+
Aa
-
like
comment

Từ vụ việc nạn nhân bị lừa đổi SIM điện thoại mất 100 triệu đồng tài khoản ngân hàng

Tường Vi - 06/01/2022 08:37

Việc nhiều nạn nhân bị mất tiền trong tài khoản do chiêu lừa nâng cấp SIM điện thoại đã trở thành đề tài nóng trong dư luận suốt thời gian qua. Đã có rất nhiều lời cảnh báo được đưa ra, chia sẻ rộng rãi trên các diễn đàn cư dân mạng nhưng vụ lừa đảo như thế này vẫn chưa kết thúc khi vừa mới đây, lại thêm 1 người nữa trở thành nạn nhân.

Cảnh báo lừa nâng cấp SIM chiếm đoạt tiền tài khoản ngân hàng của Mobifone

Vừa mới đây, anh H.P.K (H.Bình Chánh, TP.HCM) buồn rầu chia sẻ với bạn bè về việc mình bị mất 100 triệu đồng trong tài khoản. Vào 17 giờ 40 phút ngày 2.1, anh H.P.K nhận được cuộc gọi từ một người giới thiệu là nhân viên nhà mạng MobiFone hỗ trợ nâng cấp SIM điện thoại từ 3G lên 4G. Sau khi làm theo hướng dẫn, anh H.P.K phát hiện bị chiếm đoạt SIM nên đã liên hệ ngay nhà mạng để khóa số điện thoại. Tổng thời gian từ lúc bị mất SIM đến khi kết thúc gọi tổng đài MobiFone khóa số khoảng 15 phút nhưng các đối tượng đã tấn động (hack) toàn bộ từ địa chỉ email đến tài khoản ngân hàng và thực hiện 2 lệnh chuyển tiền với tổng giá trị lên tới 100 triệu đồng.

Anh H.P.K cho biết: “Nhờ kịp thời khóa số điện thoại nên kẻ lừa đảo chưa kịp chuyển khoản hết số tiền. Lúc bị chiếm SIM điện thoại, tôi chỉ nghĩ mất tiền trên điện thoại, không ngờ mất luôn cả tiền trên tài khoản ngân hàng. Vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc và an toàn của mọi người dân nên mình đang làm đơn tố giác đến các cơ quan để có hình thức ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra”.

Trước đó, chị G.K (Q.1, TP.HCM) mất toàn bộ số tiền lương đầu tiên khi làm việc tại công ty nước ngoài. Chị G.K phân tích: “Mấu chốt của việc bọn lừa đảo vào được tài khoản ngân hàng là vì tôi sử dụng 1 số điện thoại, 1 email, 1 tài khoản ngân hàng từ xưa đến nay, nên chuyện bị lộ thông tin là dễ cực kỳ”.

Theo chị G.K, đầu tiên là MobiFone cho thay đổi từ SIM vật lý thành eSIM cũng quá dễ dàng, chỉ cần dùng app để chuyển đổi qua 2 lớp OTP. Chỉ 1 phút nông nổi nhẹ dạ mà tôi bị cướp mất SIM. Thêm vào đó, ngân hàng mặc định số điện thoại đăng ký là username của account Digibank nên rất dễ truy ra được tên đăng nhập tài khoản ngân hàng. Khi điện thoại, email của khách hàng bị mất quyền kiểm soát và tài khoản ngân hàng đăng nhập từ thiết bị lạ khác không được thông báo (khi chị G.K vào tài khoản bằng thiết bị khác) nên không nghĩ bị mất tiền trên tài khoản ngân hàng.

Cảnh giác với tội phạm mạng trong tất cả các thao tác liên quan đến tài khoản, số điện thoại, email và tin nhắn

Các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng gần đây dựa trên điện thoại khá nhiều, đặc biệt việc triển khai ngân hàng số. Để cung cấp sự tiện ích cho khách hàng sử dụng, ngày nay các nhà băng cho phép khách hàng bấm quên mật khẩu và hệ thống sẽ chuyển mã OTP vào số điện thoại hay hộp thư điện tử để khách tự đổi, thay vì phải ra quầy thay đổi mật khẩu như trước. Gần như số điện thoại cá nhân hiện nay đều là chìa khóa để định danh cho các tài khoản như email, tài khoản ngân hàng, Facebook… Chính vì vậy mà những ai chẳng may bị lừa chiếm quyền kiểm soát điện thoại thì những tài khoản khác nằm trong nguy cơ bị đột nhập khá cao.

Trước các hình thức lừa đảo, lừa gạt, đánh chiếm tài khoản ngày càng tinh vi của các tội phạm, kịch bản lừa đảo ngoài sức tưởng tượng và lúc nào cũng tìm kẽ hở để chiếm đoạt tiền của người khác. Bài học cảnh tỉnh cho tất cả mọi người sử dụng dịch vụ liên quan điện tử là nâng cao cảnh giác với tất cả các tin nhắn liên quan đến sim, tài khoản, số chứng minh nhân dân, pass emai, mã OTTP. Những vấn đề liên quan đến tài khoản ngân hàng, nếu nhận thông tin nghi ngờ hoặc cần kiểm chứng, trước khi thực hiện các thao tác, để cẩn thận người dùng nên đến trực tiếp ngân hàng để xác thực và thực hiện để hạn chế những rủi ro mất tiền không đáng có.

“Trong 5 năm qua, Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 2.386 chuyên án, khởi tố 1.158 vụ với 1.055 đối tượng và xử phạt hành chính 51 vụ liên quan tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng”, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục A05 – Bộ Công an) thông tin.

Tường Vi

Bài mới
Đọc nhiều