Từ vụ Đường “Nhuệ”: Vì sao “xã hội đen” có thể thao túng các cuộc đấu giá đất?
Vụ việc băng nhóm Đường “Nhuệ” đã được hưởng lợi từ các phiên đấu giá đất tại Thái Bình đang gióng lên hồi chuông về nạn xã hội đen làm loạn tại các phiên đấu giá đất để hưởng lợi cũng như sự thông đồng của của nhân viên đấu giá với các đối tượng đấu giá.
“Quân xanh, quân đỏ” lộng hành
Việc băng nhóm “xã hội đen” gây rối với tính chất nghiêm trọng tại các cuộc đấu giá đất ở nhiều địa phương diễn ra ở nhiều địa phương thời gian qua, mà mới nhất như vụ việc mới được phanh phui tại tỉnh Thái Bình, liên quan tới công ty bất động sản của vợ chồng Đường “Nhuệ”. Dưới danh nghĩa Công ty Bất động sản Đường Dương, nhóm giang hồ Đường “Nhuệ” thường xuyên trúng đấu giá với kết quả là những con số khiến không ít người phải giật mình.
Cụ thể, đầu năm 2019 tại huyện Đông Hưng, trong cuộc đấu giá đất tại xã Lô Giang chỉ có 25 lô đất được bán ra nhưng Đường “Nhuệ” đã đấu trúng tới 20 lô. Tới tháng 4/2019, cũng trên địa bàn xã này, hắn tiếp tục đấu trúng được 7 lô đất khác. Trước đó, năm 2018, Đường đã trúng tới 24 lô đất khác tại xã Đông Phương. Đáng nói, có những lô mà nhóm đối tượng này trúng với giá chỉ cao hơn giá khởi điểm 10.000 đồng…
Liên quan đến vụ án Đường “Nhuệ”, ngày 16/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở, chỗ làm việc để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự đối với 4 bị can.
Trong đó có Phạm Văn Hiệp (sinh năm 1984, trú tại Tổ 36, phường Trần Lãm, Thành phố Thái Bình) là Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình và Vũ Gia Thành (sinh năm 1977, trú tại tổ 7, Phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình), là Đấu giá viên Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình. Ngoài ra còn có Trịnh Thị Minh Thúy là Trưởng phòng và Hà Văn Dũng là nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình.
Vụ việc đang chờ cơ quan công an điều tra làm rõ tuy nhiên những dấu hỏi về việc bắt tay, thông đồng giữa các nhóm giang hồ và nhân viên cơ quan đấu giá cần phải làm rõ. Đặc biệt là những lô đất vàng mà nhóm này chỉ cần bỏ thầu cao hơn một chút là trúng thầu.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản TP.HCM (HoREA) khẳng định, thực trạng xuất hiện các nhóm “xã hội đen” tham gia các cuộc đấu giá đất gây ra những hệ lụy xấu cho thị trường bất động sản. Việc xử lý tình trạng “xã hội đen” lộng hành trong đấu giá đất, đấu thầu dự án lúc này là cấp bách và cần thiết. “Nó sẽ giúp thị trường minh bạch, an toàn, công bằng và cạnh tranh lành mạnh”, ông Châu khẳng định.
Cũng theo ông Châu, HoREA đã nhiều lần kiến nghị, trong quá trình đấu giá, đấu thầu, đề nghị có cơ chế kiểm soát để khắc phục hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá hoặc “chân gỗ” cần thực hiện phổ biến hình thức đấu giá đất công khai; Đấu thầu rộng rãi trong nước, hoặc đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án…
Ngoài ra, HoREA đưa ra dẫn chứng điển hình là bài học rất quý từ thực tiễn tổ chức thành công buổi đấu giá khu đất công tại số 23 Lê Duẩn, Quận 1: Giá khởi điểm đấu giá là 558 tỷ đồng, có 13 doanh nghiệp tham dự đấu giá, sau 16 vòng đấu giá, mức giá thắng đấu giá lên đến 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần giá khởi điểm, giúp ngân sách nhà nước thu được đúng giá trị khu đất.
Định giá khởi điểm đấu giá thấp hơn thị trường
Đấu giá là một hình thức bán tài sản công khai, với mục đích có được nhiều người tham gia mua. Càng nhiều người mua thì tài sản bán được giá càng cao.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn đến việc dàn xếp, thông đồng, dìm giá hoặc đe dọa, khống chế, hành hung người tham gia đấu giá để buộc những người này phải bỏ cuộc để cho nhóm những người hành xử theo kiểu “xã hội đen” mua được đất đấu giá là do việc định giá khởi điểm đất công đưa ra đấu giá quá chênh lệch, thấp hơn giá thị trường nhiều lần.
Đây chính là cơ hội, điều kiện thuận lợi để những kẻ “cò” đấu giá, băng nhóm “xã hội đen” thực hiện các chiêu trò nhằm trục lợi khoảng chênh lệch “béo bở” đó.
Do đó, cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này. Theo đó, cần thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ khâu thẩm định giá, phê duyệt giá khởi điểm đất đưa ra đấu giá sao cho thật sát với thị trường. Làm tốt điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn thông đồng, dìm giá, nhất là hạn chế sự can thiệp của các băng nhóm “xã hội đen” khống chế, đe dọa người có nhu cầu mua tài sản để trục lợi.
Đặc biệt, cần quy định đối với tài sản nhà nước, nhất là đất công nên giao cho cơ quan có chức năng đấu giá của nhà nước thực hiện nhằm phòng ngừa sự cấu kết giữa doanh nghiệp đấu giá tài sản với “cò” hoặc các đối tượng “xã hội đen” để gây thất thoát tài sản nhà nước.
Đại biểu Quốc hội hội Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Luật Đấu giá tài sản có 4 hình thức đấu giá là Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; Đấu giá trực tuyến.
Hai hình thức đấu giá trực tiếp dễ phát sinh tiêu cực trong khi đó đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp là một trong những hình thức phát huy được tính hiệu quả nhất, giúp ngăn chặn được phần lớn những tiêu cực trong đấu giá tài sản. Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan thì hình thức đấu giá trực tuyến cần được quan tâm và đầu tư.
Trần Kháng/DV