+
Aa
-
like
comment

Tượng lính Việt hay tượng lính Tàu?

Minh Khuê - 31/08/2020 18:25

Những ngày qua, trên nhiều diễn đàn xuất hiện tranh cãi về những bức tượng vừa được vận chuyển đến một khu lịch. Nhiều đối tượng, trong đó có Phạm Minh Vũ, ngay lập tức đã đưa luận điệu xuyên tạc những bức tượng mô tả lính Trung Quốc và cho rằng khu du lịch đang xây dựng phiên bản Tử Cấm Thành với bài viết “Yêu cầu chính quyền Lâm Đồng Tháo Dỡ Công Trình Của Kẻ Xâm Lược”.

Luận điệu ấu trĩ của Phạm Minh Vũ

Với vốn hiểu biết về lịch sử Việt Nam thời phong kiến hạn chế, nếu không nói là lệch lạc, ấu trĩ, Phạm Minh Vũ đã lập tức quy chụp những bức tượng tại khu du lịch “mang hơi hướng giống đội quân đất nung dưới lăng mộ Tần Thủy Hoàng” mà không hề có một động tác tìm hiểu, kiểm chứng nào. Điều này cho thấy hành động của y hoàn toàn xuất phát từ động cơ muốn kích động, phá hoại, chứ hoàn toàn không có một chủ đích tốt đẹp “bảo tồn văn hóa Việt Nam” như y rêu rao.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Quang Phúc – Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Liên Minh (chủ đầu tư khu du lịch của tượng lính) – cho biết, những bức tượng này thực chất có “lai lịch” từ Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), được mua lại, phục dựng đưa về khu du lịch của tập đoàn. Những bức tượng này thực tế được đúc với trang phục binh lính Việt Nam thời phong kiến, với đặc điểm chính là tấm khiên có họa tiết Lạc Hồng. “Kỳ lạ” thay, khi “đăng đàn” bài viết của mình, Phạm Minh Vũ dường như lại “bỏ sót” chi tiết này. Còn sự tương đồng với quân phục của binh lính Trung Quốc, nếu xem xét tư liệu lịch sử về quân lính các triều đại xưa của nước ta, dễ dàng thấy được đây là điều dễ hiểu.

Những bức tượng binh lính có khiên mang họa tiết Lạc Hồng
Phục dựng thiết kỵ thời nhà Trần, cho thấy nhiều nét tương đồng với quân lục binh lính Trung Quốc.

Đáng buồn thay, sự ấu trĩ của Phạm Minh Vũ lại được “lây lan” trong cộng đồng, khi không ít người phản ứng, đòi đập phá, tiêu hủy các bức tượng trên, cũng những lời lẽ “không nên thờ Quan Vũ, nên đập các tượng hình tượng Trung Quốc…” Vậy xin hỏi: như thế nào mới là “tượng Việt”, đâu mới là “tượng Trung”? Những người đang đòi hủy hoại tài sản có phân biệt được chiến giáp của thời nào không? Chỉ với một vài bức ảnh cùng một ít tiểu xảo, những kẻ như Vũ đã đạt được mục đích, kích động tư tưởng cực đoan không kiểm soát. Nếu nói ngày xưa “Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản” của Trung Quốc đã phá hoại không biết bao nhiêu giá trị văn hóa, lịch sử, thì giờ đây chẳng phải “anh hùng bàn phím” người Việt Nam hôm nay đang đi vào vết xe đổ 50 năm trước của Trung Quốc ngày xưa hay sao?

Lịch sử hình thành, phát triển xây dựng đất nước chúng ta, không thể phủ nhận sự giao thoa với văn hóa Trung Quốc. Những di sản văn hóa của cha ông ta để lại, không thể không nhìn thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn hóa phương Bắc, bằng chứng là hàng ngàn pho sách ghi bằng Hán tự, Nôm tự, tượng tác, lễ nghi… Ngay cả chữ Nôm, chữ viết đầu tiên của người Việt chúng ta, cũng là sự biến tấu, cách điệu từ Hán tự mà xây dựng nên. Vậy mà có những người lại a dua theo tư duy của Phạm Minh Vũ, đòi “bỏ tượng Khổng Tử trong Quốc Tự Giám trả về Trung Quốc”, nếu vậy chẳng phải nên đốt hết sách cổ, văn bia, chiếu chỉ của các triều đại “trả về cho Trung Quốc”, vì các di sản đó, phần nhiều cũng viết bằng Hán tự đó thôi…

Bia tiến sĩ tại Quốc Tự Giám đều được ghi bằng Hán tự.

Lại nói về Quan Vũ, ông là một nhân vật lịch sử nổi tiếng cuối thời nhà Hán của Trung Quốc, một biểu tượng lớn được tôn thờ trong cả nền Nho giáo và Đạo giáo vốn thịnh hành thời bấy giờ. Ở góc độ Đạo giáo – vốn rất gần gũi với tín ngưỡng thờ cúng thần thánh tổ tiên của các dân tộc Á Đông – Quan Vũ là hình tượng chuẩn mực nhất về một đức “thánh”. Tại nước ta, vì những công lao to lớn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, hình ảnh của Quan Vũ dần trở nên mờ nhạt, và gần như hoàn toàn được thay thế bằng sự thờ phụng Đức Thánh Trần. Ngày nay, việc thờ cúng Quan Vũ hầu hết giới hạn trong phạm vi cộng đồng người Hoa nước ta. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có nghĩa Việt Nam kỳ thị hay cấm đoán việc thờ phụng Quan Công. Mà trái lại, chúng ta luôn tôn trọng văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo của bất kỳ dân tộc, quốc gia nào. Nếu cứ theo tư tưởng “bài Tàu” cực đoan, thì chỉ trong nay mai, tất cả đền chùa, miếu tự trên đất nước này sẽ bị đập phá không còn một di sản nào, bởi tất cả đều “mang hơi hướng Tàu”, như lời của kẻ ấu trĩ Phạm Minh Vũ.

Hành động của Phạm Minh Vũ không chỉ thể hiện một tầm tri thức kém cỏi, mà còn bộc lộ nhân cách bỉ ổi, đổi trắng thay đen để bôi nhọ văn hóa, con người Việt Nam. Một mặt mượn danh “tôn giáo”, “nhân quyền” để xuyên tạc chính quyền, mặt khác lại sẵn sàng bôi tro trát trấu vào văn hóa, tín ngưỡng của chính người Việt – trong đó cộng đồng người Hoa – để kích động bạo lực, phá hoại, đủ để thấy bản chất của những kẻ ấu trĩ như Phạm Minh Vũ.

T.H.

Bài mới
Đọc nhiều