+
Aa
-
like
comment

Tuổi cao nhưng chí không cao: vô cùng nguy hiểm

Bảo An - 24/05/2020 17:19

Hiện nay, một số cán bộ, đảng viên sau khi nghỉ hưu có nhiều phát ngôn thiếu chuẩn mực, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tạo cớ cho các đối tượng phản động, chống đối tiếp tục xuyên tạc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của Đảng và Chính phủ.

Một hiện tượng đáng buồn đang tồn tại là một số cán bộ, đảng viên sau khi nghỉ hưu, thôi việc đã không giữ được bản chất và cốt khí của người cách mạng. Thay vì đóng góp xây dựng cho Đảng, Nhà nước, một số người tự cho mình là “công thần”, “đại thần”, “chuyên gia”, “người đi trước” đã tiến hành bình luận, phán xét về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước một cách tiêu cực, sai lệch bản chất.

Gần đây, thông tin Phạm Thành, một cán bộ từng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, từng giữ chức vụ Phó trưởng phòng Báo Tiếng nói Việt Nam (sau đó bị kỷ luật cho thôi giữ chức vụ và điều chuyển công tác về làm việc tại phòng Kiểm thính, Ban thư ký biên tập về Thính giả) bị bắt giữ khiến cộng đồng xôn xao. Thực tế, dù từng công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam – một trong những cơ quan ngôn luận, truyền thông lớn nhất cả nước nhưng Phạm Thành lại không giác ngộ lý tưởng cách mạng, có nhiều bài viết, bình luận phản động, xuyên tạc gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự. Sau khi nghỉ hưu năm 2012, Phạm Thành gia tăng các hoạt động xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước bằng cách viết, xuất bản nhiều sản phẩm báo chí, văn học có nội dung lệch lạc, tiêu cực.

Hay một dòng thông tin khác đang được các đối tượng phản động, cơ hội chính trị tích cực lan truyền là việc bà Phạm Chi Lan trả lời phỏng vấn của BBC với nội dung sai lệch về chủ trương xây dựng khu kinh tế Vân Đồn, cho rằng chúng ta thiết lập khu kinh tế này là “để cho Trung Quốc vào lãnh thổ mình”. Bà Phạm Chi Lan là chuyên gia kinh tế, từng là tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Tuy nhiên, từ sau khi nghỉ hưu, bà Phạm Chi Lan thường xuyên có những trả lời phỏng vấn của báo đài nước ngoài với nội dung tiêu cực, lệch lạc và các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước

Hình ảnh Thông tin sai lệch bà Phạm Chi Lan đưa ra đang được các đối tượng chống đối rêu rao hòng xâm hại đất nước

Ngoài ra, còn không ít cán bộ, đảng viên sau khi nghỉ hưu vì nhiều lý do khác nhau mà đánh mất cốt khí cách mạng, có hành động “trở cờ”, trở thành những phần tử chống phá Đảng, Nhà nước. Nhiều người sau khi nghỉ hưu đã tham gia các nhóm xã hội dân sự, những cái gọi là Văn đoàn Độc lập, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam; bị lôi kéo, kích động nên đã tham gia tụ tập, hội họp hoặc ký vào các đơn, thư kiến nghị, thỉnh nguyện tập thể có nội dung sai trái, phản động. Một số người khi được các trang mạng tung hô, tán dương lại tỏ ra thỏa mãn mà không biết mình bị các kẻ xấu lợi dụng như những “ngọn cờ” và đã trượt dài trên con đường phản bội, “trở cờ”. Họ tự phủ nhận những cố gắng, đóng góp của mình trong quá khứ; phủ nhận những thành quả cách mạng mà mình đã gây dựng.

Cán bộ, đảng viên là những người được quần chúng nhân dân quan tâm theo dõi. Đặc biệt, những người từng giữ các chức vụ cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước dù đã nghỉ hưu nhưng mọi thông tin, lời nói, hành động của họ đều được người dân để ý. Ở một khía cạnh nhất định, họ là những người có uy tín, ảnh hưởng đối với quần chúng nhân dân. Vì vậy, lời nói, thông tin mà họ đưa ra rất dễ được người dân tin tưởng. Nếu thông tin họ đưa ra là chuẩn xác thì sẽ tạo ra được sự đồng tình, ủng hộ của người dân với đội ngũ lãnh đạo đương chức. Vậy nhưng nếu những thông tin họ đưa ra là sai lệch thì sẽ trở thành cái cớ để các đối tượng phản động xuyên tạc. Về phía người dân, khi thấy thông tin được nguyên cán bộ, lãnh đạo đưa ra sẽ rất dễ đặt niềm tin của mình vào đó. Và khi nhiều người dân cùng đặt niềm tin vào những thông tin sai lệch thì hệ quả là vô cùng nguy hiểm.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tiếp thu ý kiến của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu để xây dựng các chủ trương, đường lối phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội và bối cảnh quốc tế trong từng thời kỳ nhất định. Mọi người đều có quyền thể hiện ý kiến, quan điểm của bản thân để đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Đây mới là con đường chân chính mà mỗi cán bộ, đảng viên cần hướng đến, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn phải phát huy bản lĩnh và trí tuệ của người cộng sản, giữ đúng phương châm “tuổi cao ý chí càng cao”, trở thành gương sáng cho tầng lớp kế cận học hỏi.

Hành động “trở cờ”, tự cho mình là chuyên gia, “công thần”, dù thiếu thông tin nhưng vẫn phát ngôn một cách mơ hồ lệch lạc, thiếu chuẩn mực là hành động phủ nhận chính những cố gắng, đóng góp của bản thân khi đương chức, đi ngược lại lợi ích của toàn Đảng, toàn dân.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều