Từng bước tăng chuyến bay từ các nước ít nguy cơ lây nhiễm nCoV
Bộ Giao thông Vận tải được giao phối hợp với Bộ Ngoại giao từng bước, thận trọng tăng tần suất chuyến bay từ các nước ít có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Ngày 13/4, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19 cuối tuần trước, trong đó nêu chỉ đạo trên. Những chuyến bay này sẽ đưa chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh và đón công dân về nước.
Trước đây đã có một số chuyến bay charter đưa người Việt, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam, song phải đăng ký qua Bộ Ngoại giao. Với chỉ đạo mới này, tần suất bay từ các nước đến Việt Nam sẽ nhiều hơn, việc đi lại sẽ thuận lợi hơn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế theo lịch trình kiểm soát tốt dịch bệnh trên các chuyến bay, không để xảy ra sơ xuất. Lịch bay cụ thể do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định.
Tất cả người nhập cảnh tự chi trả chi phí cách ly và xét nghiệm; phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử (NCOVI); với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc dưới 14 ngày thực hiện theo quy định của Bộ Y tế (không phải cách ly tập trung 14 ngày nhưng tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống Covid-19).
Bộ Giao thông Vận tải được giao phối hợp với các đơn vị khác giải quyết vấn đề khi mở lại đường bay thương mại quốc tế như việc lựa chọn nhóm hành khách ưu tiên nhập cảnh; cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay thương mại quốc tế; phương án giải tỏa tại các cảng hàng không; quản lý trường hợp nhập cảnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly y tế. Từng chuyến bay đều phải có phương án cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm an toàn.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương chuẩn bị tốt biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, đảm bảo an toàn các sự kiện chính trị, kinh tế – xã hội, đối ngoại, thúc đẩy giao thương quốc tế trong điều kiện bình thường mới; sẵn sàng mọi điều kiện thúc đẩy, thu hút đầu tư.
Chính phủ lưu ý, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải bảo đảm tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. “Nghiêm cấm việc áp dụng các biện pháp có tính chất ngăn sông, cấm chợ, hạn chế đi lại, giao thương. Không yêu cầu xét nghiệm SAR-CoV2 đối với người đến từ địa phương đã hết dịch trong cộng đồng; chỉ xét nghiệm đối với người có biểu hiện ho, sốt”, Thủ tướng chỉ đạo và yêu cầu các địa phương bãi bỏ ngay quy định không phù hợp.
Các địa phương, trước hết là Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận khẩn trương lựa chọn cơ sở lưu trú làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí, bảo đảm cách ly tối thiểu 10.000 người và có thể tăng dần.
Bộ Công an và chính quyền các địa phương giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cơ sở lưu trú, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, không để lây nhiễm chéo và lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ Quốc phòng duy trì việc bố trí và chuẩn bị tốt các cơ sở cách ly tập trung.
Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, 4 đường bay quốc tế thường lệ giữa Hà Nội, TP HCM đến Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc được mở từ 15/9. Cuối tháng 9, Việt Nam sẽ mở tiếp đến hai đường bay thường lệ đến Campuchia, Lào.
Mỗi tuần sẽ có 2 chuyến khứ hồi TP HCM – Quảng Châu; chặng Hà Nội/TP HCM – Tokyo có 4 chuyến khứ hồi; Hà Nội/TP HCM – Seoul có 4 chuyến; Hà Nội/TP HCM – Đài Bắc (Đài Loan) 4 chuyến. Các hãng bay của Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đối tác sẽ chia đôi số chuyến bay.
Hành khách trên các chuyến bay là nhà ngoại giao, nhân viên công vụ, công dân Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ nêu trên có nhu cầu về nước; người Việt đi lao động, người nước ngoài chuyên gia trình độ cao sang Việt Nam; chưa áp dụng với khách du lịch. Hành khách sau khi nhập cảnh sẽ được kiểm soát, cách ly.