‘Cần truy ai tiếp tay người Trung Quốc mở ổ bạc 10.000 tỷ ở Hải Phòng’
“Tôi tin đa số tội phạm nước ngoài hoạt động ở Việt Nam có liên quan đến người Việt Nam, bởi nếu chỉ có mình họ thì khó mà hoạt động trót lọt”, thiếu tướng Lê Văn Cương nói.
Giữa năm 2019, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với công an các địa phương (Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa) triệt phá một tổ chức cờ bạc xuyên quốc gia, liên quan đến người nước ngoài và Việt Nam. Tổng số đại lý lên đến gần 300 người, lôi kéo hàng nghìn người tham gia đánh bạc.
Chiều 28/7, Bộ Công an phối hợp với Công an Hải Phòng tạm giữ gần 400 người mang quốc tịch Trung Quốc bị bắt quả tang đang điều hành các trang web đánh bạc cho công dân nước này tham gia.
Trao đổi với PV, thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an) nhận định tình trạng này không mới, nhưng đang có xu hướng ngày càng phổ biến và diễn ra với quy mô lớn, tính chất phức tạp.
Tội phạm xuyên quốc gia – vấn đề toàn cầu hóa
– Qua vụ việc hàng trăm người mang quốc tịch Trung Quốc tổ chức đường dây đánh bạc lên đến cả chục tỷ đồng ở Hải Phòng, ông nhận định thế nào về tình trạng người nước ngoài “mượn đất” Việt Nam để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật?
– Trong điều kiện toàn cầu hóa, các quốc gia đều phụ thuộc và nương tựa lẫn nhau, vấn đề biên giới cứng cũng bị làm mờ nhạt đi, việc qua lại giữa các nước láng giềng có chung biên giới càng trở nên đơn giản hơn. Đây chính là điểm thuận lợi nhất cho các loại tội phạm chuyển từ nước này sang nước khác.
Chỉ cần có sơ hở là chúng lợi dụng ngay. Cho nên tội phạm hoạt động xuyên biên giới là vấn đề của quá trình toàn cầu hóa, diễn ra trong thời đại không gian mạng xã hội phát triển, liên lạc với nhau quá dễ dàng.
Đây là bức tranh chung của tội phạm xuyên biên giới, xuyên quốc gia. Giống như ở Pháp, họ cũng bắt rất nhiều tội phạm của các nước Trung Đông, Ả Rập. Ở các nước châu Á cũng vậy thôi. Tổ chức tội phạm Trung Quốc hoành hành không chỉ ở Việt Nam mà ở cả Lào và Campuchia, Malaysia, Singapore…
Nhưng thực trạng này cho thấy hai điều chúng ta cần chú ý.
Trước hết là việc tuyên truyền cho người dân về trách nhiệm phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm người nước ngoài nói riêng. Vấn đề thứ hai là câu chuyện quản lý Nhà nước đối với hoạt động của những người nước ngoài tại Việt Nam.
– Đây là tổ chức tội phạm được tổ chức trong “vỏ bọc” của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo ông, đây có phải nguyên nhân khiến chúng ta khó phát hiện được các hành vi phạm pháp của loại tội phạm này?
– Đây là thủ đoạn mới trong vài năm trở lại đây. Họ dùng vỏ bọc là các công ty đầu tư FDI vào Việt Nam hoặc các công ty liên doanh khiến rất khó phát hiện các hoạt động phạm pháp.
Nhưng cũng từ đây, chúng ta phải xem về phía người Việt Nam có ai tiếp tay cho hoạt động này không để giải quyết triệt để. Nếu chỉ có người Trung Quốc hoạt động phạm pháp là chuyện khác, nhưng biết đâu đằng sau đó có người Việt bao che, bảo kê, tạo điều kiện cho tội phạm nước ngoài lộng hành.
Theo kinh nghiệm của mình, tôi tin đa số các vụ tội phạm nước ngoài hoạt động ở Việt Nam đều có liên quan đến người Việt Nam, bởi nếu chỉ có mình họ khó mà hoạt động trót lọt.
‘Mình làm sơ hở, lỏng lẻo đương nhiên họ lợi dụng’
– Vài năm trở lại đây, rất đông người nước ngoài thông qua đường du lịch đã tràn vào các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa để tổ chức các đường dây tội phạm trên đất Việt Nam. Theo ông, lỗ hổng nào trong quản lý đã tạo điều kiện cho tình trạng này diễn ra?
– Chính sách của ta là đúng, chỉ có vấn đề ở chỗ thực thi thôi. Việc để xảy ra vi phạm, không chỉ trong trường hợp này mà ở nhiều vụ việc khác, một phần do một bộ phận cán bộ các cấp của ta ở địa phương mơ hồ, mất cảnh giác và có thái độ sợ sệt trách nhiệm, không xử lý dứt khoát. Nếu làm tốt thì thấp thoáng thấy bóng dáng sai phạm phải cương quyết xử lý ngay.
Chúng ta quản lý công dân trong nước rất chặt chẽ, song việc quản lý hoạt động của người nước ngoài dường như quá lỏng lẻo.
Chưa nói đến cơ quan quản lý ở địa phương, ngay cả cơ quan du lịch của ta cũng đã làm hết trách nhiệm đâu. Họ đưa người nước ngoài vào Việt Nam nhưng không hề làm tròn trách nhiệm của mình, nên họ phải chịu trách nhiệm trước.
– Trong đường dây tội phạm Trung Quốc vừa bị triệt phá đa phần vào Việt Nam bằng con đường du lịch. Việt Nam đang có chính sách mở cửa giao thương, thu hút du khách quốc tế. Liệu tội phạm có phải là mặt trái trong chính sách mở cửa của ta, thưa ông?
– Chính sách mở cửa của chúng ta là đúng đắn và cần thiết, nhưng cần phải xem lại vấn đề thực thi chính sách.
Trong việc để nhóm tội phạm người nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, trước hết Tổng cục Du lịch phải chịu trách nhiệm về việc này, rồi đến các công ty du lịch, lữ hành đưa người vào cũng phải chịu trách nhiệm.
Để hậu quả này thì xử lý trách nhiệm những đơn vị đó là không oan. Trách nhiệm của ai thì phải xử lý người đó, còn không phải do chính sách mở cửa của ta.
Việc xử lý trách nhiệm của ta nhiều khi không nghiêm, không kịp thời. Tôi cho rằng để xảy ra việc gì cũng phải sửa mình trước, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, mình làm sơ hở, lỏng lẻo thì đương nhiên họ lợi dụng thôi. Tội phạm nước ngoài lợi dụng được là do ta yếu kém và sơ hở.
Siết chặt quản lý hoạt động người nước ngoài ở Việt Nam
– Việc các đối tượng thuê nhà, thuê đất tại các khu dân cư, khu đô thị làm “đại bản doanh” để hoạt động tội phạm cũng cho thấy bất cập trong chính sách quản lý nhà, đất cho người nước ngoài thuê, sử dụng. Trách nhiệm của công an sở tại cũng như chính quyền địa phương trong vấn đề này thế nào, thưa ông?
– Tất nhiên, các cơ quan quản lý liên quan đều có trách nhiệm. Trách nhiệm được xác định căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong vấn đề quản lý, chúng ta cần tổng rà soát, kiểm kê lại các văn bản pháp luật liên quan đến cho người nước ngoài sử dụng, sở hữu nhà đất, bất động sản xem có chỗ nào sơ hở không. Cái này Bộ Công an, Xây dựng và Nội vụ, Ngoại giao… cần ngồi lại với nhau, vì việc này không phải trách nhiệm của riêng cơ quan nào cả.
– Từ thực trạng đã nêu, theo ông chúng ta cần siết chặt quản lý thế nào để hạn chế việc người nước ngoài “mượn đất” Việt Nam để vi phạm pháp luật?
– Trước hết, phải siết chặt việc quản lý hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam, kiểm tra lại toàn bộ các khâu trong hệ thống pháp luật và các bước quản lý, kiểm soát người nước ngoài và việc bố trí lực lượng giám sát. Nếu quy định lỏng lẻo, quản lý sơ hở là ngay lập tức sẽ bị lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm tội.
Bên cạnh đó, chúng ta cần làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục người dân cần phải trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm nước ngoài nói riêng.
Mỗi người dân phải tham gia bảo vệ an ninh trật tự, phát hiện các hành động phạm tội khi có người nước ngoài xuất hiện tại khu vực dân cư của mình.
Đặc biệt, chúng ta phải soát xét lại mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc nói riêng, Việt Nam và các nước khác nói chung trong hợp tác phòng chống tội phạm, dẫn độ tội phạm, trên nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền quốc gia.
Tội phạm diễn ra trên đất Việt Nam phải xử lý theo luật pháp Việt Nam, không được nhân nhượng. Người nước ngoài phạm tội cũng phải được xử lý đúng pháp luật Việt Nam như người Việt Nam phạm tội.
Chúng ta đừng lo việc xử lý sẽ ảnh hưởng đến yếu tố ngoại giao, vì đã là tội phạm thì không có bất cứ quốc gia nào dung túng cả. Về nguyên tắc ngoại giao được công khai, nước nào cũng khẳng định quyết tâm chung tay phòng chống tội phạm.
Vì thế, xử lý không lo sợ, đừng mơ hồ, vì đó là việc làm công khai, minh bạch, đàng hoàng. Người Trung Quốc phạm tội ở Việt Nam thì ta thông báo với Trung Quốc, thậm chí mời họ dự phiên tòa để biết hành vi của công dân nước họ đã vi phạm Bộ luật Hình sự của Việt Nam.
(Theo Zing News)