Tương lai nào cho châu Á – Thái Bình Dương trước cục diện “cạnh tranh nước lớn”?
Chuyến thăm vừa qua của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan đã gây nên những căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ – Trung, vốn đã rất ảm đạm từ 5 năm trở lại đây. Một chuyến đi ngoại giao để lại những dư chấn chính trị mạnh mẽ. Chỉ là một nữ chính khách ngoài 80 nhưng ảnh hưởng từ chuyến đi này của bà với chính quyền Đài Bắc đã khiến cả khu vực dậy sóng. Tất cả những diễn biến xoay quanh sự kiện ấy đã khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi: Cạnh tranh giữa các nước phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ còn tạo ra những biến động gì cho tương lai khu vực và thế giới? Những nước đang phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ấy thì có thể làm gì?
Trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, “cạnh tranh nước lớn” trở thành một hiện tượng không thể đảo ngược, với quy mô và cường độ lớn hơn rất nhiều thời kỳ đầu sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Điều này tất yếu dẫn đến một tương lai đầy bất ổn định. Đó là một thế giới mà “cạnh tranh nước lớn” trở thành xu hướng chủ đạo, về một khu vực châu Á – Thái Bình Dương trở thành không gian cho cạnh tranh. Tuy nhiên, trên cơ sở của hiện thực và những phán đoán logic về sự vận động, phát triển của các cường quốc, trong vài năm tới, cạnh tranh nước lớn tại châu Á – Thái Bình Dương có thể sẽ phát triển theo những xu hướng sau:
Khi quá trình điều chỉnh chiến lược đối ngoại sang châu Á – Thái Bình Dương ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều cường quốc thì có một thực tế đang và sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo của quan hệ quốc tế tại khu vực này. Đó là các vấn đề riêng của từng nước hoặc cặp quan hệ song phương có nhiều khả năng bị phức tạp hóa bởi sự can thiệp của các nước lớn. Chẳng hạn như: Vấn đề của Myanmar sau khi Thiết quân luật được thiết lập đã gây nên những chia rẽ trong ASEAN, tiếp tục sâu sắc thêm bởi các tuyên bố và trừng phạt của Mỹ cùng thế giới phương Tây. Vấn đề của Sri Lanka hậu khủng hoảng sẽ không có gì đáng nói nếu người dân nước này được tự lựa chọn tương lai cho mình. Thế nhưng, thay vào đó, thứ họ nhận được là sự thoả hiệp của giới tinh hoa chính trị trong nước với các thế lực ngoại quốc, ở đây là Ấn Độ và Trung Quốc. Ngoài ra, quan hệ song phương của nhiều quốc gia cũng ngày càng diễn biến khó lường hơn. Trong đó, quan hệ Việt – Trung và quan hệ Việt – Mỹ gặp nhiều khó khăn từ cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc ấy. Quan hệ Trung – Đài, vốn đã rất căng thẳng, càng thêm xấu đi khi hiện diện quân sự Mỹ tại Thái Bình Dương ngày một lớn.
Ngoài phức tạp hoá, quốc tế hoá các tranh chấp thì xung đột nội khối cũng là một tương lai không thể khác của “cạnh tranh nước lớn” tại châu Á – Thái Bình Dương. Đây vừa là thời cơ, nhưng đồng thời cũng là thách thức cho việc giải quyết các xung đột, mâu thuẫn đó. Bởi, khi một xung đột ở mức cục bộ, các tác nhân và chủ thể tham gia còn ít, việc giải quyết từng việc, từng đối tượng vẫn dễ hơn là đối mặt cùng lúc với nhiều việc, nhiều đối tượng khi sự việc bị quốc tế hoá cao độ. Hai vấn đề đang dần bị quốc tế hoá hiện nay có thể dể dàng nhận thấy là Vấn đề Biển Đông và vấn đề ly khai dân tộc trong nội bộ nhiều nước Đông Nam Á. Trong đó, quá trình quốc tế hóa tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là nổi bật hơn cả.
Nỗ lực quốc tế hóa vấn đề Biển Đông đang làm rõ một điều, đó là: Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước như Philippines, Brunei, Malaysia… đã không chọn đồng minh, không dựa vào một liên minh nào trong giải quyết xung đột. Đây là một ván bài khá liều lĩnh của các nước Đông Nam Á, nhưng vào lúc này và trong tương lai, đó là một việc làm không thể khác, khi cạnh tranh nước lớn vừa là thời cơ, nhưng cũng là thách thức.
Trong quá trình cạnh tranh ảnh hưởng và vị thế, các nước phát triển sẽ sử dụng các tác động về mặt ngoại giao, kinh tế lên các quốc gia khác hòng lôi kéo quốc gia đó về phe mình, cũng như tích cực sử dụng các quyền lực truyền thông để tuyên truyền văn hóa, hòng tạo cảm tình với nhân dân nước thứ ba. Điều này sẽ đẩy các nước khác trong khu vực vào tình thế phải lựa chọn giữa các bên, tất yếu dẫn đến sự chia rẽ, mâu thuẫn giữa các nước, nhóm nước. Về lâu về dài, xu hướng phân cực trên sẽ cản trợ sự phát triển hoà bình, ổn định của cả khu vực.
Do vậy, trên cơ sở những nhận thức về bản chất và động lực của cạnh tranh nước lớn, các nước phát triển thì mỗi quốc gia trong khu vực và thế giới cần hết sức tỉnh táo và độc lập trong đường lối đối ngoại. Tự chủ và tự cường không chỉ dừng lại ở văn bản hay tuyên bố, chúng nên là nguyên tắc sống còn của mỗi nước trong bối cạnh hiện nay.
Đăng Võ