+
Aa
-
like
comment

Từ vụ chánh án “mây mưa” với kế toán trong phòng làm việc nghĩ về đạo đức của cán bộ

Hồng ĐInh - 19/12/2019 18:27

Cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng phải nêu gương về đạo đức cách mạng, tu dưỡng đạo đức cách mạng để xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Mới đây, vụ việc ông Đinh Lâm Xướng, Chánh án TAND huyện Minh Hóa (Quảng Bình) có quan hệ bất chính với nữ kế toán, đã cho thấy ông không còn đủ tiêu chuẩn, tư cách đứng trong hàng ngũ của Đảng, không xứng đáng với danh hiệu người đảng viên cộng sản.

Cách hết chức vụ về mặt Đảng đối với ông Đinh Lâm Xướng

Thông tin từ huyện Minh Hóa, trước đó, ông Đoàn Ngọc Lâm – Bí thư Huyện ủy có nhận được 1 video tố cáo ông Xướng có mối quan hệ bất chính với nữ kế toán của TAND huyện Minh Hóa. Clip này cho thấy, ông Xướng và một người phụ nữ đang quan hệ bất chính trong chính phòng làm việc của ông Xướng ở giờ hành chính.

Sau khi nhận được video tố cáo, lãnh đạo Huyện ủy Minh Hóa đã tiến hành họp và cử cán bộ xuống xác minh, giám định xem video đó có cắt ghép hay chỉnh sửa gì không.
Ngày 10/12, Huyện ủy huyện Minh Hóa xác nhận, Tỉnh ủy Quảng Bình đã có thông báo cách hết chức vụ về mặt Đảng đối với ông Đinh Lâm Xướng (huyện ủy viên, Chánh án TAND huyện Minh Hóa) vì vi phạm kỷ luật. Theo đó, người này cách chức Huyện ủy viên, Bí thư chi bộ Tòa án nhân dân huyện.

Thông báo này đã gửi đến huyện Minh Hóa. Sau khi cắt hết chức vụ về mặt Đảng với ông Xướng, TAND tỉnh Quảng Bình cũng đã hoàn tất các quy trình gửi chánh án TAND tối cao ra quyết định cách chức đối với Chánh án TAND huyện về mặt chính quyền đối với ông này.

12
Tỉnh ủy Quảng Bình cách hết chức vụ về mặt Đảng đối với ông Đinh Lâm Xướng (huyện ủy viên, Chánh án TAND huyện Minh Hóa) vì vi phạm kỷ luật.

Đây là những bài học đắt giá cho tất cả các bộ, cơ quan, địa phương phải soi xét lại vấn đề rèn luyện đạo đức công vụ của cán bộ, nhân viên và đưa đạo đức công vụ vào lối sống thường ngày. Điều này cũng buộc chúng ta phải siết lại việc áp dụng trên thực tế Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa XII) về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”.

Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội được biểu hiện dưới dạng các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực, giá trị định hướng, điều chỉnh hành vi của con người và hoạt động của xã hội. Nếu như pháp luật dùng sự trừng phạt để điều tiết hành vi con người một cách cưỡng chế thì đạo đức xác định giới hạn cho điều thiện và điều ác, hướng con người tự giác tuân thủ.

Chuẩn mực pháp luật xác định ranh giới cho các hành vi phải làm, không được làm và được làm. Chuẩn mực đạo đức xác lập những hành vi nên làm và không nên làm, được điều chỉnh bằng dư luận xã hội và lương tâm của chủ thể hành động. Xã hội có bao nhiêu nghề thì có bấy nhiêu đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp là đạo đức xã hội được thể hiện một cách đặc thù, cụ thể trong các hoạt động nghề nghiệp.

Công vụ theo nghĩa rộng là công việc do người của nhà nước đảm nhận. Đạo đức công vụ là những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Trên thực tế, trong thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến cán bộ cũng đã được xử lý nghiêm minh. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy Đảng đã và đang kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ thoái hóa biến chất. Đồng thời, là dấu hiệu tích cực để loại khỏi bộ máy những cán bộ thoái hóa, biến chất, gọi là sâu mọt. Nhờ có báo chí, mạng xã hội,…. những hiện tượng này ngày càng được phanh phui, phát hiện nhiều hơn và các đơn vị có liên quan cũng xử lý nhanh hơn, rốt ráo và nghiêm khắc hơn.

Điều này chứng tỏ xã hội ngày càng cởi mở và minh bạch hơn, cái xấu được phát hiện sớm và không có vùng cấm. Qua đây, cho thấy truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc đấu tranh với tiêu cực nói chung và các hiện tượng lệch chuẩn nói riêng.

Đạo đức rất quan trọng đối với người đảng viên…

Văn hóa Việt Nam là nhân cách luận, trong đó xử lý ba mối quan hệ lớn: với mình, với người, với việc mà bao trùm là bổn phận với Tổ quốc, với nhân dân. Hồ Chí Minh từng dạy mỗi cán bộ, đảng viên phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 ban hành Quy chế công chức Việt Nam vào năm 1950. Tại Lời nói đầu, nội dung về công chức và đạo đức công vụ đã được thể hiện cụ thể: “Công chức Việt Nam là những công dân giữ một nhiệm vụ trong bộ máy nhà nước của chính quyền nhân dân…”. Chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức Việt Nam được Bác Hồ xác định cô đọng là “cần”, “kiệm”, “liêm”, “chính”.

Như vậy, Quy chế công chức đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã nêu rõ những chuẩn mực đạo đức rất quan trọng đối với công chức nhà nước.

Luật cán bộ, công chức ra đời năm 2008 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Trong bộ luật này những chuẩn mực đạo đức – pháp lý được thể hiện cụ thể ở các quy định về nghĩa vụ của công chức: trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng nhân dân, tận tâm phục vụ nhân dân; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Với việc ban hành Luật cán bộ, công chức, chế định công chức và đạo đức công vụ ở nước ta đã có bước phát triển và hoàn thiện mới, góp phần xác lập các chuẩn mực đạo đức – pháp lý cho cán bộ, công chức Việt Nam trong tiến trình xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh.

“Con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng chính những con sâu này đã làm cho nhân dân và cán bộ, đảng viên liêm chính bất bình, giảm sút lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Hồ Chí Minh cho rằng: “Nói dối, không trung thực là có tội với Đảng, với dân”. Nó là giặc “nội xâm” trong lòng nội bộ nếu không ngăn chặn, không khắc phục được sẽ rất nguy hại cho dân, cho Đảng. Không chỉ vậy, thiếu trung thực của cán bộ, đảng viên còn là cớ để các thế lực thù địch vin vào để khoét sâu mâu thuẫn nội bộ, chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Khi đất nước chúng ta đang đổi mới, tiến đến một xã hội hiện đại với nền dân chủ và dân trí ngày càng được nâng cao thì việc quản lý công không thể áp đặt công cụ cai trị cực đoan mà cần đề cao sứ mệnh phục vụ công chúng. Quan điểm “Nhà nước phục vụ” được khái quát trong mô hình tương tác: nhà nước (người cung ứng) – công dân (khách hàng tiêu dùng). Vì vậy, đã là cán bộ, đảng viên thì yêu cầu bắt buộc là phải có đủ phẩm chất “cần”, “kiệm”, “liêm”, “chính” để phục vụ nhân dân.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều