+
Aa
-
like
comment

Tu sĩ vi phạm giới luật, pháp luật vẫn bị xử lý như thường!

24/09/2020 15:02

Việc Đại đức Thích Phước Ngọc (thế danh Phạm Văn Cung, sinh năm 1982, đăng ký thường trú chùa Phước Quang, Cô nhi viện Suối nguồn tình thương, số 2 Võ Tuấn Đức, thị trấn Tam Bình, H.Tam Bình, Vĩnh Long) vừa bị Giáo hội Phật Giáo Việt Nam xóa tên tu sĩ trong danh bộ Tăng Ni và thu hồi Chứng điệp thọ giới, chứng nhận Tăng Ni, liên quan đến việc lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn. Sự kiện này thu hút sự quan tâm khá nhiều của dư luận. Sự quan tâm ở đây không phải ở chổ ông thầy tu lừa đảo, chiếm đoạt tiền, mà là chuyện Giáo hội dám xử lý một “chính khách” sai phạm, đang sinh hoạt cài cắm trong lòng Giáo hội.

Chân dung ĐĐ.Thích Phước Ngọc – tu sĩ vừa bị Kỷ luật, cho hoàn tục.

Chuyện “lột áo” – xóa tư cách tu sĩ đối với Đại đức Thích Phước Ngọc không phải là đơn giản. Bởi, ngoài thân phận là Quan chức trong hàng ngũ GHPGVN, Đại đức Thích Phước Ngọc còn mang thân phận một “chính khách”. Đại đức Thích Phước Ngọc là đặc phái viên quốc tế tại Ủy ban tuyên dương khen thưởng Giáo dục Phật giáo Chính phủ Sri Lanka (International envoy to Sri Lanka government Buddhist Commendation Committee), với đạo hiệu Master Dhammananda Thero, theo Quyết định của Bộ Giáo dục Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka. Ngoài ra, Đại đức Thích Phước Ngọc cũng là Chủ tịch Trung tâm Isuru Sevana theo Quyết định ngày 16/02/2020 của Bộ Chăm sóc Trẻ em thuộc Nội các Chính phủ Sri Lanka bổ nhiệm. Với sự bổ nhiệm này, Đại đức Thích Phước Ngọc trở thành tăng sĩ người Việt đầu tiên được suy cử và bổ nhiệm đảm đương chức vụ trọng yếu tại Sri Lanka.

Với quyết định Kỷ luật cho hoàn tục đối với ĐĐ.Thích Phước Ngọc, người dân nói chung và tín đồ Phật giáo nói riêng nhìn thấy, sự nỗ lực, nghiêm minh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong việc chấn chỉnh, loại Tu sĩ phạm giới nghiêm trọng ra khỏi Tăng đoàn, giữ gìn giới luật, xiển dương “niềm tin” cho tín đồ. “Lột áo” – tẩn xuất, xóa tư cách tu sĩ với Đại đức Thích Phước Ngọc là bước đầu, dọn đường cho công tác khởi tố, truy tố cá nhân này, nếu có.

Phải xác định, để có được kết quả như hiện nay, Trung ương GHPGVN hẳn đã làm công tác ngoại giao, đối thoại và đề xuất các cơ quan chức năng Nhà nước, và cả phía lãnh sự quán Sri Lanka tại Việt Nam, Bộ Phật giáo Sri Lanka, Chính phủ Sri Lanka, để được “bật đèn xanh” xử lý tu sĩ Thích Phước Ngọc. Thời gian để “hoàn thành” các công tác này không dưới 1 năm, đây là quá trình nhiêu khê và nhiều đơn thư, báo cáo, họp trực tiếp được diễn ra.

Thứ đến, từ đây, người dân cũng ngầm hiểu được rằng, luật pháp luôn được thực thi một cách đúng nghĩa tại Việt Nam. Bất cứ cá nhân nào, dù là tu sĩ, công dân Việt Nam hay là người có 2 quốc tịch, chính khách đi chăng nữa, khi sai phạm trên đất nước Việt Nam thì đều sẽ bị xử lý nghiêm minh! Tinh thần thượng tôn pháp luật tại Việt Nam càng được thể hiện rõ nét từ sự kiện xử lý sai phạm của Tăng Phước Ngọc này.

Đại đức Thích Phước Ngọc (thể danh Phạm Văn Cung) với trang phục đời thường

Từ sự kiện này, Trung ương Giáo hội cũng bắt đầu rốt ráo, sốt vó và quan tâm nhiều hơn khi đề nghị Ban Trị sự, Ban Tăng sự các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động của Tăng Ni, tự viện trên địa bàn, trong đó có các cơ sở từ thiện, nuôi trẻ mồ côi ở các tự viện. Một hành động tuy chậm nhưng “có còn hơn không”. Cái chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” nó diễn ra nhan nhãn hàng ngày trong hệ thống chính quyền và trong cuộc sống, chứ không riêng gì Giáo hội Phật giáo.

Thật ra, những sự việc đáng tiếc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như Đại đức Phước Ngọc, sự lưu manh ẩn trong người tu sĩ sẽ không trở thành u nhọt, diễn biến và thậm chí không có cơ hội diễn ra, nếu như Phật tử biết hoài nghi và Giáo hội Phật giáo có cơ chế quản lý chặt chẽ tu sĩ của mình, không phải để những ai khoác cái áo “rộng” rồi muốn làm gì thì làm!

Chợt nhớ lời Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói “Đừng thấy đỏ tưởng là chín”, và lời các cụ nhà mình răng dạy “lấp lánh chưa hẳn là vàng”. Không phải một người chuyên làm việc từ thiện thì tất cả đều là tốt, 100 việc làm tốt mà lồng vào đó 1 việc bất thiện, xảo trá, lừa đảo thì hành vi sai đó cũng không được phép đánh đồng, hay cho phép “ngã màu”, cho qua.

Xử lý sai phạm của Thích Phước Ngọc, với hình thức nặng nhất của Tăng đoàn- tước Tăng tịch, đây được xem là “tiếng trống lệnh” của Giáo hội Phật giáo mở đường, cho việc xử lý các hành vi sai phạm khác của một số Tu sĩ quan chức đang giữ ghế trọng trong hệ thống quản lý, các cấp điều hành của Giáo hội Phật giáo.

Loại ra khỏi Tăng đoàn những tu sĩ biến chất, vi phạm giới luật là một trong những cách duy trì giới luật, để tu sĩ sống trong giới luật, cũng là thọ mạng mạch của Phật pháp. Giới luật còn, thì Phật pháp còn! Về quyết sách này của Giáo hội, hẳn sẽ nhận được sự ủng hộ, tán đồng của số đông quần chúng, Phật tử.

Nguồn: FB/Ngàn Dặm Không Mây

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều