+
Aa
-
like
comment

Tước giấy phép kinh doanh xăng dầu: “Ném chuột chớ để vỡ bình”

An Diễm - 08/09/2022 14:10

Chính phủ đang có nhiều chỉ đạo sát sao, quyết liệt trong việc bình ổn giá, đảm bảo nguồn cung xăng dầu bối cảnh mặt hàng này bị khủng hoảng nguồn cung trên toàn thế giới. Một trong các giải pháp là siết chặt việc tuân thủ kinh doanh mặt hàng này, sẵn sàng áp dụng chế tài nặng nhất là tước giấy phép kinh doanh.

Việc tạm hoãn tước giấy phép và thay bằng phạt tiền là một sự nhìn nhận kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp.

Xăng dầu đang trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội do giá cả tăng cao, kéo theo lạm phát các mặt hàng và ảnh hưởng đến người dân mọi quốc gia trên giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có nhiều động thái quyết liệt bao gồm giảm thuế phí, kiểm soát chặt chẽ thị trường và nhờ vậy thời gian gần đây giá xăng dầu đã dần hạ nhiệt, tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô. Thế nhưng khi một vấn đề mới lại xuất hiện, đó là tình trạng khan hiếm nguồn cung. Có tình trạng nhiều cây xăng treo biển hết hàng hoặc không bán trong nhiều ngày liền. Dư luận xôn xao đặt ra câu hỏi, phải chăng các cửa hàng này cố tình “om hàng” để chờ giá lên hoặc không muốn bán?

Chính phủ luôn khẳng định xăng dầu là mặt hàng chiến lược phải “vừa điều hành theo cơ chế thị trường, nhưng vừa phải bảo đảm kinh tế vĩ mô, bảo đảm sản xuất, đời sống, an sinh, đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống”. Chính vì vậy, có thể hiểu là đối với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh xăng dầu, ngoài việc kinh doanh kiếm lợi nhuận thuần túy thì cũng phải có trách nhiệm cùng Nhà nước đảm bảo an ninh năng lượng. Các hoạt động om hàng chờ tăng giá hoặc bán nhỏ giọt đẩy giá là không thể chấp nhận. Ngay từ tháng 2, Bộ Công thương đã tiến hành thanh tra rà soát 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu để đảm bảo việc chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, tinh thần là sẵn sàng tước giấy phép kinh doanh nếu có sai phạm.

Cho đến nay, đã có tổng cộng 12 doanh nghiệp bị ra quyết định tước giấy phép kinh doanh có thời hạn do thiếu điều kiện theo quy định, trong đó có 7 doanh nghiệp đã được trả lại giấy phép. Tuy nhiên, cuộc thanh tra này cũng làm rõ được những khó khăn thật sự của doanh nghiệp. Đơn cử như việc các đơn vị này phụ thuộc vào các công ty đầu mối và khi kinh doanh bị lỗ vốn thì các đầu mối này không cung cấp xăng dầu dẫn đến thiếu nguồn cung. Hay việc điều chỉnh giá xăng dầu của Liên Bộ trong một số trường hợp chưa theo kịp diễn biến thị trường, dẫn đến nguy cơ thua lỗ trong thời gian dài cho các thương nhân đầu mối, từ đó gây hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng đến việc phân phối.

Bộ Công Thương cho biết, khi bị tước giấy phép doanh nghiệp sẽ không còn 19 quyền lợi, quyền hạn như: Không được xuất nhập khẩu, không được mua xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước… Việc này sẽ kéo theo hệ lụy là các doanh nghiệp mất nguồn cung, phải đền hợp đồng cho nhà cung cấp và hàng nghìn cây xăng dầu có thể phải đóng cửa. Vì vậy, Chính phủ đã phải rất cân nhắc để “ném chuột không làm vỡ bình”, thể hiện ở việc mới đây đã kịp thời tạm hoãn hình phạt tước giấy phép với 5 doanh nghiệp lớn. Việc tạm hoãn tước giấy phép và thay bằng phạt tiền là một sự nhìn nhận kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp đồng thời cân nhắc bức tranh lớn hơn để đảm bảo nhu cầu sử dụng cho gần 100 triệu người dân.

Có thể thấy điều hành thị trường xăng dầu là bài toán khó cho Nhà nước trong bối cảnh cần đảm bảo đời sống cho người dân cũng như cân đối quyền lợi của doanh nghiệp, và cần các giải pháp hết sức mềm dẻo.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều