Từ việc hàng loạt cán bộ bị bắt, khởi tố: Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo!
“Hàng loạt cán bộ bị bắt, khởi tố” – những dòng tin đầy ám ảnh đối với một bộ phận cán bộ tha hóa biến chất, thiếu trách nhiệm.
Hàng loạt cũng thể hiện sự chua chát cho những người được mang vinh dự lớn lao khi bản thân giữ trọng trách trong bộ máy công quyền nhưng lại bị tha hóa, thiếu trách nhiệm, hay non yếu trong công tác chuyên môn mà gây hậu quả nghiêm trọng cho dân cho nước. Hai từ ấy còn thể hiện sự nghiêm khắc của một thể chế nhà nước không dung chứa bất cứ hành vi tiêu cực nào, một thể chế hướng đến sự trong sạch và vững mạnh toàn diện. Hoạn lộ thênh thang, vinh quang luôn đi kèm cùng cám dỗ, là người được giao phó trọng trách hơn ai hết họ phải thật sự tỉnh táo và thông tuệ để không vấp ngã khi chưa kết thúc hành trình.
Cũng thời gian qua, từ việc một số lãnh đạo ngành bị kỷ luật, truy tố mà đâu đó xuất hiện tâm lý e ngại, không dám làm. Ông cha ta có câu “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, ngụ ý nhắc nhở việc vững vàng trước mọi thử thách biến động. Sự nghiêm minh của pháp luật và những minh chứng cụ thể về hàng loạt trường hợp cán bộ sai phạm đã bị xử lý theo quy định chính là những ngọn sóng cả. Ngọn sóng ấy đủ sức làm cho bề mặt sông thay đổi, đồng nghĩa với cục diện xã hội trải qua biến động để yên bình phát triển. Những người đi trước với vết xe đã đổ, bản thân họ đã tấm gương tiêu cực để những cán bộ khác soi vào đó mà tự răn mình, để biết việc mà làm, đã làm là phải làm đúng, nghĩ cho lợi ích của nhân dân, nghĩ cho sự phát triển của đất nước. Nếu điều họ làm đúng chức trách nhiệm vụ, không vượt ngoài quy chuẩn của đạo đức và pháp luật, tại sao lại e ngại không dám làm?
“Làm nhiều sai nhiều, không làm không sai”. Đó là câu nói cuối cùng của ông Đinh La Thăng trước tòa. Đúng sai khi nằm ngoài phạm vi lợi ích và tổn thất cá nhân thì không bao giờ nên xem là một cuộc trải nghiệm bất chấp kết quả. Cố ý làm trái và thất thoát hàng trăm tỷ đồng thì cái sai ấy có thể nương vào đâu mà nhẹ nhàng được.
Nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật, khởi tố do vi phạm pháp luật thời gian gần đây là một tín hiệu đáng mừng, tạo niềm tin trong nhân dân về những hành động cụ thể làm trong sạch bộ máy nhà nước, hướng đến một xã hội công bằng trong sạch, dân chủ và văn minh. Bên cạnh đó, sự việc trên dẫn đến tâm lý e ngại, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ khác? Nếu tâm lý ấy thuộc về số đông thì hệ quả là sự trì trệ trong mục tiêu phát triển của cả một đất nước. Những người mang tâm lý này phần nhiều là những cán bộ non kém, thiếu trách nhiệm. Dù đúng sai có đôi khi ranh giới mong manh, nhưng người mang trọng trách với xã hội là biết mình phải chọn cái đúng.
Một là sợ sai, e ngại không dám làm, hai là vì sợ sai mà từ đó cẩn trọng, nhận thức rõ nhất chức trách nhiệm vụ được giao phó, điều ấy phụ thuộc vào bản lĩnh của người cán bộ. Đất nước này cần lắm những lãnh đạo ngành bản lĩnh biết giữ mình để hoàn thành trọng trách, dám nghĩ, dám làm, tất cả vì lợi ích của nhân dân.
Hạnh Phúc