+
Aa
-
like
comment

Từ vụ cháy Rạng Đông: Nếu dân ốm, ai có lỗi?

06/09/2019 16:46

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt vào dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Người càng trở nên thấm đẫm. Soi chiếu vào sự việc đang ảnh hưởng tới đông đảo người dân Thủ đô từ vụ cháy nhà máy Rạng Đông càng khiến nhiều cử tri bức xúc rằng ‘nếu dân ốm, ai có lỗi’?

Vấn đề được hàng chục ngàn cư dân và cử tri quan tâm nhất hiện nay là liệu họ cùng người thân trong gia đình, trong đó có những em bé sơ sinh có bị nhiễm thủy ngân trong bán kính 500m, 1km, 1,5 km xung quanh nhà máy Rạng Đông như khuyến cáo mới nhất của Bộ TNMT hay không?

Trong một tuần đó, điều gì đã xảy ra với hàng chục ngàn cư sống quanh hiện trường vụ hỏa hoạn, trong đó có những em bé sơ sinh?

Theo mô tả tại phóng sự ảnh “Cuộc sống của dân Hạ Đình sau vụ cháy Công ty Rạng Đông” ngày 1/9 trên Báo Giao thông: “Ba ngày sau khi xảy ra vụ cháy ở Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, người dân phố Hạ Đình trở lại nhịp sinh hoạt bình thường. Tại kho xưởng Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, dấu vết hoang tàn của vụ cháy vẫn còn nguyên. Xung quanh Công ty này, không khí vẫn còn nồng nặc mùi khói khét. Tuy nhiên, người dân đa phần đã tháo bỏ khẩu trang, đi lại và sinh hoạt bình thường. Các hàng ăn sáng, cửa hàng hoa quả, hàng rau, hàng thịt quanh bán kính 1km, thậm chí ngay cạnh bức tường xảy ra vụ cháy… vẫn đông khách ra vào ăn uống, mua bán. Người bán và người mua trò chuyện, trả giá rôm rả, vui vẻ. Người dân không đeo khẩu trang đi qua khu vực đã xảy ra vụ cháy…”

Nhưng tới chiều 5/9, người dân không còn vô tư cười nói rôm rả khi thông tin về mức độ ô nhiễm chính thức được phát đi.

Ghi nhận của Vietnamplus cho thấy người dân sinh sống xung quanh khu vực kho bị cháy của công ty Bóng đèn phích nước Rạng đông đang hết sức lo lắng vì nguy cơ ô nhiễm.

Cụ thể, bà M (một người dân xin giấu tên) bán nước ngay trước cổng Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho hay, từ chiều tối 4/9 đã chuẩn bị sẵn cho mình một khẩu trang loại tốt nhất nhưng vẫn chưa hết bồn chồn. Nhìn vào phía nhà máy vẫn đang sản xuất, bà bức xúc: “Mấy hôm trước, chúng tôi đã yên tâm vì hết quận Thanh Xuân lẫn Sở Tài nguyên & Môi trường đều nói là không ô nhiễm. Vậy mà bây giờ lại công bố kết quả khác. Theo tôi, quan trọng nhất là phải công bố rõ ràng chứ không thể nay thế này, mai thế khác như kiểu trò chơi khiến dân biết tin ai?”

Dân biết tin ai? Lãnh đạo phường Hạ Đình hay Phó chủ tịch quận Thanh Xuân?

Chiều muộn 29/8, chỉ một ngày sau khi kho hàng 6.000m2 chứa đầy bóng đèn huỳnh quang của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông bị cháy, UBND phường Hạ Đình đã phát đi một cảnh báo về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân tới người dân. Phường Hạ Đình khuyến nghị người dân không sử dụng thực phẩm, hoa quả, trái cây, gia cầm, cá, lợn được nuôi trồng trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày. Đồng thời, tiến hành tiêu hủy rau quả, trái cây trong vòng bán kính 500m…

Tuy nhiên, trong khi chính quyền phường Hạ Đình rất tích cực và nhanh nhạy trong việc bảo vệ người dân thì ngày 30/8, UBND quận Thanh Xuân, cụ thể là bà Phó Chủ tịch Lê Mai Trang lại yêu cầu phường thu hồi cảnh báo trên với lý do ra văn bản khuyến cáo “không đúng thẩm quyền, gây hoang mang dư luận”. Thậm chí, UBND quận Thanh Xuân còn yêu cầu kiểm điểm Chủ tịch UBND phường Hạ Đình.

Sau đó UBND quận Thanh Xuân lại phát đi thông tin kết quả test nhanh từ Trung tâm quan trắc Tài nguyên Môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội), Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế): Các chỉ số thủy ngân, chì, kim loại nặng, vi khí hậu, bụi… đều trong ngưỡng an toàn với người dân. Động thái này ngay lập tức bị đánh giá là “vô cảm”.

(Ảnh: Dân Trí)

Trớ trêu thay, tối 30/8, lãnh đạo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường nói “chưa đưa ra bất kỳ kết quả quan trắc thủy ngân nào” và theo nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan của Hà Nội không nên vội vàng đưa ra thông tin chất lượng môi trường quanh vụ cháy.

Ngày 31/8, Bộ TN&MT khuyến cáo người dân gần vụ cháy Rạng Đông cần tẩy rửa tường, sàn nhà, tạm thời không sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ khu vực xung quanh. Và ngày 4/9, Bộ TN&MT chính thức thông tin về mức độ ô nhiễm sau vụ hỏa hoạn.

Trong khi đó UBND TP Hà Nội lại rất chậm trễ tới 5/9 mới có cuộc họp để xử lý hậu quả vụ cháy tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông). Tại đây, PGS Vũ Đức Lợi, Phó viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm), cũng nói nhiều đơn thư đã được gửi tới Viện Hàn lâm. Một số cơ quan báo chí cũng nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của một số hộ dân ở phường Hạ Đình.

Khoảng trống thông tin hay sự vô cảm?

Khoảng trống thông tin và sự chậm trễ của chính quyền sở tại mới là điều khiến cho dư luận thêm hoang mang.

Và cũng lạ lùng thay, tại cuộc họp với UBND TP Hà Nội, lãnh đạo quận Thanh Xuân vẫn báo cáo tình hình “rất ổn định”, thông tin “đã được công khai kịp thời đến nhân dân”. Thậm chí trước thông tin cảnh báo của Bộ Tài nguyên Môi trường, ngày 5/9, trường gần nhất, theo khuyến cáo là Tiểu học Hạ Đình, có 1.300 học sinh (HS) thì 1.173 HS đi khai giảng bình thường”.

Cách hành xử của lãnh đạo quận Thanh Xuân từ việc yêu cầu thu hồi văn bản của phường Hạ Đình, phát đi thông cáo về tình hình môi trường không căn cứ vào kết quả trắc nghiệm thực tế và thậm chí vẫn giữ quan điểm “tình hình ổn định” tại cuộc họp của UBND TP Hà Nội càng khiến người dân khó hiểu về tinh thần phục vụ nhân dân của quận.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lưu ý về việc không ít cán bộ “miệng thì nói dân chủ, nhưng việc làm thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng. Người cũng nhấn mạnh về bệnh quan liêu mệnh lệnh trầm trọng đến nỗi cán bộ lừa phỉnh dân, dọa nạt dân!… “Nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”, lời dạy này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chắc chắn lãnh đạo quận Thanh Xuân đã từng được nghe và thấm nhuần, đặc biệt trong những ngày tháng kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác.

Thiên Lương/Thời Đại

Bài mới
Đọc nhiều