Tục lệ dâng thịt chuột cúng tổ tiên ngày Tết ở Hòa Bình
Ngoài các món ăn truyền thống, vào ngày lễ Tết, mâm cơm của người Dao Tiền (Hòa Bình) còn có thêm món thịt chuột đặc sản để bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên.
Từ thị xã Đà Bắc (Hòa Bình), người dân phải đi hơn 40 km mới đến xã Tân Pheo, nơi cư ngụ của người Dao Tiền.
Bản Bương và Bản Bo – 2 bản xã Tân Pheo có người Dao Tiền sinh sống, nằm biệt lập ở một bên của sườn núi với những cung đường rất dốc, hiểm trở.
Người dân ở đây thừa nhận, để vào bản, phải đi xe máy phân phối lớn và phải là những người địa phương thông thạo địa hình mới dám cầm lái.
Mảnh đất này gây chú ý với nhiều người bởi tục lệ thờ cúng bằng thịt chuột. Vào Tết Nguyên đán, ngoài các món ăn truyền thống, người Dao Tiền còn có thêm món thịt chuột để cúng ông bà tổ tiên.
Anh Hà Văn Phượng (SN 1982, cán bộ văn hóa xã Tân Pheo) cho biết, tục lệ cúng thịt chuột của người Dao Tiền có từ lâu đời.
Không chỉ mâm cơm dâng cúng tổ tiên trong gia đình mà mâm cơm thờ Thành hoàng của làng cũng không thể thiếu món thịt chuột.
Ông Lê Văn Sinh (SN 1967), Chủ tịch xã Tân Pheo, cũng chia sẻ về nguyên nhân xuất hiện tục lệ này trong văn hóa của người Dao Tiền.
Ông Sinh nói, ngày xưa, người Dao Tiền sản xuất nông nghiệp theo phương thức du canh du cư ở trên đồi núi. Họ không ở cố định trong một thời gian dài nên không thể nuôi được gà, lợn.
Trong khi đó, tại rừng núi có nhiều chim, chuột và các con thú. Do thiếu thức ăn, người Dao Tiền săn bắn các loài vât này để làm thực phẩm. Trong số đó, thịt chuột đã trở thành món ăn phổ biến vì dễ dàng đánh bắt bằng thủ công.
Theo quan niệm ăn gì thờ nấy, vào các ngày lễ Tết, người Dao Tiền dùng thịt chuột để dâng lên thờ tổ tiên. Bởi vậy, nếu như các địa phương khác cúng tổ tiên ngày 30 Tết bằng thịt gà, lợn… thì người Dao Tiền xưa lại cúng bằng thịt chuột.
Điều đặc biệt là ngày nay, món ăn này đã trở thành đặc sản và tương đối hiếm. Ông Sinh chia sẻ: ‘Dân số tăng lên, nhiều mảnh rừng đã trở thành nương rẫy… nên chuột cũng không còn nhiều. Ở Tân Pheo, gia đình nào có điều kiện và thời gian đi săn bắn mới có thịt chuột để dâng lên cúng. Còn gia đình nào không có thịt chuột, người Dao Tiền dùng thịt gà, lợn, trâu bò… để thay thế’.
Gia đình ông Sinh không bắt được chuột vào dịp lễ Tết phải đi mua. Tuy nhiên do thịt chuột hiếm nên không bán tràn lan ở chợ. Người mua phải đến từng nhà trong bản hỏi xem có bán không.
‘Mỗi dịp lễ Tết, chúng tôi đều cố gắng mua 2 -3 con để cúng tổ tiên, bày tỏ lòng thành và trách nhiệm của con cháu. Mỗi con chuột khoảng 0,5kg có giá khoảng 100 nghìn đồng/con.
Nhưng không phải nhà nào có chuột cũng đồng ý bán. Họ thường để dành cho gia đình ăn vì nó được gọi là săn hào (đặc sản) ngon và bổ dưỡng không kém các loại thịt khác. Phải là người quen thân, họ mới chịu bán cho mình’, ông Sinh nói.
Trước đây chưa có tủ lạnh để bảo quản, người Dao Tiền bắt được chuột về sẽ treo lên gác bếp thành món thịt khô như thịt lợn, bò của các dân tộc khác.
Ngày nay, khi đã có tủ lạnh, nếu có chuột, người dân sẽ nhúng nước sôi làm sạch lông sau đó cho vào tủ lạnh để chế biến thành các món thịt tươi.
Cách chế biến thịt chuột được người Dao Tiền ưa chuộng là ướp cùng gia vị, gừng sau đó xào với sả, ớt rất dậy mùi.
Ngoài dâng thịt chuột cúng tổ tiên, người Dao Tiền còn làm mâm cỗ cúng Thành hoàng.
Ông Sinh nói thêm: ‘Trước đây, có thông tin người Dao Tiền thờ thần chuột là không đúng, chúng tôi chỉ lấy thịt chuột để cúng thờ tổ tiên chứ không phải thờ thần chuột.
Mỗi xóm đều có miếu thờ Thành hoàng. Vào ngày mùng 2 Tết hàng năm, người thì chai rượu, người thì thịt trâu, bò, lợn, gà… đem đến góp chung cỗ để thờ cúng.
Đặc biệt, người Dao Tiền cũng dùng thịt chuột dâng lên để xin cho trẻ con một năm được ngoan ngoãn khỏe mạnh, người lớn làm ăn may mắn.
Sau đó cả xóm đem đồ cúng về nhà ông mo (người đứng ra tổ chức lễ thờ, cúng). Tất cả tập trung ăn hết bánh chưng, uống hết rượu rồi hát hò, vui chơi nhảy múa để khai xuân’.
Người Dao chiếm khoảng 20% dân số ở xã Tân Pheo, phân bố ở 2 bản là bản Bương và Bản Bô với khoảng trên 140 hộ dân.
Người Dao Tiền ở Hòa Bình vẫn giữ được tiếng nói, chữ viết… riêng. Vào lễ Tết, họ vẫn mặc trang phục truyền thống, vào các ngày thường người Dao Tiền mặc quần áo phổ thông để thuận tiện lao động.
Cũng theo ông Sinh, ngày xưa do khác biệt về tiếng nói, văn hóa nên người Dao Tiền chỉ kết hôn với nhau. Tuy nhiên ngày nay, con cháu người Dao đi xa làm ăn và đã kết hôn với các dân tộc khác tạo nên sự hòa nhập, đa dạng về văn hóa, lối sống.
Ngọc Trang/VNN