+
Aa
-
like
comment

Tuổi tác lãnh đạo các nước và chiêu trò bôi nhọ đất nước của ‘Việt Nam Thời Báo’

An Diễm - 23/11/2021 11:23

Tại Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII vừa qua, nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước tuy không còn trẻ nhưng đã có đóng góp to lớn và uy tín rất cao, được Trung ương Đảng đặc biệt tín nhiệm bầu vào các chức danh quan trọng nhất của cả nước. Không thể bình luận gì về thành tích mà các lãnh đạo đã đạt được, nhưng các đối tượng chống phá, trong đó có Việt Nam Thời Báo (VNTB) lại muốn xoáy vào yếu tố tuổi tác để đưa các luận điệu xuyên tạc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Người Việt Nam có câu “tuổi cao chí càng cao”, kinh nghiệm càng dày và tri thức càng sâu sắc, bởi vậy những người cao tuổi nếu có đủ sức khỏe và nhiệt huyết thì luôn được tín nhiệm vào những vị trí quan trọng của cộng đồng, xã hội và quốc gia. VNTB với một hiểu biết lệch lạc, đã dẫn lại kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Hội Lão khoa Việt Nam và Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73 và số năm sống khỏe mạnh trung bình là 64 năm. Có lẽ ý VNTB muốn xoáy và con số 64 năm để ám chỉ tuổi tác của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay, nhưng họ quên chữ “trung bình”, có nghĩa là thống kê như vậy nhưng sẽ có rất nhiều người khỏe mạnh ở tuổi trên 64 và còn cao hơn nữa.

Bài viết lợi dụng vấn đề tuổi tác để bôi nhọ nguyên thủ của VNTB.

Thực sự, tuổi của lãnh đạo bao nhiêu là cao?

Trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, cả thế giới chứng kiến hai ứng cử viên “già” nhất trong lịch sử, và kết quả là ông Joe Biden đã đắc cử ở tuổi 78. Trong khi đó, nếu tìm đến thống kê về chỉ số HALE (số năm sống khỏe mạnh) của người dân các quốc gia trên thế giới được Tổ chức Y tế thế giới WHO, thì HALE của người dân Mỹ chỉ nhỉnh hơn Việt Nam khoảng 1-2 năm.

Nhìn rộng ra trên thế giới, có rất nhiều nguyên thủ cao tuổi. Tại nước láng giềng Malaysia vài năm trước, ông Mahathir Mohamad được bầu làm Thủ tướng ở tuổi 95, là nhà lãnh đạo cao tuổi nhất thế giới. Khi đó cũng chẳng có ai thắc mắc về tuổi tác, mà người ta thi nhau hỏi ông về bí quyết sống thọ và khỏe mạnh. Ông Sergio Mattarella đắc cử chức vụ Tổng thống Ý vào năm 2015, khi đã 74 tuổi.

Tổng thống Ý Sergio Mattarella đắc cử khi đã 74 tuổi.

Như vậy, rõ ràng là không hề có giới hạn nào cho tuổi tác của các nguyên thủ quốc gia. Khi bình chọn, bầu cử cho vị trí lãnh đạo, tất cả mọi công dân đều bình đẳng. Và thứ duy nhất được xét đến là năng lực, uy tín, kinh nghiệm và sức khỏe đủ tốt. Với các thành tựu về y tế và chăm sóc dinh dưỡng hiện nay, sức khỏe của người dân được chăm sóc ngày càng tốt, và tuổi thọ cũng được nâng cao. Người Việt Nam trước đây từng có quan niệm “ngũ thập tri thiên mệnh”, tức 50 đã là già, nhưng hiện nay 65 tuổi có thể vẫn còn được xem là trẻ, bởi vì…

Cả thế giới đang đua nhau nâng tuổi nghỉ hưu cho thấy quan niệm tuổi tác đã lỗi thời

Thực tế, số năm sống khỏe mạnh theo như thống kê của các chuyên gia chỉ là một yếu tố để đánh giá, xu hướng chung của thế giới hiện nay là tăng tuổi nghỉ hưu do sức khỏe, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng tăng cao.

Tại Nhật – cường quốc thứ ba thế giới – tuổi nghỉ hưu trung bình là 62 tuổi (số liệu năm 2018) và trong tương lai gần họ sẽ tăng tuổi nghỉ hưu lên 68 tuổi. Ai đã từng đặt chân đến Nhật Bản thì đều biết, cơ cấu dân số Nhật đang già hoá, người già vẫn có thể lao động để sinh sống và ưu tiên theo ngành nghề.

Tại Mỹ, tuổi nghỉ hưu hiện nay là 62 nhưng từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động là 65 đối với những người sinh năm 1937 trở về trước, và đối với người sinh từ năm 1943 – 1954 là 66. Tuổi nghỉ hưu tiếp tục tăng thêm 2 tháng/năm, lên 66 và thêm 10 tháng đối với những người sinh năm 1959, tăng từ 66 và 8 tháng đối với những người sinh năm 1958. Tuổi nghỉ hưu sẽ tiếp tục tăng cho đến khi đạt 67 áp dụng với tất cả những người sinh từ năm 1960 trở về sau.

