Từ vụ bãi Tư Chính: Trung Quốc ngày càng cô lập trong vấn đề Biển Đông
Các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là minh chứng cho việc một nước công khai đi ngược lại luật pháp quốc tế.
“Sử dụng ngoại giao pháo hạm, lấy mạnh hiếp yếu không thể là hành vi của một quốc gia có trách nhiệm, quan tâm đến “vận mệnh chung” của cộng đồng quốc tế”. Đó là nhận định của TS Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD) trước những diễn biến gần đây trên Biển Đông, cụ thể là việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc hiện diện tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam của Việt Nam. TS Nguyễn Ngọc Trường là cựu Đại sứ Việt Nam ở Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan.
PV: Tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 9 diễn ra tại thủ đô Washington, Mỹ ngày 24/07, một số nhà nghiên cứu và học giả quốc tế nhận định: Trung Quốc giống như một quốc gia không tuân thủ luật pháp quốc tế. Thưa TS Nguyễn Ngọc Trường, ông nghĩ sao về nhận định này?
TS Nguyễn Ngọc Trường: Theo tôi, Trung Quốc đang bị cô lập trên trường quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Trong thế cô lập ấy, họ sử dụng sức mạnh của ba thứ quân (hải quân, cảnh sát biển, ngư dân quân) hoạt động tại Biển Đông và hiện tại ở khu vực bãi Tư Chính, vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam và trong thềm lục địa phía nam.
Đây là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc, Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế ngày 12/7/2016. Hành động của Trung Quốc cũng đi ngược lại các thỏa thuận cấp cao của lãnh đạo hai nước đề ra trong 5 năm qua. Hành động của Trung Quốc càng chứng tỏ họ là quốc gia không tuân thủ luật pháp quốc tế.
Sử dụng ngoại giao pháo hạm, lấy mạnh hiếp yếu không thể là hành vi của một quốc gia có trách nhiệm, quan tâm đến “vận mệnh chung” của cộng đồng quốc tế.
PV: Tình trạng tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến năm nước, sáu bên trong gần 10 năm gần đây trở nên căng thẳng. Trong quá trình đàm phán về bộ quy tắc Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (COC), việc gây hấn của Trung Quốc tại bãi Tư Chính của Việt Nam nói riêng và một số khu vực khác trên Biển Đông gần đây sẽ tác động thế nào tới tiến trình đàm phán này, thưa ông?
TS Nguyễn Ngọc Trường: Trung Quốc đang thực hiện một cuộc giáp công hai mũi – trên biển và trên bờ. Trên biển thì đưa ba lực lượng đề cập ở trên hoạt động trên khắp Biển Đông, gây áp lực cho hoạt động của các quốc gia liên quan, hiện thực ý đồ độc bá Biển Đông.
Trên bờ, tức là trên bàn thương lượng ngoại giao về COC (Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông) diễn ra ở Malaysia đúng vào thời điểm Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 hoạt động tại khu vực phía Nam Biển Đông- nơi có khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam. Họ nêu thời hạn 3 năm trong đàm phán COC có vẻ thiện chí muốn giải quyết sớm vấn đề, thực chất là nhằm lợi dụng lúc chính quyền của Tổng thống Duterte của Philippines điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc (2018-2021), đồng thời tạo áp lực thời gian đối với các nhà đàm phán ngoại giao ASEAN, như đã từng tiến hành với một số nước trong các cuộc đàm phán phân định biên giới trên bộ, trên biển cuối những năm 1990.
Hành động của họ tại bãi Tư Chính của Việt Nam, chèn ép ngư dân Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa, cũng như chèn ép ngư dân Philippines tại khu vực đảo Thị Tứ và bãi cạn Scarborough do Philippines kiểm soát, gân hấn tại cụm bãi cạn Luconia do Malaysia kiểm soát, đã xói mòn nghiêm trọng cái gọi là “thiện chí” Trung Quốc trong đàm phán COC.
Hành động gây hấn trên biển là nhằm gây áp lực lên các bên ASEAN có lợi ích sát sườn ở Biển Đông trên bàn thương lượng COC, thể hiện rõ ý đồ dùng COC để hiện thực hóa hiện trạng mới trái phép tại Trường Sa, Hoàng Sa và Biển Đông.
Thực tế, rất nhiều hoạt động của Trung Quốc trên bộ hay trên biển trong những năm qua, mà Biển Đông là một bộ phận, cho thấy, điều mà Trung Quốc thực hành không phải là “cùng thắng” mà là “ăn người” – nghĩa là giành lợi thế tối đa cho mình bất chấp hậu quả với đối tác.
Pv: Vụ việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông đã gây phản ứng bất bình trong dư luận quốc bởi đó là hành động “bắt nạt”. Ông có nghĩ như vậy không?
TS Nguyễn Ngọc Trường: Việt Nam là nước nhỏ so với Trung Quốc. Nhưng nhỏ không có nghĩa là yếu, lớn không có nghĩa là mạnh. Việt Nam mạnh vì có công lý quốc tế. Trung Quốc yếu vì không có lý lẽ gì thuyết phục được thế giới. Một nước mạnh không dùng hành động “bắt nạt” như họ làm ở Biển Đông.
PV: Vậy, chúng ta cần kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại như thế nào để xử lý các tranh chấp trên Biển Đông?
TS Nguyễn Ngọc Trường: Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một nguyên lý của cách mạng Việt Nam, ngày nay vẫn có giá trị to lớn. Sự quan tâm và ủng hộ quốc tế ngày càng tăng đối với các nước Biển Đông nhỏ và yếu trong vấn đề Biển Đông là một sức mạnh. Sức mạnh quốc tế ấy đang được tích hợp ngày càng lớn mạnh.
Với phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế ngày 12/7/2016, Philippines đã thắng trong vụ kiện Biển Đông. Dù thực hiện “ba không”(không thừa nhận thẩm quyền, không tham gia tố tụng và không chấp nhận phán quyết), nhưng Bắc Kinh rất lo ngại và không yên lòng. Đó là do sức mạnh quốc tế của công pháp và công lý.
Tôi nghĩ, Trung Quốc đang tranh thủ chính quyền Philippines đương nhiệm để trì hoãn cuộc đấu tranh thực thi Phán quyết ấy mà thôi.
PV: Theo dõi diễn biến vụ việc bãi Tư Chính, theo ông đánh giá, đây có phải là thời điểm thuận lợi để tăng cường thực lực của Việt Nam ở Biển Đông?
TS Nguyễn Ngọc Trường: Đúng như vậy. Châu Á đang thức tỉnh mới về biển. Biển Đông đang nằm ở trung tâm của vòng cung Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đang tạo ra các lợi thế chưa từng có cho các nước Biển Đông nhỏ và yếu tăng cường thực lực biển của mình.
Việt Nam là một quốc gia biển. Diện tích vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam rộng 1.000.000 km2. Để bảo vệ những quyền lợi biển ấy, Đảng và Chính phủ ta những năm qua đã chú trọng xây dựng chiến lược biển, kinh tế biển và lực lượng hải quân, lực lượng chấp pháp trên biển. Nhưng cuộc xung đột trên Biển Đông còn kéo dài và ngày càng phức tạp, sự xâm phạm các quyền lợi biển của nước ta rất gay gắt, đòi hỏi chúng ta phải tăng cường thực lực quốc gia trên biển nhanh và mạnh hơn nữa.
Người dân nước Việt Nam ta hơn bao giờ hết phải có ý thức và tinh thần đồng tâm hiệp lực xây dựng nước mình thành một quốc gia biển mạnh. Không chỉ nhằm xây dựng hải quân đủ mạnh, lực lượng chấp pháp biển mạnh, mà cần hiện đại hóa hệ thống cảng biển và logistics biển của nước ta, để kết nối mạnh mẽ vào hệ thống logistics quốc tế. Cảng biển Việt Nam càng quốc tế hóa, Biển Đông càng nhộn nhịp, Biển Đông càng hòa bình, ổn định.
PV: Các biện pháp tiếp theo của chúng ta là gì, thưa ông?
TS Nguyễn Ngọc Trường: Bằng mọi biện pháp có thể làm. Đấu tranh báo chí, dư luận kịp thời là hết sức cần thiết. Vì, chân lý tự nó không tỏa sáng. Phải tiếp tục phi nhạy cảm hóa vấn đề Biển Đông và các sự cố trên biển, như vụ cắt cáp thăm do địa chấn của tàu Viking II (2011), HD-981 (2014), cũng như vụ tàu khảo sát Hải Dương 8 ở khu vực bãi Tư Chính hiện nay.
Nếu đưa ra kiện ở tòa án quốc tế thì chúng ta kiện về Hoàng Sa, Trường Sa, không chỉ có vụ bãi Tư Chính mà thôi.
PV: Trong quan hệ song phương với Trung Quốc, theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật. Theo ông, những hành động như vậy đã đủ chưa?
TS Nguyễn Ngọc Trường: Còn cần sử dụng các loại “kênh” song phương mà ta có với Trung Quốc. Ngoài ra, cần kiên nhẫn. Người không kiên nhẫn, không làm được việc lớn. Giải quyết vấn đề lớn như Biển Đông cần sự kiên nhẫn lớn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Từ nhiều năm nay, Biển Đông đã thành vấn đề thời sự, mà dư luận Việt Nam và quốc tế quan tâm theo dõi. Đã có khá nhiều ấn phẩm về Biển Đông của các tác giả Việt Nam và nước ngoài. Quý I năm nay (2019), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật đã cho ra mắt cuốn sách “Về vấn đề Biển Đông” của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường.
(Theo VOV)