Tuôcbin điện gió đầu tiên bị cháy ở Việt Nam, thiệt hại lớn thế nào?
Tuôcbin điện gió tại nhà máy điện gió Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) cháy rụi vào ngày 5-1 là sự cố đầu tiên ở Việt Nam với thiệt hại ước tính 70 tỉ đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 6-1, ông Bùi Văn Thịnh, chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, cho biết sự cố cháy tuôcbin điện gió trên thế giới cực kỳ hiếm; ở Trung Quốc cũng xảy ra một số vụ nhưng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Còn tại Việt Nam, sự cố cháy tuôcbin điện gió tại nhà máy điện gió Bình Thạnh là sự cố đầu tiên xảy ra, thiệt hại ước tính khoảng 70 tỉ đồng.
Theo ông Thịnh, toàn bộ tuôcbin đã bị hỏng và trụ đỡ cũng biến dạng, do đó doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí lớn tháo dỡ, sửa chữa bởi phải thuê những xe cẩu chuyên dụng.
Ông Thịnh cho biết phải đợi cơ quan điều tra công bố chính thức nguyên nhân gây nên sự cố, song chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận khuyến cáo đây là bài học cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư điện gió ở Việt Nam.
Theo ông Thịnh, các nhà đầu tư cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành, sửa chữa của nhà sản xuất đưa ra dù rất tốn kém.
“Chi phí sửa chữa, bảo trì chiếm đến 2% giá trị của tuôcbin, ví dụ trụ 70 tỉ đồng thì chi phí này lên đến 1,4 tỉ đồng/năm. Đó là con số quá lớn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh nhà đầu tư điện gió đang thua lỗ. Tuy vậy, cần phải tuân thủ để hạn chế thấp nhất rủi ro với các tuôcbin điện gió”, ông Thịnh nói.
Ngoài ra, ông Thịnh cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên mua bảo hiểm để chia sẻ rủi ro nếu có sự cố dù xác suất xảy ra rất thấp.
Ông Nguyễn Phú Hiển, trưởng phòng phát triển dự án của một dự án điện gió tại tỉnh Ninh Thuận, cho biết tuôcbin gặp sự cố vừa qua là 1 trong 5 tuôcbin điện gió lắp đặt đầu tiên ở Việt Nam nên việc bảo dưỡng, bảo trì đã qua một giai đoạn dài.
Theo ông Hiển, nếu các tuôcbin được bảo dưỡng, bảo trì đúng chuẩn và thay thế thiết bị liên tục thì sự cố như trên sẽ không có khả năng xảy ra.
Từ đó, ông Hiển dự đoán nhiều khả năng sự cố tại nhà máy trên có thể xuất phát từ nguyên nhân hao mòn vật liệu.
“Các tuôcbin này cũng như xe hơi, phải được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, có những thiết bị chưa hỏng nhưng đến thời hạn cũng phải thay thế để đảm bảo vận hành an toàn tối đa”, ông Hiển giải thích.
Phân tích về nguyên nhân các sự cố tuôcbin, ông Hồ Minh Chánh, phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của Nhà máy điện gió Bạc Liêu, cho biết phân nửa sẽ đến từ thiết bị và nửa còn lại do quá trình vận hành.
Do đó, ông Chánh khuyến các cáo nhà máy điện gió cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành của nhà sản xuất đưa ra.
Đồng thời cần cập nhật, sửa chữa những lỗi mà nhà sản xuất khuyến cáo xuất phát từ những thiết bị của nhà sản xuất ở những nơi khác trên thế giới.
Dự án Nhà máy Phong điện Bình Thạnh do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) đầu tư với tổng vốn khoảng 2.000 tỉ đồng, khởi công xây dựng năm 2008 tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong.
Toàn bộ dự án có 80 tuôcbin, với tổng công suất 120MW. Mỗi trụ điện gió cao khoảng 90m, đường kính cánh quạt 77m, tổng trọng lượng tuôcbin và trụ điện gió khoảng 255 tấn.
Được biết, hãng thiết bị điện gió cho dự án này là Hãng Fulender của Đức.
NGỌC HIỂN/TT