+
Aa
-
like
comment

“Tuổi thơ dữ dội” của Tân Bí thư thành ủy Hà Nội 

07/02/2020 16:00

Bộ Chính trị đã có Quyết định điều động, chỉ định ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội.

Cụ thể, tại cuộc họp sáng nay (7/2), Bộ Chính trị đã phân công Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm Bí thư thành ủy Hà Nội thay Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Trung Hải. Ít ai biết, tân Bí thư thành ủy Hà Nội từng có một tuổi thơ “dữ dội”, điều ít nhiều đã làm nên một Vương Đình Huệ gai góc như hiện nay.

Được biết, ngày trước (khi 19 tuổi), bà Võ Thị Cầm (mẹ của GS.TS Vương Đình Huệ) se tơ kết tóc với ông Vương Đình Sâm ở cùng làng chài Xuân Lộc. Hai ông bà sinh được 8 người con. Ngày đó bà Cầm làm Đội trưởng Đội bốc xếp Hồng Lam, rồi chuyển qua làm Ban Chấp hành Phụ nữ xã. Còn ông Vương Đình Sâm làm công an, rồi có thời gian làm bưu chính của xã Nghi Xuân. Trong một trận không kích của không quân Mỹ, ông Sâm bị thương, sau đó lâm bệnh nặng rồi qua đời. Bà Cầm phải tần tảo nuôi 8 người con. Trong số tám người con đó, cậu bé Huệ là con thứ tư trong gia đình.

Bà Cầm kể cậu bé Huệ sinh ngày 11/7/1957. Thuở ấy, nhà bà Cầm cũng như bao gia đình khác vùng biển Cửa Hội đều thiếu đói. Nhiều hôm nhà không còn gạo ăn, bà Cầm phải đi nhặt hạt bo bo về nấu cháo cho các con của bà ăn trừ bữa…

Ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Ngọc Thắng

Từ nhỏ, cậu bé Huệ đã phải chịu đựng bao vất vả, làm lụng đủ thứ công việc, nào là cào nghêu, bắt cá…để giúp đỡ gia đình. Một số người dân Nghi Lộc nhớ lại, ngày xưa đi học ngoài đói ăn, Vương Đình Huệ còn thiếu mặc đâu phải sướng như thế hệ trẻ bây giờ. Có khi cả năm trời được mỗi một chiếc áo mỏng manh, có hôm đi học về gặp mưa, Vương Đình Huệ phải cởi ra giặt xong đưa vào bếp lửa hong cho khô rồi mặc tiếp. Nhiều hôm đi học về, chưa kịp ăn miếng gì cậu bé đã lao ra biển cào nghêu giúp mẹ bán kiếm tiền nuôi sống gia đình. Thế nhưng, cậu bé Huệ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ học mà còn học rất giỏi!.

Khi chúng tôi có mặt ở làng Xuân Lộc, một số người dân nghe hỏi chuyện về ông Vương Đình Huệ đã không khỏi tự hào. Một số người bạn cùng thế hệ với ông Vương Đình Huệ thi nhau kể lại, thuở nhỏ, tuy nhà nghèo nhưng Vương Đình Huệ là người thông minh, học giỏi. Mặc dù thời đó người dân ở vùng quê này chưa coi trọng chuyện học hành như sau này. Tuy nhiên, với Vương Đình Huệ lại rất hiếu học. Mới học vỡ lòng đã biết lấy vỏ con sò, con nghêu để làm phép tính, kẻ ô chữ trên bãi cát để viết chữ của mỗi bài học… Lớn lên một tí thì đã biết chơi cờ tướng chẳng thua gì người lớn.

Biết con ham học, mặc dù nhà nghèo nhưng bà Cầm vẫn ngày đêm tần tảo chạy vạy nuôi con và mong lớn lên nên chữ nên người. Nhà không có tiền mua sách, Vương Đình Huệ phải mượn bạn bè. Một số người dân Nghi Xuân kể lại, thuở nhỏ, ngoài học giỏi Toán, Vương Đình Huệ còn học rất giỏi Văn. Một thầy giáo dạy học cấp ba ở Nghi Lộc tâm sự, Vương Đình Huệ là học sinh giỏi toàn diện, không những thế mà cậu còn đoạt rất nhiều giải thưởng.

‘Yêu dân thì dân yêu lại’

Thầy giáo Hoàng Văn Thái, Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 1- là một trong những người bạn học những năm cấp 3 với ông Vương Đình Huệ tâm sự: Ngày trước, Vương Đình Huệ học giỏi nổi tiếng ở xứ Nghệ. Nhờ thành tích học tập tốt mà Vương Đình Huệ từng được tỉnh Nghệ An tặng cho cả chiếc xe đạp. Giờ đây không chỉ riêng địa bàn huyện Nghi Lộc mà nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An, không ít các thầy cô, giáo đã lấy câu chuyện hiếu học, học giỏi và con người biết tôn sư trọng đạo của Vương Đình Huệ để nêu gương cho bao thế hệ học trò hôm nay.

Về Nghi Xuân, bao câu chuyện tuổi thơ của ông Vương Đình Huệ được mọi người dân thi nhau kể lại như mới ngày hôm qua. Tuy nhiên, có một câu chuyện vô cùng xúc động đó là vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước (khi điều kiện kinh tế còn khó khăn), thấy con ngày đêm miệt mài học bài, đói đến co ruột, bà Cầm có được nhúm gạo nấu cho con bát cháo để ăn lấy sức học bài. Tuy nhiên, Vương Đình Huệ một mực từ chối và nhất quyết nhường cho mẹ ăn vì sợ bà kiệt sức. Thương con, bà Cầm cũng chỉ biết gạt nước mắt. Điều đáng nói, tuy trong đói nghèo, nhưng bà Cầm luôn biết dạy con là phải biết sống thế nào là đạo lý làm người.

Bà Lê Thị Lan, một người dân Nghi Xuân kể lại: Tuy chồng mất sớm vì bom đạn Mỹ, nhưng bà Cầm không quản ngại gian khó và đã một mình tần tảo nuôi con. Tuy cuộc sống đầy cơ cực nhưng bà Cầm không lấy một lời than thân trách phận; mà đã ngày đêm nhường cơm sẻ áo nuôi con để mong nên chữ nên người. Nhờ vậy, trong gia đình bà Cầm tuy bao người con đã thành đạt nhưng những nếp gia phong xưa vẫn luôn còn mãi. Ngoài việc thờ chồng, chăm con, xưa nay bà còn sống rất chan hòa với mọi người dân xóm giềng xung quanh. Không ít người tìm về quê hương của ông Vương Đình Huệ để hỏi bà Cầm về bí quyết nuôi, dạy con, bà cười đáp: “Tui có bí quyết chi mô, nhà tui nghèo chữ nên trọng người hay chữ, vắt sức ra mà nuôi con cái, làm răng cho chúng nó thành người mà thôi”.

Được biết, mẹ có 8 người con, trong đó có một người đã hy sinh cho Tổ quốc trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước (năm 1973). Đó là anh Vương Đình Ngọc (con trai thứ hai của mẹ). Hy sinh đã lâu nhưng mới đây, đồng đội mới tìm được mộ liệt sỹ Ngọc đưa về quê an nghỉ.

Điều rất đặc biệt, mỗi lần ông Vương Đình Huệ về thăm nhà, bà Cầm thường căn dặn: đã làm “đầy tớ” của dân thì phải làm cho hết lòng. Yêu dân thì dân sẽ yêu lại.

Theo Tiền Phong

Bài mới
Đọc nhiều