Tướng Lê Quý Vương kể hành trình phá đường dây đánh bạc “khủng” ở Hải Phòng
Báo cáo tại phiên họp toàn thể của UB Tư pháp về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2019, Thứ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Lê Quý Vương thông tin về chuyên án phá đường dây đánh bạc của người Trung Quốc tại Hải Phòng vừa qua…
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, việc phá đường dây đánh bạc trực tuyến ở Hải Phòng vừa qua liên quan đến người Trung Quốc là chuyên án của Bộ Công an. Tháng 5/2019, trinh sát nắm được tin khu đô thị Our City tại Hải Phòng có một số lớn đối tượng người Trung Quốc thuê.
Những người này cư trú và thuê đường truyền Internet với lưu lượng lớn, truy cập hơn 100 website chơi xổ số, cá cược, chủ yếu ở nước ngoài.
Tướng Vương thông tin, Công an Hải Phòng nắm được thông tin Công ty Hiệp Phong đã cho những người Trung Quốc thuê lại hạ tầng, thiết bị hoạt động. Lập tức xác lập chuyên án đấu tranh khi đó, Công an Hải Phòng có trao đổi với Bộ Công an và phía Trung Quốc.
“Phía Trung Quốc cũng cho biết họ đang tổ chức điều tra nhóm đối tượng này, có liên quan đến hoạt động tại Trung Quốc và cả Việt Nam” – Thứ trưởng Bộ Công an nói.
Sau đó, khi xác định rõ có hành vi đánh bạc, Công an Việt Nam đã tổ chức phá án, bắt quả tang, thu giữ máy chủ, điện thoại di động, tiền Việt Nam và tiền USD sử dụng để đánh bạc.
Với các đối tượng đã bắt giữ, Công an Việt Nam tổ chức bàn giao lại cho Trung Quốc vì vụ án liên quan tới các hoạt động của nhóm người này tại Trung Quốc. Giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng từng ký thoả thuận về hợp tác phòng chống tội phạm. Những năm qua, công an hai nước vẫn phối hợp thường xuyên.
Tướng Vương khẳng định: “395 người bị bắt giữ, không phải tất cả đều sang Việt Nam đánh bạc mà công an chỉ “khoanh vùng” hàng chục đối tượng mang theo máy tính. Những thiệt hại gây ra trong vụ án cũng là ở phía Trung Quốc, không có thiệt hại với phía Việt Nam vì muốn chơi được trên những website này, người sử dụng phải thành thạo tiếng Trung Quốc. Chỉ có khó khăn đặt ra khi đó là cùng lúc có 395 người Trung Quốc bị giữ, không đủ phiên dịch để khai thác đối tượng. Hơn nữa, các đối tượng cũng giả vờ không biết tiếng. Chúng tôi phải huy động cả lớp đào tạo tiếng Trung trong trường đào tạo của công an xuống làm việc. Các máy móc, thiết bị nhóm đối tượng sử dụng cũng toàn tiếng Trung, gây khó khăn nhiều cho hoạt động điều tra”.
Giải trình lý do tại sao phải giao lại các đối tượng cho phía Trung Quốc? Theo Thượng tướng Lê Qúy Vương, thứ nhất, nhóm đối tượng này liên quan đến phía Trung Quốc. Giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng đã có ký thỏa thuận giữa 2 Bộ trưởng Công an về hợp tác công tác phòng chống tội phạm, nên tất cả các đối tượng về kinh tế, hình sự, ma túy trong mấy năm vừa qua chúng ta thường xuyên phối hợp với Công an Trung Quốc.
Trước đó, cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Công an phối hợp với Công an TP Hải Phòng cùng “đột kích” khu đô thị Our City (phường Hải Thành, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng), bắt quả tang đường dây tổ chức đánh bạc “khủng” qua mạng do các nghi phạm người Trung Quốc thành lập và tổ chức cho chính công dân của nước này tham gia.
Tại đây, khi khám xét trên 100 phòng tại các tòa nhà trong khu đô thị, Công an Việt Nam tạm giữ gần 400 nghi phạm người Trung Quốc. Lực lượng phá án cũng thu giữ gần 2.000 điện thoại di động thông minh, 533 máy tính các loại, nhiều thẻ ngân hàng, tiền mặt cùng nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án. Cùng với đó, số tiền mà tổ chức cờ bạc này đã giao dịch trên hệ thống là trên 3,6 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 12.000 tỷ đồng.
Kết quả điều tra cho thấy, các công dân Trung Quốc đang sinh sống tại Trung Quốc tham gia đánh bạc dưới các hình thức như cá cược thể thao, chơi xổ số, lô tô, đua xe, game… thông qua đường dây trực tuyến trên mạng Internet từ các website của tổ chức này.
Công an xác định, thủ đoạn hoạt động của đường dây đánh bạc là thực hiện trên không gian mạng, tổ chức trong “vỏ bọc” doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khu đô thị Our City là nơi các nghi phạm đặt “đại bản doanh”, lắp đặt các thiết bị công nghệ để vận hành đường dây đánh bạc do người Trung Quốc điều hành.
Tất cả đối tượng phạm tội, người bị hại, người liên quan trong vụ án đều là người Trung Quốc. Công an không phát hiện bị hại nào là người Việt Nam. Và trong số hơn 300 người Trung Quốc bị tạm giữ khi đó, chỉ có một số ít người được xác định có khai báo tạm trú, còn lại hầu hết là lợi dụng việc đi du lịch để ở lại Việt Nam. Căn cứ theo Hiệp định định tương trợ tư pháp về hình sự, Công an Việt Nam sau đó đã bàn giao những người này cho cơ quan chức năng Trung Quốc tiếp nhận, xử lý theo đúng quy định.
Phía Việt Nam, công an xem xét làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý với những nghi vấn về hoạt động của Công ty Hiệp Phong đồng thời làm rõ việc các công ty du lịch đưa khách vào nhưng không báo cáo, không thực hiện đúng các khai báo theo quy định của pháp luật, tạo các kẽ hở cho các đối tượng hoạt động.
P.Thảo/Dân Trí