+
Aa
-
like
comment

Từ ngày 1/7/2020, học sinh Tiểu học cả nước được miễn học phí

08/07/2020 11:23

Từ ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực, theo đó, luật quy định học sinh Tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; học sinh trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền học phí.

Từ ngày 1/7/2020, học sinh Tiểu học được miễn đóng học phí.

Cụ thể, điều 99 về học phí, chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo như sau: Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Cụ thể, điều 14 ghi rõ:

1. Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc.

Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

2. Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.

3. Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

4. Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

Và điều 99 về học phí, chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo như sau:

– Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

– Trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí.

– Trẻ em mầm non 05 tuổi không thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều này và học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Ngoài ra, cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Thực hiện công khai chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo và mức thu theo cam kết trong đề án thành lập trường, công khai cho từng khóa học, cấp học, năm học theo quy định của pháp luật.

Từ ngày 1/7/2020, học sinh Tiểu học được miễn đóng học phí.

Cũng liên quan đến học phí, để tạo điều kiện thuận lợi cho người học, Nhà nước còn có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Bên cạnh các quy định mới về học phí, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 cũng có nhiều điểm mới như nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học từ cao đẳng lên đại học, luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13.

Bên cạnh đó, Luật Giáo dục 2019 cũng có nhiều thay đổi với đội ngũ giáo viên. Cụ thể, sẽ không tuyển giáo viên có trình độ trung cấp, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS, THPT có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên (thay vì chỉ cần có bằng trung cấp với giáo viên mầm non và tiểu học, cao đẳng với giáo viên THCS như hiện nay).


Học sinh tiểu học học tại các trường tư thục được xem xét hỗ trợ học phí. Ảnh: Huyên Nguyễn

Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên được thực hiện từ ngày 1.7.2020 đến hết ngày 31.12.2030 với 2 giai đoạn: Từ 1.7.2020 đến hết ngày 31.12.2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp.

Từ 1.1.2026 đến hết 31.12.2030, thực hiện nâng chuẩn đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên của các cơ sở giáo dục đạt trình độ chuẩn theo quy định.

Nguyễn Anh

Bài mới
Đọc nhiều