+
Aa
-
like
comment

Từ “Kinh đô ánh sáng” đến kinh đô khói lửa

Bảo Trâm - 05/07/2023 18:37

Tổng thống Macron đang mất quyền kiểm soát nước Pháp. Hàng ngàn vụ bắt giữ. Trường học, trung tâm cộng đồng, tòa thị chính, khu liên hợp thể thao, bưu điện bị đốt cháy. Cướp bóc xảy ra từ siêu thị Lidl đến cửa hàng Zara, Apple Store.

Biểu tình, bạo loạn bùng phát trong những ngày qua ở Pháp sau vụ cảnh sát sáng 27/6 bắn chết một thiếu niên 17 tuổi gốc Bắc Phi, vì không tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát khi tham gia giao thông. Vụ việc đã gây ra làn sóng phẫn nộ và biến thành các vụ bạo loạn nhanh chóng lan rộng trên khắp nước Pháp. Khoảng 45.000 cảnh sát được triển khai và hàng trăm người bị bắt giữ. Tổng thống Emmanuel Macron đã hoãn chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức để xử lý cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi các cuộc biểu tình “Áo vàng” làm tê liệt phần lớn nước Pháp vào cuối năm 2018.

Và, sau 5 ngày bạo loạn trên khắp nước Pháp, ngày càng có nhiều ý kiến ​​cho rằng tình hình hiện nay phần lớn là kết quả của gần một phần tư thế kỷ các chính phủ điên rồ đã bỏ bê luật pháp và trật tự thiết yếu.

Đoạn video lan truyền trên mạng về vụ cảnh sát bắn chết chàng trai 17 tuổi Nahel Merzouk đã gây sốc cho phần lớn người dân Pháp. Trong video này, người ta có thể thấy Merzouk bị cảnh sát chặn lại và cậu dường như đang lắng nghe những cảnh sát nhưng đổi lại cậu bị cảnh sát lạnh lùng bắn thẳng vào người.

Cuộc tuần hành của 6.000 người phản ứng với vụ việc trên vào ngày hôm sau đã kêu gọi “công lý” cho chàng thanh niên trẻ. Cuộc tuần hành được coi là hoàn toàn hợp pháp cho đến khi nó leo thang một cách thảm hại, theo kiểu đã quá quen thuộc. Bạo loạn, những lời buộc tội kích động (về phân biệt chủng tộc của nhà nước, rằng “họ” muốn giết “chúng ta”) và sau đó là những hành động kích động theo đúng nghĩa đen: đốt phá, gây rối, phá hoại từ nhà chờ ở bến xe buýt đến các dãy cửa hàng, nhà trẻ, nhà ở xã hội. Và trộm cắp ở khắp mọi nơi – tài sản tư nhân và công cộng; bừa bãi; từ một phong sáu hộp sữa tách béo đến đồng hồ, đồ trang sức, giày Nike, xe đẩy em bé.

Trong khi nhiều cư dân ở những vùng ngoại ô nói rằng họ hiểu sự tức giận đã gây ra tình trạng bất ổn, họ cũng lên án bạo lực – vốn đã biến từ một cơn thịnh nộ bùng phát tập trung ở vùng ngoại ô Paris thành một làn sóng bạo lực rộng lớn hơn đi kèm với cướp bóc.

“Khi một người cướp cửa hàng Foot Locker, cửa hàng Lacoste hoặc cửa hàng Sephora, không có thông điệp chính trị nào ở đây cả”, ông Olivier Veran, phát ngôn viên của chính phủ Pháp, cho biết hôm 2/7.

Bộ trưởng Tư pháp Pháp Eric Dupond-Moretti, trong khi phát biểu với đài truyền hình France Inter hôm 2/7, đã chỉ rõ rằng một số người chỉ lấy vụ việc làm “cái cớ” để thực hiện hành vi bạo lực.

Những kẻ bạo loạn đã đốt hàng nghìn ô tô, tấn công hàng trăm tòa nhà – bao gồm đồn cảnh sát, trường học, doanh nghiệp và tòa thị chính – cướp phá các siêu thị và cửa hàng, đồng thời đụng độ đêm này qua đêm khác trong gần một tuần với cảnh sát ở các thành phố trên khắp đất nước.

Ước tính đầu tiên của các công ty bảo hiểm đưa ra hôm 1/7 cho thấy mức thiệt hại hơn 100 triệu Euro (109 triệu USD), và chắc chắn con số này chưa phải là con số cuối cùng. Bạo lực bùng nổ đã nhấn mạnh sự chia rẽ rõ rệt trong xã hội Pháp.

Khi bạo loạn nổ ra, tôi đang ở Tocqueville Conversations, một hội nghị về xung đột Ukraine-Nga. Ở đó, người Đông Âu – người Ba Lan, người Ukraine, người Nga di cư, cùng với người Anh, người Pháp, người Mỹ và người Tây Ban Nha – theo dõi với sự hoài nghi ngày càng tăng về sự tàn phá bừa bãi như vậy ở một đất nước hòa bình. “Họ đang phá hủy hiệp ước xã hội cần thiết cho nền dân chủ”, một nhà sử học và nhà địa chiến lược nổi tiếng người Ba Lan trầm ngâm cho biết. Chúng tôi đã thảo luận về chi phí để châu Âu tái thiết Ukraine sau chiến tranh: người Pháp trong số chúng tôi bắt đầu lo lắng về chi phí xây dựng lại các phần của Marseille, Lens, Bordeaux, Paris.

Sự phá hoại đã được dung thứ ở Pháp trong khoảng một phần tư thế kỷ. Nó bắt đầu từ dưới thời Tổng thống Chirac. Càng ngày, xu hướng càng diễn ra theo chiều hướng phần cuối của các cuộc biểu tình và tuần hành là những hành vi phá hoại lan tràn bởi những kẻ cướp bóc sớm được biết đến với cái tên “casseurs”, bởi vì họ thường phá vỡ cửa sổ của những cửa hàng cũng như phá hoại những thứ mà họ không thể lấy trộm. Cảnh sát ngày càng ít giao thiệp với lực lượng này hơn, chủ yếu là để tránh bị cáo buộc là thực hiện hành vi đàn áp biểu tình một cách tàn bạo có hệ thống — cho đến khi kiệt sức, họ đáp trả mạnh mẽ, gây ra một chu kỳ mới của bạo lực và đàn áp trong lòng nước Pháp.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều