Từ vụ “đánh úp” tướng Iran: Năng lực tình báo Mỹ ở Trung Đông đáng sợ đến mức nào?
Tấn công xe của tướng Iran bằng máy bay không người lái ở Iraq không khó nhưng khó là làm thế nào có thể nắm rõ hành tung và xác định chính xác bản thân ông này ngồi trên xe nào.
Ngày 3/1, Mỹ đã sử dụng máy bay không người lái để giết Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, Thiếu tướng Qassem Soleimani. Hiện ngày càng có thêm thông tin liên quan được tiết lộ nhưng cũng có một số vấn đề vẫn còn gây nhầm lẫn.
Trên thực tế, không khó để tấn công chiếc xe của tướng Iran bằng máy bay không người lái ở Iraq. Điều khó khăn là làm thế nào để có thể nắm rõ hành tung và xác định chính xác bản thân ông này ngồi trên xe nào.
Đây chính là cách kiểm tra khả năng trinh sát tình báo của Mỹ ở Trung Đông. Thông thường, thành công của một cuộc tấn công có mục tiêu rõ ràng là kết quả của mạng lưới đầu mối cung cấp thông tin, trinh sát tình báo tín hiệu và internet.
Thiệt mạng trên hành trình kín đáo
Trang Middle East Eye (Ả rập Saudi) ngày 4/1 đăng tải bài viết với tiêu đề “Theo dõi, ngắm trúng, loại bỏ: Thời khắc cuối cùng của Soleimani” tiết lộ một số chi tiết vụ tấn công.
Vào rạng sáng thứ Tư (giờ địa phương), tướng Soleimani bước xuống từ chuyến bay của hãng hàng không Cham Wings, đi trên đường băng sân bay Baghdad và gặp một gương mặt quen thuộc – Abu Mahdi al-Muhandis, Phó Chỉ huy lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi. Ông này là đồng minh lâu năm và là bạn thân của tướng Iran. Hai chiếc xe được chuẩn bị đưa tướng Iran tới nơi ở của Muhandis ở khu vực Vùng Xanh.
Nhưng lần này, có điều gì đó không ổn. Chuyến bay từ Damascus đến Baghdad mất 1 giờ 5 phút, theo dữ liệu công khai từ Cham Wings. Máy bay hạ cánh lúc 00 giờ 32 phút sáng (giờ Baghdad). Tướng Soleimani và hai cộng sự nhanh chóng được Muhandis và đoàn tùy tùng tiếp đón.
Đến 1 giờ 45 phút, hai chiếc xe Hyundai Starks và Toyota Avalon chở họ đã phát nổ ở vùng ngoại ô phía Tây Baghdad không lâu sau khi rời khỏi sân bay. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, hai phương tiện này đã bị ba tên lửa tấn công. Chiếc xe Hyundai Starks chạy phía trước bị tấn công đầu tiên và chiếc Toyota Avalon, theo sau 100-120 mét đã tăng tốc để tránh tên lửa thứ hai nhưng tên lửa thứ ba đã hoàn thành nhiệm vụ.
Theo trang tin Ả rập, tướng Iran đã sử dụng “biện pháp bảo mật lý tưởng”. Lịch trình của ông không bao giờ được công bố trước, các điểm đến cũng không được công khai và ông thường bay bằng các hãng hàng không thông thường.
Trong sự cố này, ông không đóng dấu hộ chiếu tại sân bay theo các kênh thông thường. Ông không sử dụng điện thoại thông minh và di chuyển trong những chiếc xe bình thường với số lượng người ít nhất có thể. Nhìn chung, rất khó để đối phương có thể theo dõi. Nhưng sân bay Damascus và Baghdad đều có tai mắt của cơ quan tình báo thân Mỹ nên ông đã bị nhắm trúng.
Bị theo dõi trước 36 giờ?
Soleimani có thể đã bị bán đứng 36 giờ trước khi tới Iraq.
Middle East Eye cho biết, kể từ thời điểm di chuyển từ Tehran đến Damascus cho đến khi bị tấn công, thiệt mạng ở Baghdad, tướng Iran rất có khả năng đã bị theo dõi chặt chẽ.
Sau khi đến sân bay Damascus, Soleimani không gặp ai ở thủ đô Syria mà thay vào đó, ông trực tiếp lên một chiếc xe để đến Beirut. Ông dành vài giờ ở Beirut và trở về Damascus buổi tối cùng ngày. Tại sân bay Damascus, Soleimani và các hành khách khác lên chuyến bay của Cham Wings tới Baghdad.
Được biết, vào khoảng thời gian đó, Muhandis nhận được tin đồng minh sắp tới đặt chân xuống Iraq. Thông tin ông nhận được rất đơn giản, chỉ có tên hãng hàng không và thời gian đến. Muhandis sắp xếp một người bạn thân lái xe đến nhà ga sân bay để chuẩn bị đón những vị khách đặc biệt.
Theo trang tin Ả rập, kể từ năm 2003, sân bay quốc tế Baghdad được quản lý bằng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt, an ninh do công ty G4S của Anh phụ trách, dưới sự giám sát của cơ quan an ninh và tình báo quốc gia Iraq. Các biện pháp an ninh yêu cầu hành khách bình thường ra vào sân bay phải đi qua nhiều cửa kiểm soát. Khách du lịch và quan chức có người hộ tống đặc biệt được phép đi qua cửa VIP.
Những cửa này chỉ cần thông báo cho nhân viên an ninh danh tính hành khách, thông tin xe và thông tin đăng ký. Tất cả thông tin tại cửa kiểm soát sẽ được chia sẻ với an ninh sân bay, đơn vị tình báo và an ninh quốc gia và G4S.
Có ý kiến cho rằng, Muhandis đã bị Mỹ giám sát trong nhiều năm và người bạn lái xe cũng không còn là bí mật. Vào thời điểm đó, người Mỹ nhận được thông tin Soleimani đang hướng đến Baghdad và Muhandis sẽ đón ông tại sân bay. Người Mỹ đã chiêu mộ một số người gần gũi với hai người để theo dõi hành động của họ, sau đó xác định địa điểm và thời gian vụ ám sát.
Nhiều nguồn cung cấp thông tin cho vụ ám sát
Thông tin từ Middle East Eye được cung cấp bởi những nguồn dấu tên nên các chi tiết có thể không hoàn toàn đáng tin cậy nhưng giới chuyên gia Trung Quốc cho biết kết hợp với các báo cáo truyền thông khác, phía Mỹ thực sự có thể triển khai mật thám để theo dõi tướng Soleimani.
Theo The New York Times, chuỗi thông tin bí mật do nhân viên tình báo, hệ thống giám sát điện tử, máy bay trinh sát và các hệ thống giám sát khác đã hỗ trợ cuộc ám sát. NYT cho biết, Mỹ đã nắm được nội dung liên lạc giữa nhà lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran và Soleimani.
Mặc dù nguồn tin không chỉ ra phương thức liên lạc nhưng có khả năng nó dựa trên hệ thống mạng không dây, điều này tạo cơ hội cho sự giám sát của Mỹ.
Nhưng dù máy bay không người lái của Mỹ rất tiên tiến thì việc có thể dùng cảm biến hồng ngoại kết hợp định vị điện thoại để phát hiện một người vừa xuống máy bay và sau đó lên xe có phải là Soleimani hay không vẫn một nhiệm vụ bất khả thi. Để ngăn chặn việc giết nhầm người, phải có một cách đáng tin cậy hơn để xác nhận.
Sau khi nắm rõ mục tiêu, làm thế nào để người điều khiển máy bay không người lái xác nhận chính xác mục tiêu chính là vấn đề quan trọng. Một thao tác rất thực tế do nhân viên tình báo mặt đất tiến hành: Sử dụng tia laser hồng ngoại để quét xe mục tiêu, đây là phương thức không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Một cách khác là gửi tọa độ mục tiêu đến máy bay không người lái và người điều khiển máy bay không người lái sẽ khóa mục tiêu.
Mạng lưới tình báo Mỹ ở Trung Đông mạnh đến mức nào?
Một số nhà phân tích tin rằng, cho đến nay, nhiều chi tiết trong hành động ám sát tướng Iran vẫn chưa được công bố nhưng Cục tình báo Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, các tổ chức tình báo quân sự Mỹ và lực lượng hỗ trợ tình báo phi quân sự ở Trung Đông đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc tấn công này.
Viện Nghiên cứu phòng bị và chiến lược Tri Viễn (KISDS – Trung Quốc) ngày 6/1 tiết lộ, Cục tình báo trung ương CCJ2 thuộc Bộ Tư lệnh trung ương Mỹ là lực lượng chỉ huy tích hợp lực lượng tình báo các đơn vị quân sự, quốc phòng và quốc gia, cũng là chỗ dựa để các tư lệnh khu vực lãnh đạo, thực hiện các hoạt động tình báo.
Trong Cục tình báo, Trung tâm tình báo liên hiệp nắm vị trí cốt lõi, hiện do một Đại tá đứng đầu. Theo các tài liệu công khai của quân đội Mỹ, đơn vị biên chế 888 nhân sự, tính đến tháng 5/2014.
KISDS dẫn thông tin từ quân đội Mỹ cho biết, Cục tình báo, Trung tâm tình báo liên hợp thuộc Bộ Tư lệnh trung ương Mỹ có thể đồng thời nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan tình báo và tài nguyên trong và ngoài quân đội. Hầu hết 17 cơ quan trong làng tình báo sẽ cử đại diện tình báo cấp cao và nhân viên cụ thể đến trung tâm tình báo các khu vực khác nhau.
Trong làng tình báo Mỹ, “lực lượng hành động” của hầu hết các cơ quan tình báo sẽ được chia thành những chi nhánh chuyên biệt cho các khu vực địa lý cụ thể.
Mặc dù sự phân chia các khu vực địa lý này không hoàn toàn trùng với các khu vực trách nhiệm của Bộ tư lệnh tác chiến nhưng vẫn tồn tại quan hệ hô ứng chung. Hầu hết các nhánh tình báo khu vực đã duy trì hoạt động trong nhiều thập kỷ và tích lũy được nguồn lực tình báo phong phú ở khu vực.
Các quân chủng trong quân đội Mỹ đều có các cơ quan tình báo chuyên biệt, đồng thời có lực lượng tình báo chuyên biệt đóng tại các khu vực khác nhau.
Ví dụ, các hoạt động tình báo của Không quân Mỹ chủ yếu do Phó Tham mưu trưởng – chuyên trách về ISR và quyền truy cập thông tin – lãnh đạo, với lực lượng chính là biên đội Không quân 16.
Ngoài lực lượng chịu trách nhiệm về tác chiến mạng, biên đội này còn có nhiều phi đội bay. Trong đó, phi đội số 480 được trang bị các máy bay không người lái như Global Hawk, Predator và Reaper; chịu trách cung cấp lực lượng trinh sát trên không và không kích cho Bộ Tư lệnh, các đơn vị chính phủ như Cục tình báo trung ương và Cục an ninh quốc gia Mỹ.
Thành Tâm/SH