+
Aa
-
like
comment

Tử thần rình rập trong những mỏ ngọc ở Myanmar

03/07/2020 09:47

Khai thác ngọc bích trong các hầm mỏ ở Myanmar là một nghề nguy hiểm, khi các công nhân luôn phải đối mặt với nguy cơ sập hầm, sạt lở, nghiện ma túy hoặc lạm dụng tình dục.

Mưa lớn ngày 2/7 khiến bùn thải trên miệng mỏ đá quý ở Myanmar sập xuống khiến hơn 100 người thiệt mạng, bị thương và nhiều người vẫn đang mất tích.

Tai nạn sập hầm mỏ không còn là chuyện mới mẻ ở bang Kachin nói riêng và Myanmar nói chung.

Tu than va te nan tai cac ham ngoc bich Myanmar anh 1
Các công nhân tại một mỏ khai thác ngọc bích ở Hpakant, bang Kachin, Myanmar.

Vùng đất xung đột

Tại một mỏ khai thác ngọc bích trên các ngọn núi ở bang Kachin, phía bắc Myanmar, một người thợ mỏ không thể nào quên cái chết của năm người bạn trong trận lở đất 3 năm trước. “Tôi rất sợ hãi”, anh nói. Trong quá trình làm việc tại những địa điểm từng xảy ra lở đất, anh cho biết đã phát hiện rất nhiều xác chết và cũng từng tự tay chôn cất chúng.

Nghiên cứu của báo Guardian hồi tháng 2/2019 về hoạt động khai thác mỏ ngọc bích tại Myanmar đã hé lộ những góc khuất với hàng loạt vấn đề như vi phạm nhân quyền, tham nhũng, tàn phá môi trường của ngành công nghiệp này. Ngoài ra, môi trường làm việc nhiều nguy hiểm với nguy cơ sạt lở đất hay sập hầm cũng thường xuyên đe doạ tính mạng của những người công nhân trong mỏ.

“Ban đầu tôi rất sợ hãi. Nhưng rồi mọi thứ trở nên tự nhiên hơn. Chúng tôi bắt đầu chấp nhận rằng mình có thể chết bất cứ lúc nào”, một công nhân khác chia sẻ.

Tu than va te nan tai cac ham ngoc bich Myanmar anh 3
Những viên đá ngọc bích trên tay một nhà buôn Myanmar.

Ngành khai thác ngọc bích của nước này ước tính có giá trị hơn 30 tỷ USD mỗi năm, có tiếng là khắc nghiệt với khoảng 300.000 lao động nhập cư tập trung tại các mỏ thị trấn Hpakant.

Quốc hội Myanmar đã thông qua dự luật gây tranh cãi về lĩnh vực đá quý, mở đường cho việc cấp phép lại cho các công ty sau hai năm bị cấm.

Maw Htun Augn, quản lý của Viện Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên Quốc gia Myanmar, bày tỏ lo lắng rằng dự luật sẽ chỉ như một cái cớ để cấp giấy phép khai thác trở lại cho các công ty, trong khi không giải quyết nguyên nhân chính của vấn đề dẫn đến lệnh cấm.

Luật không bao gồm các vấn đề về công khai báo cáo theo dõi của các công ty sở hữu mỏ về vi phạm nhân quyền, phá hoại môi trường và tham nhũng. Đồng thời, luật cũng không giải quyết được các vấn đề về khai thác bất hợp pháp.

Nguồn lợi nhuận hàng tỷ USD mỗi năm từ các mỏ ngọc bích ở Kachin đã châm ngòi cho cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Myanmar và phiến quân Quân đội Độc lập Kachin suốt nhiều thập kỷ qua. Một nhóm khác cũng đang nắm trong tay những hợp đồng khai thác béo bở được trao cho họ để đổi lấy hoà bình từ năm 1994.

Tại đây, hoạt động buôn bán và khai thác ngọc bính đóng vai trò như động cơ thúc đẩy xung đột tại khu vực. Và chỉ khi nào chính phủ đưa ra các quy định đảm bảo phân phối công bằng và minh bạch hơn thì các cuộc đàm phán hoà bình mới có thể thành công, theo Guardian.

Lợi nhuận khổng lồ

Myanmar sản xuất khoảng 70% trữ lượng ngọc bích toàn cầu, với giá trị thị trường là 31 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, 4/5 số lượng ngọc bích khai thác được thường bị buôn lậu ra nước ngoài, chủ yếu tới Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm triệu USD tiền thuế bị mất đi mỗi năm.

Tu than va te nan tai cac ham ngoc bich Myanmar anh 2
Người phụ nữ đánh giá chất lượng ngọc bích khai thác từ khu mỏ ở Hpakant. Ảnh: Hkun Lat/AP.

Nhiều công nhân trong các mỏ khai thác ngọc bích là những lao động chui, không có giấy tờ đăng ký và sống trong lều bạt tạm bợ. Họ đến từ khắp nơi trên đất nước Myanmar, dạt về đây với hy vọng tìm được đường sống.

“Đây là hoạt động phá huỷ môi trường quy mô lớn. Ngoài nguy hiểm luôn rình rập, những người công nhân làm việc tại mỏ còn phải đối mặt với bạo lực, sự vi phạm nhân quyền từ lực lượng bảo vệ, cảnh sát và quân đội”, Steven Naw, đến từ tổ chức Mạng lưới Phát triển Kachin, cho biết.

Sập hầm và sạt lở nghiêm trọng thường xuyên diễn ra tại khu vực hầm mỏ này.

Trong vụ sạt lở bùn đất sáng 2/7 vừa qua tại mỏ khai thác ngọc bích ở Kpakant, đã có 162 thợ mỏ được tìm thấy tử vong và 54 người bị thương đã được đưa đến bệnh viện. Hiện không rõ còn bao nhiêu người đang mất tích.

Tháng 4/2019, vụ sập mỏ đã khiến hơn 60 người thiệt mạng. Trước đó, vào năm 2015, ít nhất 120 người đã bị chôn vùi sao vụ sập hầm tương tự có độ cao đến 60 m.

Ẩn chứa tệ nạn

Theo chia sẻ, cuộc sống tại các mỏ ngọc bích vô cùng tồi tệ với nạn nghiện hút tràn lan, tỷ lệ nhiễm HIV cao và hoạt động mại dâm rất phổ biến.

Một người thợ mỏ ví việc buôn bán heroin tại đây chỉ như bán vé xem phim ngoài chợ, công khai và dễ dàng. Họ không thể kiểm soát bản thân khỏi việc sử dụng chất gây nghiện.

“Không có công việc cho phụ nữ ở Kpakant ngoại trừ làm giúp việc hay làm việc tại các tiệm mát xa”, một phụ nữ trẻ ở đó cho hay. “Những tiệm mát xa này cũng chỉ là bình phong cho các nhà thổ. Rất nhiều phụ nữ bị lạm dụng tình dục.”

“Ở đây, chúng tôi không có sự kiểm soát của chính phủ”, một người khác nói thêm.

Cơ quan chính phủ đã không phản hồi về yêu cầu bình luận đối với vấn đề này.

Việt Linh Nguyễn/ ZFN

Bài mới
Đọc nhiều