+
Aa
-
like
comment

Từ VinGroup nghĩ về ý thức dân tộc trong phát triển công nghiệp Việt Nam

Minh Thư - 03/09/2019 10:59

Cuối tháng 08/2018, khi VinGroup công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực Công nghệ – Công nghiệp, đặt mục tiêu trở thành Tập đoàn Công nghệ – Công nghiệp – Dịch vụ đẳng cấp quốc tế trong 10 năm tới, dư luận đặt ra không ít hoài nghi, cho là mạo hiểm. Như lời TS Lê Xuân Nghĩa chia sẻ là “Ở Việt Nam, VinGroup có thể được coi là một trong những tập đoàn công nghiệp chế tạo đầu tiên. Sản phẩm ô tô Vinfast là đứa con đầu đời, non trẻ của ngành công nghiệp Việt Nam. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc rủi ro của nó trên thương trường là rất lớn”. Cũng chính vì không tin tưởng mà người ta đưa ra hàng trăm ngàn lý do: 

Nào là, nguồn nhân lực để làm chủ công nghệ còn thiếu, nhiều khi phải thuê rất nhiều nhân lực nước ngoài, với một mức lương rất cao.

Rồi sự cạnh tranh về giá cả, nhất là VinFast phải đấu với những thương hiệu lớn, trường vốn. Xe của họ đã có mặt trên thị trường hàng trăm năm, giá cả lại hấp dẫn hơn, tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Tiếp đến là chính sách. Ngay cả những tập đoàn nước ngoài lớn như vậy, nhưng đằng sau lưng họ đều có chính phủ chống lưng. Bây giờ có thể sự bảo hộ đã giảm, nhưng trong quá khứ, họ được tài trợ rất nhiều để có được vị thế như hiện tại. Chúng ta vừa non trẻ, vừa yếu thế, vừa đi sau, nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ thì rủi ro rất lớn.

Cuối cùng là ý thức của người tiêu dùng. Phần lớn các nước đều có ý thức bảo hộ tiêu dùng hàng nội địa. Dưới hình thức chỉ dẫn văn hóa, thông qua các giá trị yêu nước. Ngày trước ở Mỹ, từ chính phủ cho đến dân chúng, đều bài xích xe của Nhật Bản. Chúng ta nhìn thấy rõ nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đều không dùng xe nhập khẩu, trừ những trường hợp rất đặc biệt. Ngay như chính phủ Hàn Quốc, đều dùng xe nội địa phục vụ lãnh đạo cấp cao.

Thế nhưng, cần hiểu rằng bất kỳ quốc gia nào cũng coi công nghiệp chế tạo là rường cột. Bởi trong chuỗi giá trị sản phẩm, nó khẳng định giá trị cao nhất. Đồng thời, nó cũng khẳng định đẳng cấp và giá trị của một quốc gia công nghiệp. Quan trọng hơn nữa, nó gắn với an ninh, quốc phòng của quốc gia.

Công nghiệp quyết định công nghệ. Công nghiệp càng phát triển mới tạo ra nhu cầu sử dụng và kích thích công nghệ phát triển. Đồng thời, công nghiệp là lĩnh vực thu hút lao động và nhân tài rất lớn. Nếu như cả dân tộc thờ ơ với công nghiệp thì không thể nào phát triển được. Ví dụ, ở Hàn Quốc, từ Thủ tướng cho đến dân thường đều đi xe nội địa, không đi xe nhập nhẩu; tất cả dân chúng đều sài điện thoại nội địa, máy điều hòa nội địa.

Muốn trở thành một dân tộc lớn thì mỗi cá nhân phải nghĩ lớn. Tài năng thì làm chủ, ít tài hơn thì ủng hộ người chủ đó bằng cách tiêu thụ sản phẩm của họ sản xuất ra. Nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm “nhem nhuốc” của thời mới khởi nghiệp, thì doanh nghiệp còn tồn tại đâu mà làm ra những sản phẩm tinh xảo sau này?

Vậy nên, cần một ý thức dân tộc thực sự trong phát triển công nghiệp!

Minh Thư

Bài mới
Đọc nhiều