Tại Pháp, năm 2018 tuổi nghỉ hưu cả hai giới tăng từ 60-62, lộ trình đến năm 2023 tuổi nghỉ hưu tăng từ 65-67. Đối với nước Nga, năm 2019 tuổi nghỉ hưu nam giới 60,6 tuổi, nữ giới 55,6 tuổi. Từ năm 2020 trở đi, tăng dần tuổi nghỉ hưu nam giới đến 65 tuổi và nữ đến 60 tuổi. Tuổi thọ trung bình là 70,5 tuổi (nam 64,7, nữ 76,3), tức là còn thua Việt Nam.

Ở các nước phát triển, khi người dân càng giàu, họ càng lao động chăm chỉ và lao động cho đến khi không còn khả năng thì nghỉ. Tại Việt Nam, ở Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng lên 60 với nữ và 62 với nam, phản ánh đúng xu hướng chung của thế giới. Trong tương lai, giới hạn tuổi về hưu sẽ tiếp tục tăng lên do điều kiện mức sống ngày càng cải thiện, điều kiện chăm sóc y tế ngày càng tốt hơn, sức khỏe, tuổi thọ và chất lượng dân số ngày càng tăng.

Lãnh đạo Việt Nam với “Tuổi cao chí càng cao”

Ở tuổi 77, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn được Trung ương và đông đảo người dân cả nước tin tưởng nhờ uy tín cao. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuy mới có 67 tuổi cũng bị VNTB “điểm danh” trong danh sách các lãnh đạo cao tuổi. Cùng với đó là các lãnh đạo nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Nếu xem xét những gì các nhà lãnh đạo này làm được, chắc chắn VNTB sẽ phải xấu hổ khi nói đến yếu tố tuổi tác.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo quyết liệt công cuộc chỉnh đốn đảng và cuộc chiến chống tham nhũng. Đặc biệt, từ sau Đại hội lần thứ XII, công cuộc phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Nỗ lực này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong bối cảnh phần lớn các nước dù cố gắng, nhưng ít có tiến bộ trong việc giảm thiểu vấn nạn tham nhũng. Từ năm 2013 đến 2020, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong khi đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với cương vị Thủ tướng trước đây từng đạt được nhiều thành công rực rỡ trong công tác điều hành. Qua hành trình 5 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng tập thể Chính phủ đối mặt và vượt qua khá ngoạn mục những sóng gió, biến động cả ở trong và ngoài nước. Từ thiên tai đến đại dịch Covid-19, cũng như nhiều tồn tại từ nhiệm kỳ trước, song các chương trình hành động đã thực sự thể hiện một Chính phủ kiến tạo, năng động và vì dân. Những đổi mới, thay đổi và con số về tăng trưởng kinh tế, cải cách thủ tục hành chính, xử lý những vấn đề cấp bách đã thể hiện rõ điều đó.

Nhiều người dân cảm nhận ở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sự quyết liệt, ông đã nói là làm, đã đặt vấn đề lên bàn là giải quyết. Đó cũng là bản lĩnh của người đứng đầu đã giúp cho chúng ta vượt qua được những khó khăn, thử thách đã qua. Có lẽ nhiều người dân Việt Nam và thế giới sẽ còn nhớ mãi hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019. Trước đó chỉ 2 ngày, trong bài phỏng vấn với Fox News, Tổng thống Trump nói rằng Việt Nam “lạm dụng thương mại” và đe dọa sẽ có biện pháp trừng phạt về thuế. Ngay lập tức, tại Hội nghị G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp cận Tổng thống Trump tại một buổi làm việc vào giờ ăn trưa để giải thích cũng như đàm phán với phía Mỹ. Cần biết, Tổng thống Trump từng nhiều lần chỉ trích các quốc gia khác và phần lớn các vị lãnh đạo của các quốc gia đó sẽ chọn cách tạm lánh và hạn chế tiếp xúc, nhưng Thủ tướng Phúc lại chọn một cách tiếp cận rất mau lẹ, chủ động và nhanh chóng. Sau cuộc gặp ấy, Tổng thống Trump đã có những động thái hạ nhiệt hơn khi nói về Việt Nam, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ liên tục vượt đỉnh và tăng trưởng, doanh nghiệp Việt tự tin hơn khi “nhảy” vào thị trường Mỹ.

Có lẽ đã quá đủ để nói về những thành tích của các vị lãnh đạo bị VNTB “điểm danh” rồi dùng tuổi tác để nói xấu. Rõ ràng họ muốn bôi nhọ hình ảnh của lãnh đạo Đảng, Nhà nước bằng một thông tin không hề liên quan, qua đó muốn làm giảm uy tín của đất nước, để rồi kích động, chống phá. Tuy nhiên, qua việc xem xét xu hướng chung của thế giới và tình hình trong nước, ta thấy họ thật lố bịch khi đem vấn đề tuổi của các lãnh đạo ra để chê bai, đặc biệt là khi lãnh đạo đó mới chỉ 67 tuổi như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều