Từ Sài Gòn đi về Cà Mau bằng đường ven biển
Nhiều địa phương tại vùng Tây Nam Bộ đang tích cực đầu tư, phát triển tuyến đường duyên hải miền Tây nhằm kết nối các địa phương trong khu vực, đặc biệt là “kéo” vùng Tây Nam Bộ về gần TP.HCM hơn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực này.
Và việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, đồng thời khẳng định sẽ ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch 2021 – 2025 nhằm đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó có tuyến đường duyên hải Tây Nam Bộ… là tin vui đối với nhiều địa phương khu vực này.
TP.HCM đi Bến Tre còn 50km?
Trước đó, tại Hội nghị thường trực HĐND các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ tổ chức ở Long An ngày 11- 7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu các tỉnh ĐBSCL ngồi lại với nhau để cùng phát triển con đường duyên hải miền Tây nối từ TP.HCM đến thị xã Hà Tiên (Kiên Giang). Bởi đây là tuyến đường không chỉ phù hợp với việc phòng chống, xử lý các tình huống biến đổi khí hậu, phục vụ an ninh quốc phòng, mà còn rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế của địa phương.
“Từ biển Bến Tre chỉ đi khoảng 50km là đến TP.HCM. Nếu việc nối kết này xuyên suốt thì khu vực biển Bến Tre sẽ rất phát triển về du lịch. Tôi đã đi dọc theo các tuyến đường ven biển, từ Vũng Tàu ra Bình Thuận, Ninh Thuận đến Khánh Hòa, rõ ràng các con đường này hình thành đã thay đổi các địa phương đó rất nhiều”, bà Ngân nói.
Trên thực tế, tuyến đường ven biển miền Tây đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2010, với tổng cộng 737,2km tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Đây là những tuyến đường không nối kết với nhau tại các cửa sông. Bởi với địa thế có quá nhiều cửa sông rộng, sự nối kết xuyên suốt các tuyến đường ven biển giữa các tỉnh duyên hải miền Tây sẽ khó khăn và cần vốn hơn rất nhiều trong tương lai.
Tuy nhiên, trong 10 năm qua, nhiều địa phương đã tăng cường phát triển đường nội tỉnh tại các vùng biển “hoang vu phù sa”, mở ra nhiều hướng phát triển kinh tế quan trọng, tạo các khu du lịch biển cũng như vạch thêm nhiều tuyến đường chính nối kết đưa biển miền Tây về “gần hơn” với TP.HCM.
Để có thể kết nối thông suốt tuyến đường ven biển, khắc phục các đoạn có cửa sông lớn, các địa phương tính toán mở thêm đường sâu trong đất liền, hoặc kết nối tuyến đường ven biển với các tuyến đường sâu trong nội địa.
Ông Trần Văn Bon – giám đốc Sở GTVT Tiền Giang – cho biết địa phương này sẽ phối hợp với Bến Tre khảo sát hướng tuyến cho tuyến đường nằm ven biển để bổ sung vào quy hoạch về mạng lưới đường bộ từ nay cho đến năm 2030.
Dự kiến tuyến đường ven biển của Tiền Giang sẽ được nối với Long An trước khi vượt sông Tiền. Tuyến đường này cũng kết nối vào tuyến đê biển hiện hữu của Bến Tre, vượt qua sông Ba Lai và sau đó là sông Cổ Chiên để đi qua Trà Vinh.
Riêng Bến Tre, tuyến đường ven biển, hình thành một số đoạn quan trọng dựa trên tuyến đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại – Ba Tri – Thạnh Phú, do thường trực HĐND tỉnh Bến Tre thống nhất chủ trương đầu tư dự án vào năm 2018, với tổng mức đầu tư khoảng 857 tỉ đồng.
Đến nay, Bến Tre đã thực hiện một số hạng mục như đầu tư nâng cấp tuyến đê đi qua địa bàn 3 huyện Bình Đại – Ba Tri – Thạnh Phú với tổng chiều dài 38,7km, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 (2018 – 2020) khoảng 288 tỉ đồng.
Trong tương lai, khi tuyến đường duyên hải miền Tây xuyên suốt, du khách đi từ TP.HCM tham quan mũi Cà Mau có thể hoàn toàn chọn quê hương “công tử Bạc Liêu” hoặc ghé vào thị trấn Gành Hào để “nghe điệu hoài lang” trước khi tiếp tục hành trình.
Khi đã đến điểm cực Nam của Tổ quốc, du khách hoàn toàn có thể nghĩ đến việc “đi chơi biển Tây”. Thay vì đi từ TP Cà Mau qua TP Rạch Giá (Kiên Giang) theo quốc lộ 63 như hiện nay, du khách có thể chọn đường men theo đê biển Tây, theo các tuyến đường U Minh Hạ (Cà Mau) đến vùng “Miệt Thứ” (từ Thứ Nhứt thuộc huyện An Biên tới Thứ 11 thuộc huyện An Minh) của tỉnh Kiên Giang, về TP Rạch Giá.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng – giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang, địa phương này đang tiếp tục hoàn thiện một cung đường dài khoảng 200 km từ cảng cá Xẻo Nhàu (huyện An Minh) dọc theo biển Tây, qua TP Rạch Giá đến TP biên giới Hà Tiên.
Đến nay, tuyến đường từ TP Rạch Giá đến Hòn Đất dài khoảng 28km với tổng kinh phí 700 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương đã hình thành theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, mặt đường rộng 9m, hành lang an toàn giao thông 2 bên rộng 3m.
“Giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến sẽ tiếp tục xây dựng đoạn ven biển từ Hòn Đất đi Kiên Lương. Ước tính kinh phí nối liền toàn bộ tuyến ven biển Tây Nam dài khoảng 200km sẽ lên tới khoảng 5.000 tỉ đồng”, ông Dũng cho biết.
Một lãnh đạo ngành du lịch Kiên Giang cho biết trong khi vùng Hà Tiên – Kiên Lương – Giang Thành (cũng là huyện biên giới giáp với Campuchia) nổi tiếng với trái thanh trà, lụa, nghêu và cá biển…, vùng An Biên – An Minh của Kiên Giang lại nức tiếng bởi tôm, cua, sò huyết. Chưa hết, hàng loạt điểm du lịch đặc trưng trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận cũng là điểm đến không thể bỏ qua với du khách.
“Chẳng hạn, Hà Tiên có núi Đá Dựng, hang Thạch Động với truyền thuyết Thạch Sanh chém chằn tinh cứu công chúa, chùa Phù Dung, lăng Mạc Cửu – khai trấn quốc công… Ở Ba Hòn có quần thể di tích – danh thắng cấp quốc gia đang được trùng tu, khôi phục là núi Mo So – chùa Hang – hòn Phụ Tử. Ở Hòn Đất có mộ chị Sứ, chùa Hòn Quéo. Giữa 2 huyện An Biên – An Minh có Vườn quốc gia U Minh Thượng… Đây đều là những điểm đến hấp dẫn, chắc chắn sẽ thu hút thêm nhiều du khách sau khi hạ tầng giao thông được hoàn chỉnh, việc đi lại thuận tiện hơn”, vị này khẳng định.
Hợp nhất duyên hải vùng sông Tiền – sông Hậu
Cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng dự án cầu Đại Ngãi (dài 15,2km, bao gồm việc xây dựng cầu Đại Ngãi 1, cầu Đại Ngãi 2 và đường dẫn) bằng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Dự án có điểm đầu giao với quốc lộ 54 tại huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) và điểm cuối giao với đường Nam sông Hậu, huyện Long Phú (Sóc Trăng).
Ông Trần Văn Chuyện – chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng – cho biết từ khi được thông xe, tuyến đường Nam sông Hậu trở thành lá chắn phòng thủ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn cho các địa phương ven sông Hậu, ven biển và gánh vác việc vận chuyển hàng hóa nông sản, giúp việc đi lại của người dân được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo ông Chuyện, hạ tầng giao thông đường bộ và đường thủy ở ĐBSCL còn yếu, chưa đồng bộ nên không tương xứng với tiềm năng kinh tế của vùng trọng điểm lúa – thủy sản, cây ăn trái của cả nước.
“Một khi cầu Đại Ngãi qua sông Hậu được hoàn thành, sẽ kết nối TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh với Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu qua quốc lộ Nam sông Hậu, giảm áp lực giao thông cho quốc lộ 1. Tiếc là tiến độ triển khai chậm, người dân miền Tây đang chờ ngày thông xe nối điểm cuối hai bờ sông Hậu”, ông Chuyện nói.
Thêm cầu đường kết nối Long An với TP.HCM
Trước đó, UBND tỉnh Long An từng đề nghị trung ương xem xét, bố trí nguồn vốn trung hạn 2021 – 2025 để đầu tư thêm 3 cây cầu vượt sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây để kết nối vùng phía đông tỉnh Long An với trung tâm TP.HCM. Trong 5 năm qua, từ khi cầu Mỹ Lợi được thông xe, nối ranh TP.HCM với Tiền Giang chỉ còn 25km, 2 huyện vùng hạ nơi cửa sông Soài Rạp (Long An) là Cần Giuộc và Cần Đước đã “trở mình”, phát triển mạnh. Tuy nhiên, tuyến đường này cũng đang chịu nhiều áp lực lưu thông, thường xuyên ùn ứ xe vào những dịp lễ, tết.
Do đó, ông Phạm Văn Cảnh – phó chủ tịch UBND tỉnh Long An – cho biết địa phương này đã quy hoạch thêm 2 tuyến đường 826C và 826D (đường Tân Tập – Long Hậu) để hỗ trợ thêm cho quốc lộ 50 trong việc nối kết từ TP.HCM qua Long An xuống đến Tiền Giang trong tương lai. “Đây cũng là khu vực quan trọng trong phát triển kinh tế khi cảng quốc tế Long An đã đi vào hoạt động, dự án nhà máy điện nhiên liệu khí hóa lỏng được quy hoạch cũng như nhiều dự án khu du lịch đang được triển khai thu hút đầu tư. Khi các đường ven biển các tỉnh miền Tây được hoàn thiện, các tuyến đường này càng cần thiết thêm để kết nối”, ông Cảnh nói.
S.LÂM – M.TRƯỜNG – K.TÂM – K.NAM/TT