+
Aa
-
like
comment

Từ vị trí hãng bay chậm chuyến “số 1” 2022 để thấy…

Phạm Khoa - 08/02/2023 15:44

Thông tin Vietnam Airlines đứng đầu danh sách các hãng bay trong nước có chuyến bay bị chậm năm 2022 vừa được Cục Hàng không công bố tiếp sau những kết quả kinh doanh bết bát của doanh nghiệp này đã làm dư luận bức xúc. Chuyện gì đang xảy ra với hãng bay đại diện cho thương hiệu quốc gia?

Theo số liệu của Cục Hàng không, Vietnam Airlines là hãng hàng không có tỷ lệ chậm chuyến cao nhất (12,5%) năm 2022.

Cùng lúc, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có văn bản lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) do liên tiếp thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu.

Đến lúc này, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines đã âm 10.453 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2022 âm đến 34.200 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 10.199 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên tới 70.777 tỷ đồng.

Hai năm Đại dịch Covid-19, không nằm ngoài khó khăn chung của ngành hàng không thế giới, Vietnam Airlines cũng lâm vào tình cảnh kiệt quệ, khi phải án binh bất động suốt một thời gian dài. Để giải cứu hãng bay mang thương hiệu quốc gia, quý 2/2021, gói giải cứu 12 nghìn tỷ đồng đã được thông qua, giúp hỗ trợ thanh khoản cho Vietnam Airlines.

Đầu quý 3/2021, 4000 tỷ đồng được giải ngân với mức lãi suất 0%, và 8000 tỷ đồng tăng vốn thêm từ việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (Nhà nước nắm hơn 86%) đã cho Vietnam Airlines có cơ hội duy trì hoạt động bay bình thường. Tuy vậy, với kết quả kinh doanh bết bát như hiện tại, cùng với thông tin chậm chuyến, hủy chuyến cao kỷ lục, Vietnam Airlines cho thấy không chỉ tình hình kinh doanh đang rất khó khăn, mà chất lượng dịch vụ vì vậy cũng đang giảm sút đáng báo động.

Đã đến lúc, cần một sự can thiệp mạnh mẽ để Vietnam Airlines không đi vào vết xe đổ của Thai Airways. Năm 2020, hãng hàng không quốc gia Thái Lan đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau gần một thập kỷ kinh doanh thua lỗ. Phải đến tháng 8/2022, chính phủ Thái Lan mới hỗ trợ tăng vốn lên 80 tỷ baht (2,2 tỷ USD) và hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu nhằm giúp hãng hàng không quốc gia nước này thoát khỏi tình trạng phá sản.

Những nét tương đồng trong tình hình kinh doanh thua lỗ, cũng như công tác quản trị yếu kém của 2 hãng bay mang thương hiệu quốc gia đang khiến dư luận liên tưởng đến tương lai ảm đạm của Vietnam Airlines, nếu không quyết liệt tiến hành cải tổ.

Đã đến lúc phải rà soát lại toàn bộ cơ cấu nhân sự của Vietnam Airlines, từ việc đào tạo, tuyển dụng nhân viên, đến khâu quản trị, số hóa để cắt bỏ những ban bệ không cần thiết, giảm tối đa chi phí quản lý. Song song đó, cần thay đổi cách tiếp cận linh hoạt hơn về lĩnh vực kinh doanh đối với các tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước chi phối.

Một cuộc giải cứu lần 2 vẫn đang có trong kịch bản trợ lực cho Vietnam Airlines lúc này, nhưng người dân không mong muốn điều đó. Tiền của dân không thể cứ được rót vào một chiếc túi lủng. Cho nên, hãy tập trung giải quyết những vấn đề nội tại đã và đang ăn mòn vốn của Vietnam Airlines, và dũng cảm loại bỏ những yếu tố khiến doanh nghiệp kém hiệu quả, không loại trừ những yếu tố tham nhũng, tiêu cực.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều