Từ thị trấn sương mù tới thủ phủ du lịch Tây Bắc

Tại miền Bắc, ngoài Sa Pa thì có Tam Đảo, là hai thị trấn được lựa chọn nhiều nhất để nghỉ ngơi và du lịch. Với tiềm năng du lịch được đánh giá là lớn hơn Tam Đảo về mặt diện tích, văn hóa, đặc trưng địa phương, Sa Pa dần phát triển mạnh mẽ hơn. Và từ một thị trấn, Sa Pa lột xác thành thủ phủ du lịch Tây Bắc.

Trước đây, khách du lịch đến với Sa Pa phần nhiều chủ yếu đến từ khí hậu, văn hóa – ẩm thực và những khung cảnh hùng vĩ Tây Bắc. Nhưng, Sa Pa bị hạn chế là nằm ở quá xa các đô thị lớn và giao thông đi lại không thuận tiện. Mãi đến cuối năm 2014, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cộng thêm việc mở rộng cải tạo tuyến đường từ Lào Cai đi Sa Pa đã phần nào giải được bài toán này. Năm 2018, quyết định xây cao tốc nối dài từ Lào Cai đến Sa Pa đã được phê duyệt. Năm 2022, lễ động thổ sân bay Sa Pa đã diễn ra. Khi sân bay Sa Pa khánh thành, người dân ở khắp mọi miền đất nước có thể đến thẳng thị xã Tây Bắc này thay vì phải chuyển tiếp đến Nội Bài và di chuyển bằng các phương tiện đường bộ đi lên Sa Pa. Những năm 2000, phải mất 8 – 10 tiếng để đi đến Sa Pa, quãng đường cũng tương đối nguy hiểm, nhưng hiện nay, chỉ mất một nửa thời gian trên và đi lại cũng an toàn, tiện lợi hơn nhiều.

Khi nhắc đến Sa Pa, sẽ nhắc đến Fansipan – đỉnh núi của Đông Dương, một khát khao chinh phục của rất nhiều người yêu thích du lịch Việt Nam. Nhưng quãng đường đi lên Fansipan trước đây gian nan vô cùng khi chỉ dành cho những ai có sức khỏe thực sự tốt, chịu được áp lực và điều kiện sinh hoạt kham khổ để thực hiện một hành trình dài gần 2 ngày. Nhưng, một nỗ lực lớn lao đã kết nối Fansipan lại với Sa Pa thông qua một tuyến cáp treo, đã đưa những du khách dù có tật nguyền, không có sức khỏe tốt, già hoặc trẻ đến với Fansipan, hoàn thành mục tiêu chinh phục “bốn cực, một đỉnh”. Tại Fansipan cũng hình thành nên một khu du lịch chất lượng, tạo ra hàng ngàn việc làm mới, trải nghiệm du lịch mà không nơi nào có…

Hiện nay, du khách có thể chứng kiến Fansipan quanh năm, từ mùa đông tuyết rơi đến mùa hè đầy nắng, có thể trải nghiệm cảm giác bốn mùa trong một ngày tại nơi cao nhất Việt Nam… Có thể chứng kiến biển mây, sương mù, có thể nhìn thấy được những vạt đỗ quyên được bảo tồn tốt như thế nào, có thể tận hưởng cảm giác chào lá cờ Tổ Quốc vào sớm mai… Đó là những cảm xúc mà mỗi người chúng ta nên được trải qua, không những một lần mà còn nhiều lần trong đời.

Năm 2016, cáp treo Fansipan khánh thành. Sang năm 2017, lượng du khách đến Sa Pa tăng lên 60% so với năm trước đó. Năm 2013, doanh thu du lịch Sa Pa chỉ là hơn 500 tỷ đồng nhưng đến năm 2018, doanh thu du lịch đã tăng lên tới 4000 tỷ đồng. Còn con số dự tính của năm 2022 là Sa Pa thu hút 4 triệu khách du lịch, doanh thu du lịch lên tới trên 15 ngàn tỷ đồng và điều tích cực là những con số này hoàn toàn có khả năng đạt được mặc cho những khó khăn về kinh tế, sự hồi phục chậm của du lịch hậu đại dịch.

Một trong những cơ sở để nâng cấp Sa Pa từ một thị trấn trực thuộc huyện biên giới đến một thị xã trực thuộc tỉnh đó chính là sự thay đổi ngoạn mục của thị trấn này về nhiều mặt. Rõ ràng, phải có một sự nỗ lực lớn như thế nào để từ một huyện miền núi với các chỉ tiêu kinh tế xã hội kém phát triển ở những năm 2000 trở thành một thủ phủ du lịch, đời sống nhân dân cải thiện, nhiều công trình tầm cỡ. Và được lựa chọn trở thành kiểu mẫu thành một thị xã du lịch và tầm nhìn có thể trở thành một thành phố du lịch trong tương lai.

Nội dung: Hạ Băng

Đồ họa M.N