đánh bộ. Tư lệnh AFRICOM nói Trung Quốc “đang vượt xa Mỹ tại các quốc gia được chọn ở châu Phi”.
“Các dự án cảng, hợp đồng kinh tế, cơ sở hạ tầng cùng các thỏa thuận sẽ giúp họ tiếp cận khu vực này nhiều hơn trong tương lai. Họ đang tự lập bảo hiểm rủi ro và đặt cược lớn vào châu Phi”, tướng Townsend nói.
Townsend nói “rất quan tâm” đến ý định lập căn cứ ven biển Đại Tây Dương của Trung Quốc, do khoảng cách từ đây tới Mỹ ngắn hơn so với vùng Sừng châu Phi.
Tướng Townsend đưa ra bình luận sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo năm 2020 về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh đang tìm cách triển khai lực lượng hải lục không quân tại Angola và các địa điểm khác ở châu Phi.
Báo cáo nhận định châu Phi và Trung Đông là những ưu tiên quan trọng của Trung Quốc trong những năm tới, khi nước này gần đây nhập khẩu lượng lớn dầu và khí đốt tự nhiên từ khu vực này.
Tuy nhiên, Henry Tugendhat, chuyên gia chính sách thuộc Viện Hòa bình Mỹ, cho rằng các nỗ lực nào mở rộng ảnh hưởng ở Đại Tây Dương của Trung Quốc chủ yếu nhằm theo đuổi lợi ích kinh tế, thay vì giành lấy ưu thế quân sự.
Lo ngại về việc Bắc Kinh tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Đại Tây Dương xuất hiện khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tìm cách duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 2/5 nói “Mỹ sẽ có thể chống lại ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc”.
“Trung Quốc là một quốc gia có đủ năng lực quân sự, kinh tế và ngoại giao để phá hoại hoặc thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Mỹ không cố gắng kiềm chế Trung Quốc nhưng sẽ duy trì trật tự dựa trên quy tắc này. Bất cứ ai thách thức trật tự đó, chúng tôi sẽ đứng lên và bảo vệ nó”, Blinken nói.
Nguyễn Tiến