Tự tiện đặt tên cho hàng chục đảo, đá ở Biển Đông: TQ quá coi thường luật pháp quốc tế
Theo chuyên gia của CSIS, cùng với các hành vi “bắt nạt” như đâm chìm tàu cá Việt Nam, quấy rối tàu khai thác dầu của Malaysia, Trung Quốc đang cố chứng tỏ, Biển Đông là “ao nhà”.
Trung Quốc ngang nhiên coi Biển Đông là “ao nhà”
Vừa qua, Trung Quốc đã ngang nhiên công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể ở Biển Đông. Đặc biệt, trong số này có một số thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều đáng nói là thông báo này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Trung Quốc đơn phương thành lập hai cơ quan hành chính nhằm kiểm soát phi pháp Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Theo Murray Hiebert, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Trung Quốc rõ ràng đang thể hiện rằng, nước này coi Biển Đông là “ao nhà”. Vì vậy, họ tấn công tàu cá Việt Nam và quấy rối tàu khai thác dầu của Malaysia để ép buộc các nước láng giềng phải chấp nhận rằng không chỉ các thực thể ở Biển Đông, mà nguồn tài nguyên ở đây cũng thuộc về Trung Quốc. “Đây chỉ là một bước khác trong mưu toan của Trung Quốc nhằm chứng tỏ Biển Đông là của mình”, ông Murray Hiebert nói thêm.
Collin Koh, chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore cho rằng, Bắc Kinh muốn lợi dụng đại dịch Covid-19 đang tập trung sự chú ý của các nước ASEAN để có các động thái tiếp theo nhằm củng cố lợi ích của mình ở Biển Đông với hy vọng các nước sẽ không thể phản đối mạnh mẽ.
Còn chuyên gia Derek Grossmand, Trung tâm RAND chuyên nghiên cứu chính sách an ninh, nhận định, Bắc Kinh đã có hành vi “bắt nạt” tương tự với các quốc gia, trong đó có cả Việt Nam, Philippines và Malaysia, Indonesia trong nhiều năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. “Người ta có thể lập luận rằng việc thành lập các khu hành chính gần đây của Bắc Kinh tại Hoàng Sa và Trường Sa là sự phát triển mới, nhưng mọi người cũng đừng quên rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thực sự lên kế hoạch thực hiện điều này vào năm 2007”, ông nhấn mạnh.
Tuyên bố của Trung Quốc không có giá trị pháp lý
Nhận định về động thái mới của Trung Quốc ở Biển Đông, ThS Hoàng Việt, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh khẳng định, các tuyên bố này chỉ là tuyên bố đơn phương và không có giá trị pháp lý. Bởi vì về các vấn đề liên quan đến lãnh thổ của một quốc gia, các tuyên bố này phải công khai và dựa trên nền tảng các quy định của luật pháp quốc tế, cùng với sự chấp thuận của các quốc gia liên quan thì mới có giá trị pháp lý.
Trung Quốc không có chủ quyền trên các cấu trúc thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, với các cấu trúc lúc chìm lúc nổi và các bãi ngầm thì càng không thể tuyên bố chủ quyền, vì công pháp quốc tế nói chung không chấp thuận điều đó. Thêm nữa, các quốc gia liên quan không bao giờ chấp thuận điều đó. Việt Nam đã lên tiếng phản đối ngay sau đó, nhiều quốc gia khác cũng sẽ lên tiếng phản đối. Điều đó chứng tỏ cộng đồng quốc tế không chấp nhận tuyên bố này của Trung Quốc, ông Việt nói.
Còn theo nhà nghiên cứu Derek Grossman, các tuyên bố của Trung Quốc không phù hợp với các quy tắc hoặc luật pháp quốc tế vì các rạn san hô ngầm không thể được tuyên bố chủ quyền. “Nhưng Bắc Kinh rõ ràng không quan tâm đến quy tắc hay luật pháp quốc tế”, ông nói.
Có một số lý do khiến Trung Quốc hung hăng, hiếu chiến hơn trong thời gian gần đây. Lý do thứ nhất là Hải quân Trung Quốc đang muốn “khoe cơ bắp” sau khi có hai tàu sân bay, Liêu Ninh và Sơn Đông. Lý do thứ hai là Trung Quốc cũng đang có các vấn đề nội bộ, nên muốn thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc để dư luận trong nước quên đi những khó khăn kinh tế và hậu quả của dịch Covid 19. Thứ ba là việc Trung Quốc gây căng thẳng ở biển Đông để cộng đồng quốc tế quên đi các hành động vô trách nhiệm của Trung Quốc gây ra trong đại dịch Covid 19. Và cuối cùng, Trung Quốc cho rằng đây là cơ hội thuận lợi để họ có thể ra tay, dành thêm những lợi thế trên thực địa ở biển Đông, trước khi xem xét ký kết Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC).
– ThS. Hoàng Việt, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh –
Cuộc chiến dài hạn
Nhận định về các động thái của Trung Quốc vào năm 2020, ông Grossman cho rằng, nước này sẽ tiếp tục các động thái tương tự, bao gồm các cuộc tuần tra, tập trận và hoạt động ngày càng quyết đoán như sử dụng lực lượng dân quân biển để quấy rối ngư dân nước khác ở Biển Đông.
Vì vậy, ông Hoàng Việt cho rằng, Việt Nam cũng cần vận động các cường quốc hỗ trợ các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực. Các cường quốc hải quân nên được khuyến khích duy trì sự hiện diện liên tục ở Biển Đông. Việt Nam phải chuẩn bị cho “một cuộc chiến dài hạn”, bởi các biện pháp ngắn hạn khó có thể mang lại kết quả tích cực, và do đó, các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cần sẵn sàng chơi một “cuộc chiến dài hạn” với Trung Quốc.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cần nêu rõ với các thành viên ASEAN rằng Việt Nam sẽ chỉ chấp nhận một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), trong đó xác định rõ khu vực địa lý được COC điều chỉnh, cơ chế giải quyết tranh chấp có tính khả thi, ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các bên, và mở cửa cho sự gia nhập các quốc gia ngoài khu vực, ông Việt nhấn mạnh.
Theo ông Murray Hiebert, hội nghị đầu tiên của ASEAN đã được hoãn và vẫn còn hy vọng rằng sẽ được tổ chức vào tháng 8. Việc không có cuộc họp ASEAN sẽ khiến các quốc gia như Việt Nam khó khăn trong việc phản đối các hành vi của Trung Quốc. Vì vậy, nếu cuộc họp được tổ chức vào tháng 8 ở Việt Nam, đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam và các quốc gia khác phản đối sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
TTT