Từ viêm phổi Vũ Hán, bàn về đạo đức cộng đồng
Ngay từ khi dịch viêm phổi Vũ Hán vừa nổ ra, tôi đã cảm thấy vô cùng lo ngại vì ý thức cộng đồng trong thời kỳ dịch bệnh được người dân tỏ ra thờ ơ.
Ngay khi lệnh phong tỏa Vũ Hán được ban bố vào ngày 23/1, toàn bộ người dân đã giận dữ và phản đối. Tất cả chỉ vì họ muốn được thoát khỏi tâm dịch, chính vì thế rất nhiều người nghi nhiễm đã bị chính quyền cưỡng chế một cách thô bạo, để tránh lây lan.
Ngay trước khi có lệnh phong tỏa, chủ trương của tôi là phải “phân rã xã hội”, tất cả mọi người lẽ ra cần phải có ý thức giảm thiểu, hoặc tốt nhất là tránh tiếp xúc trong khi dịch bệnh đang lây lan trên diện rộng. Điều đó không những tốt cho bản thân mà còn là ý thức bảo vệ cho cả cộng đồng.
Hầu hết các quốc gia hiện đại đều có quy định chặt chẽ về bệnh truyền nhiễm. Ngoài các hiệp ước y tế, mỗi nước đều có Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm (Legal Authorities) của riêng mình. Luật này đề ra biện pháp về kiểm dịch và cách ly, nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Tùy theo điều kiện y tế mỗi nước, nhưng hầu hết các biện pháp của bộ luật này đều giống nhau ở hai điểm chính:
1. Bắt buộc cách ly để điều trị: Bệnh nhân và người mang mầm bệnh phải được cách ly. Thời hạn cách ly được xác định theo kết quả xét nghiệm y tế. Đối với những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cũng phải được tách ra điều trị riêng.
2. Phong tỏa ổ dịch: Các khu vực xảy ra dịch bệnh phải được phong tỏa để tiến hành diệt trùng tẩy uế.
Hai biện pháp này không hề vi phạm nhân quyền như nhiều người lầm tưởng, ngược lại đó còn là biện pháp bảo vệ cho bản thân bạn, cho gia đình và cho cả cộng đồng. Thời kỳ xảy ra dịch bệnh, cưỡng chế cách ly là biện pháp cần thiết và được pháp luật cho phép. Nhân quyền ở đây là người mắc bệnh hoặc nghi nhiễm có trách nhiệm phải báo cáo và chấp nhận cách ly, để không xâm phạm tới quyền lợi được sống khỏe mạnh của người khác.
Mỹ, Nhật, Anh hay Úc đều xây dựng Luật phòng chống truyền nhiễm trên căn bản đó. Như trường hợp tại Úc vừa rồi, Úc sau khi đưa 600 công dân của họ từ Trung Quốc trở về, lập tức đưa ra đảo Christmas cách ly trong 15 ngày. Tương tự, 200 công dân Anh cũng phải chấp nhận làm Robison bất đắc dĩ trên đảo hoang trong 14 ngày.
TRUNG QUỐC CÓ NÊN PHONG TỎA Ổ DỊCH VÀ BẮT BUỘC CÁCH LY?
Quay trở lại dịch bệnh tại Vũ Hán. Ban đầu, Trung Quốc đã tích cực giấu diếm dịch bệnh, khống chế ngôn luận, bắt giam những công dân cố tình tiết lộ thực trạng. Về mặt kiểm dịch và điều trị, Trung Quốc lại sơ xuất để tình trạng dịch có cơ hội bùng phát mạnh mẽ toàn quốc.
Mặc dù Trung Quốc từ lâu đã có “Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm” và “Các biện pháp thực hiện phòng ngừa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm”. Nhưng hơn 1 tỷ người dân Trung Quốc, không phải ai cũng biết và có ý thức bảo vệ cộng đồng.
Họ hoảng sợ, họ bỏ chạy…ngay trước khi có lệnh phong tỏa Vũ Hán. Kết quả là 5 triệu người Vũ Hán tứ tán khắp Trung Quốc, chu du năm châu bốn bể đem theo virus lan rộng toàn thế giới.
Không thể bỏ chạy kịp trước lệnh phong tỏa, người dân Vũ Hán kịch liệt phản đối chính quyền, cho rằng đó là kỳ thị, vi phạm nhân quyền. Mà không một ai chịu hiểu đây là biện pháp an toàn thiết yếu cho toàn cộng đồng.
Thực chất, kế hoạch phong tỏa Vũ Hán chỉ là phương án bất đắc dĩ từ chính quyền Trung Quốc vì dịch bệnh đã trở nên mất kiểm soát trên diện rộng, lan ra rộng khắp các tỉnh thành Trung Quốc. Ngay cả 5 triệu dân đã bỏ trốn trước đó, Trung Quốc cũng không hề có biện pháp ngăn chặn hay thông báo để thế giới có phương án ứng phó kịp thời.
Ngay từ đầu, các biện pháp phong tỏa dịch của Trung Quốc đã thiếu chuyên nghiệp, thêm vào đó là kiến thức y tế của người dân quá kém, kết hợp với hành vi thô bạo của chính quyền địa phương. Tất cả khiến việc bảo vệ cộng đồng thành hành vi khủng bố dân chúng, khiến nỗi ám ảnh bị cách ly không chỉ tồn tại ở Trung Quốc mà lan ra khắp thế giới.
Như trường hợp sinh viên nọ ở Đại học George Mason (Hoa Kỳ): sau khi từ Vũ Hán trở lại trường, anh có triệu chứng nhiễm bệnh nhưng không chịu đi khám, vì lo sợ sẽ bị tống về Trung quốc. Người trẻ tuổi ấy quá sợ tình trạng “cách ly” của đại lục, và lại không nắm vững luật pháp Hoa Kỳ, anh đâu có biết Mỹ sẽ lo chạy chữa cho mình dứt bệnh trước đã, xong xuôi mới xét tới thân phận lưu trú của anh hợp pháp hay không.
Ngay từ xa xưa, y tế còn kém phát triển, loài người đã tự ý thức rằng cách ly ổ dịch là biện pháp hoàn hảo để chiến đấu với dịch bệnh. Hơn 450 năm trước, làng Eyam ở cách Manchester 35 dặm về phía đông nam, bị dịch hạch. Giáo sĩ William Mompesson đã đưa ra quyết định dũng cảm: ngài chỉ huy các giáo dân, cùng nhau chất đá làm tường vây kín, tự cô lập làng mình. Những người khỏe mạnh cũng thà chịu chết chứ không rời khỏi làng, để tránh lây bệnh cho đồng bào. Chính bằng tinh thần đó, mới đây một viên chức ngoại giao Anh đã cự tuyệt lên chuyến bay đón mình về nước.
Còn ở Trung quốc thì người ta hoảng loạn, sẵn sàng ôm bệnh chạy trốn và gieo dịch tứ tung chỉ vì sợ hay chữ “cách ly”. Thực ra, nỗi sợ cách ly của người dân là do chính chính quyền của họ đã gieo rắc từ lúc vừa mới sinh ra.
Họ thiếu ý thức cộng đồng trầm trọng, họ ích kỷ vì suy nghĩ hễ bị cách ly tức là sẽ chết. Họ mất niềm tin vào chính quyền vì chính lối hành xử thiếu uy tín, bưng bít dịch bệnh.
Hơn hết, người dân Trung Quốc không hề được dạy về trách nhiệm với cộng đồng. Ngay trong bệnh việc, những người mắc bệnh thường cố ý hà hơi hoặc khạc nhổ vào hộ lý, y tá, bác sĩ. Bản chất hắc ám của con người bộc lộ hoàn toàn trong thời kỳ dịch bệnh. Tình trạng quái đản này phổ biến đến nỗi ngày 29-1, sở Công an tỉnh Hồ Bắc phải ra thông báo “Về các hành vi phạm pháp nghiêm trọng liên quan tới y tế”, trong đó có điều khoản quy định rằng những ai mắc bệnh mà khạc nhổ vào người khác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ý THỨC CỘNG ĐỒNG KÉM KHIẾN DỊCH BỆNH LAN NHANH, MẤT KIỂM SÓAT
Năm 2003, dịch SARS đến đã nhanh mà rút đi cũng nhanh. Mặc dù sau đó chính quyền Trung ương đã quan tâm phòng chống dịch bệnh, các địa phương cũng có biện pháp hành chính bảo đảm an toàn, nhưng việc kiểm soát dịch bệnh thường bị lơ là, khiến ký ức và kinh nghiệm về SARS dần nhạt nhòa theo nắng thu phai. Đã vậy, kể từ khi thành phố bị phong tỏa, không chỉ Vũ Hán mà cả người tỉnh Hồ Bắc nói chung đều gánh chịu nhiều oan ức. Thiên hạ thảy coi họ là thứ ôn thần dịch lệ, chỗ họ tới thì bị cấm vào, còn chỗ đang ở thì bị tống đi.
Sau đó khoảng 3-5 ngày, tình hình được cải thiện. Đầu tiên là nhờ các chuyên gia chỉ ra rằng coronavisus coi vậy vẫn chưa hung ác bằng con SARS hay Ebola. Vả lại người Vũ Hán – Hồ Bắc riết rồi cũng quen, đành cam phận thiệt thòi, chấp nhận cách ly, và thôi không thèm chấp nhứt thái độ kỳ thị của kẻ khác. Chính quyền các địa phương cũng hiểu ra: xua đuổi người Hồ Bắc chẳng những là hành động bất nhân, mà cũng chả ích gì cho phòng chống dịch, thậm chí còn thêm hại là đàng khác, nên người ta đối đãi tử tế hơn. Nhiều địa phương chia hẳn khách sạn cho người Hồ Bắc được trú ngụ riêng.
Trong việc này, chính quyền Thượng Hải thành công nhất. Hiện ở Thượng Hải, bằng biện pháp mềm mỏng ân cần, người ta đã cách ly được 9.804 người đến từ Hồ Bắc. Những người này được đối xử tử tế, bao ăn bao ở, cơm bưng nước rót tận nơi, hàng ngày có người tình nguyện tới giúp đổ rác, mua đồ dùng; dĩ nhiên là có cả y bác sĩ tới khám bệnh đều đều, trong vòng 14 ngày.
BẢO VỆ CỘNG ĐỒNG CHÍNH LÀ BẢO VỆ BẢN THÂN
Để đối phó thiên tai dịch bệnh, quốc gia nào cũng cần đến nỗ lực của chính phủ và tự lực của cá nhân. Đóng góp của cá nhân trong lúc này là đạo đức cộng đồng. Đạo đức đó phải được vun quén sẵn cho mọi người, để trong điều kiện bất thường, các cá nhân biết đặt lợi ích của cộng đồng làm tối thượng.
Trong thời kỳ dịch bệnh, người trong vùng dịch khi đối diện chết chóc dễ nghĩ tới phương cách đào thoát, để bản thân có nhiều cơ hội sống sót hơn. Nhưng vì là nguy cơ gieo mầm bệnh, con đường đào thoát của họ cũng sẽ là con đường phương hại sức khỏe người khác, ảnh hưởng quyền lợi của cộng đồng.
Do đó bệnh nhân và người nghi ngờ nhiễm bệnh bắt buộc phải chịu cách ly hoặc kiểm dịch. Trong dịch viêm phổi Vũ Hán lần này, ngoài việc xử lý không đúng cách của chính phủ ở giai đoạn đầu đã khiến dịch bệnh hoành hành gây nên tổn thất trầm trọng; mà nó còn cho thấy xã hội Trung quốc hiện đang khiếm khuyết đạo đức cộng đồng, khiến người ta xem nhẹ trách nhiệm của mình với xã hội.
Bảo Trâm