Tung tin giả: phạt 100 triệu vẫn không hết tội
Thời điểm này, làm cho công chúng tin tưởng vào hiệu quả của các biện pháp chống dịch của chúng ta, vào kết quả đáng khích lệ của ngành y tế, khó khăn hơn rất nhiều. Nguyên nhân một phần là do tin giả (fake news) gây hoang mang dư luận. Đã đến lúc cần có chế tài đủ nghiêm khắc để ngăn chặn sự phát tán của tin giả.
Tin giả từ đâu mà có?
Trong mấy ngày chống dịch Covid-19 nóng bỏng vừa qua, trên mạng lan truyền những video khủng khiếp, cho thấy người chết như rạ, đốt xác không kịp, hoặc úp mở thuyết âm mưu virus do con người tạo ra, cố tình tạo nên một thảm kịch toàn cầu.
Điểm chung của các video này là đều có nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc, được lồng phụ đề tiếng Việt, và đều lấy hình ảnh từ những sự kiện có thật, nhưng được cắt ghép, lèo lái, lồng ghép thông điệp chống phá, gây hoang mang dư luận.
Thế nhưng, chúng được nhiều người dân chia sẻ trên mạng xã hội, gây bất ổn và tâm lý nghi ngờ mọi thứ chính quyền và ngành y tế đang làm để ngăn chặn dịch hiệu quả. Đối tượng Trần Thị Ái Liên đang sống ở Mỹ, được hàng chục nghìn phụ huynh trong nước theo dõi, liên tục phao tin bịa đặt, cố tình gieo rắc rằng Việt Nam giấu giếm số người chết vì virus Covid-19.
Ngày 24-2, báo điện tử VTC News chỉ đích danh các trang mạng Đại Kỷ Nguyên, tinhhoa.net, trithucvn.net là các trang tin giả, bất hợp pháp. Đây chính là các trang tin đăng tải rất nhiều thông tin giả, các video hoang tin như đã nói ở trên. Những người chịu khó tìm hiểu thông tin sẽ dễ dàng phát hiện ra mục đích thật sự của các trang tin này là tuyên truyền chống nhà nước Trung Quốc và chống cả Việt Nam…
Ngày 24/2, VTC đã công khai những website hoạt động trái phép, trong đó có Đại Kỷ Nguyên, tinhhoa.net, trithuvn.net… trình bày giống trang báo điện tử, nhưng nội dung tiêu cực, độc hại, là trang tin giả và đang hoạt động bất hợp pháp tại Việt Nam.
Chiến lược tinh vi của các trang mạng này cho thấy, họ đã đạt hiệu quả thu hút hàng triệu người theo dõi, trong đó có không ít những người có địa vị và ảnh hưởng xã hội nhất định. Họ bắt đầu bằng những nội dung về giáo dục luân lý, những chia sẻ về bảo vệ sức khỏe, và khéo léo lồng ghép những thông tin truyền giáo trái pháp luật.
Song song, đan xen vào đó là các bài viết chống chính quyền Trung Quốc và cả Việt Nam. Người đọc dễ dàng bị cuốn hút vào các nội dung về đạo lý và sức khỏe, vô tình tiếp nhận và bị ảnh hưởng bởi các nội dung chống đối và tin theo tất cả các loại thông tin mà họ đưa vào. Đây chính là cái nôi dễ dàng phát tán tin giả.
Thủ thuật của người tạo tin giả là lấy một thông tin có thật nào đó, để người đọc dễ dàng chấp nhận, rồi thêu dệt các thông tin không có thật chung quanh. Họ quay cảnh những người vô gia cư nằm đắp chăn ngoài vỉa hè – là chuyện có thật, để nói rằng đó là các xác chết đầy đường. Họ lấy video clip nhà chức trách Trung Quốc đang cưỡng chế người nghi nhiễm virus vào cách ly – có thật, và phao tin người dân hoảng loạn, chống đối chính quyền. Họ lấy ảnh những thùng đốt rác thải được chở đến Vũ Hán – là tin có thật, để biến thành lò đốt xác.
Tin giả được chia sẻ gấp 5-6 lần so với tin thật, và kỳ lạ là nó được người ta tin hơn là các thông tin thật. Nghiên cứu của các nhà chuyên môn cho thấy, fake news có chỗ đứng là do nó khẳng định một số định kiến, thiên kiến có sẵn trong tâm trí công chúng. Khi công chúng, có sẵn định kiến về một vấn đề gì, một ai đó thì bất cứ nội dung nào khẳng định điều đó cũng được họ dễ dàng chấp nhận. Những trang mạng chuyên tung tin giả biết rất rõ cách viết đánh trúng tâm lý ấy.
Bốn giải pháp chống tin giả.
Chống tin giả không thể một sớm một chiều. Như trên đã nói, tin giả có đất sống vì nó hợp với định kiến của đám đông. Và thay đổi định kiến của con người là nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Trước hết, trong xu hướng truyền thông mở, một hệ thống truyền thông và quản trị minh bạch là yêu cầu cơ bản nhất. Cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam có được những kết quả tích cực là vì ngay từ đầu, Đảng, Nhà nước đã xác định chỉ có minh bạch thông tin mới có thể chống dịch hiệu quả.
Toàn bộ mọi động thái từ cấp trung ương đến địa phương đều được thông báo rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin, kể cả những giải pháp công nghệ như mobile app. Đại sứ Mỹ, Daniel Kritenbrink, đã phát biểu trên kênh truyền hình Phố Bolsa, đánh giá rất cao tính minh bạch và hợp tác của phía Việt Nam.
Thứ hai, phải tạo ra một hệ thống kiểm chứng và báo cáo thông tin giả. Các hãng thông tấn lớn đều có các giải pháp kiểm chứng thông tin (fact check). Không một cơ chế nào có thể đơn phương thực hiện nhiệm vụ này một mình. Nó cần sự chung tay của xã hội, của cộng đồng và của các cơ quan báo chí chính thống. Những thông tin nào là giả phải được truyền thông rộng rãi đến công chúng, để ngăn chặn sự tiếp tục chia sẻ.
Thứ ba, xây dựng chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe là hết sức cần thiết. Phải luật hóa bằng các định nghĩa mức độ ảnh hưởng của tin giả, mục đích loan tin giả, để có những hình phạt bằng tiền, hoặc bằng các biện pháp mạnh, kể cả phạt tù, như nhiều quốc gia đang thực hiện.
Thứ tư, giải pháp lâu dài, là tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của tin giả cũng như các kỹ năng căn bản để phát hiện tin giả. Trang bị cho mỗi người những kiến thức đơn giản nhất để ngăn chặn tin giả, để nói không với việc lan truyền tin giả, là nhiệm vụ lâu dài của hệ thống giáo dục, truyền thông và văn hóa.
Lê Quốc Vinh