+
Aa
-
like
comment

Tương lai ảm đạm của kinh tế châu Á trong năm 2020

07/05/2020 06:30

Đại dịch Covid-19, cuộc chiến giá dầu, các ngân hàng trung ương suy yếu khiến nền kinh tế châu Á khó phục hồi.

Đối với các nhà lãnh đạo châu Á, năm 2020 không thể kết thúc đủ nhanh. Chỉ sau 70 ngày, 4 nền kinh tế hàng đầu khu vực đã lung lay, sự bùng phát virus corona đang giết chết du lịch và giá dầu sụp đổ đang làm tăng thêm sự hoảng loạn của thị trường.

Từ Bắc Kinh, Tokyo, Seoul đến New Delhi, đã không bắt đầu năm 2020 dưới lăng kính màu hồng, do thương chiến Mỹ – Trung. Cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, thị trường tài chính vẫn chịu nhiều từ cuộc chiến kinh tế trước đó.

Mọi thứ đã thay đổi chỉ trong nửa đầu tháng 3. Sự lây lan của Covid-19 trên toàn thế giới, các phát biểu của Tổng thống Trump, WHO công bố Covid-19 là đại dịch đã gây ra sự sụt giảm lớn nhất về chỉ số chứng khoán kể từ suy thoái thế giới năm 2008.

Cuộc chiến dầu mỏ giữa Saudi Arabia và Nga bồi thêm một đòn vào nền tài chính vốn đã hỗn loạn.

Khởi đầu bất ổn

Một lý do khiến năm 2020 là một năm khó khăn với thị trường châu Á đó là dữ liệu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Năm 2019, Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 30 năm vì các áp đặt thuế quan của Tổng thống Mỹ. Chỉ số sản xuất của Bắc Kinh giảm xuống 35,7 trong tháng 2, mức thấp nhất theo thống kê, thể hiện một sự co thắt của nền kinh tế.

Tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong quý 4/2019 đã giảm mạnh -6,3%, cao hơn nhiều so với các dự báo trước đó, phản ánh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có thể sẽ chìm sâu vào suy thoái. Một phần do quyết định tăng thuế thương vụ không cần thiết của Thủ tướng Shinzo Abe. Dữ liệu xuất khẩu của Nhật từ đầu năm 2020 cũng chững lại đột ngột.

Ấn Độ đã kết thúc năm 2019 với mức tăng trưởng chậm nhất trong 6 năm cùng hệ thống ngân hàng không khả quan. Năm 2020 có thể là một năm chấn động cho New Delhi.

Nền kinh tế Hàn Quốc đang đối mặt với thách thức lớn từ dịch virus corona chủng mới. Theo Yonhap, các ngân hàng đầu tư và tổ chức kinh tế lớn dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc sẽ trượt dốc xuống dưới 2% trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các nền kinh tế mở như Singapore, Đài Loan và Việt Nam phải đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Indonesia, Thái Lan và Philippines đang xem xét dòng chảy du lịch suy giảm và ít kiều hối từ những lao động xuất khẩu do dịch Covid-19. Trước những thách thức này, Malaysia đứng trước hỗn loạn chính trị.

Ở Úc, nơi không xảy ra suy thoái kinh tế kể từ năm 1991, các quan chức cũng đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

Không thể hành động đơn độc

Nhiều chuyên gia dự báo châu Á có thể phải chịu nhiều tổn thương hơn năm 2008. Năm 2009, Trung Quốc tăng trưởng 8,7%, giúp phần còn lại của châu Á tránh được cuộc khủng hoảng tồi tệ. Tuy nhiên, GDP của nước này khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng như kì vọng trong năm 2020.

Thông thường, việc giá dầu thô giảm mạnh nhất sẽ giúp nhiều nước hưởng lợi. Tuy nhiên, trượt giá năng lượng từ trước cuộc chiến giá dầu giữa OPEC và Nga một phần thúc đẩy bởi nhu cầu của Trung Quốc, khi nước này tạm dừng sản xuất và hạn chế đi lại.

Sự sụt giảm tăng trưởng, các chỉ số không như dự đoán cùng thị trường lao động ảnh hưởng nặng nề đã khiến chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in cũng như chính phủ của ông Shinzo Abe cùng phải lên kế hoạch kích thích tài khóa.

Thị trường chứng khoán châu Á có thể trong tình trạng đỏ lửa những tháng tới nếu chính phủ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… không mạnh tay hơn và bắt đầu hành động để bảo vệ nền kinh tế.

Dịch virus corona là cú sốc nghiêm trọng đối với nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc, cung – cầu bị ảnh hưởng, sản xuất và dịch vụ đứt quãng, thương mại trong và ngoài nước đều lao đao.

Điều phía Bắc Kinh cần làm bây giờ là đưa ra các gói cứu trợ, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ mới. Các ngân hàng nhà nước tiếp tục hạ lãi suất để cứu doanh nghiệp vừa hoạt động trở lại sau thời gian đình trệ.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 cũng gây ra sự suy giảm đột ngột về nguồn lao động, nhu cầu tiêu dùng của người dân. Kích thích của chính phủ các nước sẽ không có hiệu quả nếu không có sự hợp tác chặt chẽ.

Nguyễn Nguyễn

(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)

Bài mới
Đọc nhiều