+
Aa
-
like
comment

Từ kiến nghị của Bộ Công thương đến cam kết tại COP26

Khánh Đăng - 24/09/2022 15:51

Mới đây, Bộ Công Thương vừa gửi kiến nghị Thủ tướng duy trì hiệu lực các quyết định phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Vốn là một vấn đề luôn gây tranh cãi trong vài thập niên trở lại đây, quan điểm trên của Bộ Công Thương cũng đã nhận được không ít đồng tình và cả những phản đối.

Bộ Công Thương sẽ vẫn giữ quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bản kiến nghị lần này gửi đến Thủ tướng Chính phủ có thể được coi là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của ban lãnh đạo Bộ Công Thương nói chung và những người có chuyên môn nói riêng xoay quanh câu hỏi, nên hay không nên tiếp tục duy trì mô hình sản xuất điện bằng năng lượng hạt nhân.

Bắt đầu từ năm 2016, Quốc hội khoá XIV đã tạm dừng chủ trương thực hiện, đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đến nay, các vấn đề về quy hoạch của dự án ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế của người dân vẫn chưa được giải quyết, làm ảnh hưởng tới thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Không những thế, trước sự cạn kiệt của các nguồn năng lượng tự nhiên (thuỷ điện, nhiệt điện) và đặc biệt là trước yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngày càng cao của thời đại, một lần nữa, người ta không thể bỏ qua ưu thế của năng lượng hạt nhân. Do đó, chúng ta cần phân biệt rõ giữa quyết định tạm dừng và huỷ bỏ. Bởi nếu chỉ tạm dừng để điều chỉnh, kiểm tra thì được, nhưng huỷ bỏ hoàn toàn một dự án đã trải qua nhiều năm đầu tư nhân lực và vật lực thì quả là rất tốn kém, lãnh phí.

Việc Bộ Công Thương kiên quyết không bỏ quy hoạch địa điểm điện hạt nhân Ninh Thuận một lần nữa cho thấy tín hiệu đáng mừng trong công tác tham mưu của Chính phủ. Vì tầm chiến lược của năng lượng đến sự phát triển của đất nước thời gian tới. Vì trước sau gì chúng ta vẫn phải có điện hạt nhân mới đủ sức vận hành một nền kinh tế năng động, linh hoạt vào loại nhất nhì Đông Nam Á. Một xã hội Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay sẽ là không đủ nếu chúng ta vẫn duy trì việc sử dụng các loại năng lượng hoá thạch.

Nhìn sang Nhật Bản ta sẽ thấy, mặc dù nước này đã trải qua một cuộc khủng hoảng về hạt nhân sau sự kiện động đất và sóng thần tại Fukushima vào năm 2011, thiệt hại có thể lên đến hàng tỷ USD. Nhưng hãy nhìn mà xem, họ vẫn duy trì và thậm chí xây dựng thêm hàng chục nhà máy điện hạt nhân khác trên khắp lãnh thổ của mình sau gần một thập kỷ diễn ra thảm hoạ. Họ có sợ hãi trước tác hại của hạt nhân không? Tất nhiên là có. Nhưng thứ khiến họ sợ hãi hơn có lẽ đến từ sự cạn kiệt của tài nguyên thiên nhiên và chi phí năng lượng tăng cao thời gian gần đây. Chính quyền Thủ tướng Kishida đã buộc phải thay đổi nhận thức về chính sách năng lượng để phù hợp với tình hình mới.

Một số lò phản ứng điện hạt nhân ở tỉnh Fukui, Nhật Bản – Ảnh: KYODO

Trong tương lai, để thực hiện cam kết ở Hội nghị COP26, các quốc gia phải phát triển năng lượng tái tạo và tính đến điện hạt nhân như một nguồn năng lượng “nền” đủ mạnh, đủ linh hoạt (nhưng phải đảm bảo tính an toàn của hệ thống). Ngoài ra, Việt Nam còn phải phát triển năng lượng sạch, trong đó có năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Tuy nhiên, để khai thác được nguồn năng lượng tái tạo này nhất thiết phải có một nguồn nền ổn định. Với bối cảnh Việt Nam hiện nay, các nguồn điện truyền thống như nhiệt điện, thủy điện gần như đã hết dư địa để phát triển vì thế xu hướng tất yếu đến một lúc nào đó chúng ta cũng phải tính đến điện hạt nhân.

Là một trong những quốc gia có tiếng nói khá cao tại COP26, cũng như nhận được nhiều tín nhiệm của cộng đồng quốc tế về kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần phải có các tính toán kĩ lưỡng. Năng lượng hạt nhân, do đó, cũng phải nằm trong những tính toán chiến lược ấy. Mặc dù là một nguồn năng lượng sạch, ổn định, giúp đảm bảo an ninh năng lượng và không phải phụ thuộc vào bất kỳ nguồn nhiên liệu hoá thạch nào, đồng nghĩa với việc không bị những yếu tố tác động từ bên ngoài quốc gia (căng thẳng chính trị, đứt gãy nguồn cung…), ..nhưng nó cũng rất nhạy cảm và tiềm tàng nhiều nguy cơ nếu thiếu kiến thức, năng lực quản lý. Vì thế, đầu tư cho hạt nhân phải đồng thời với đầu tư con người, phương tiện kiểm soát sức mạnh của nguồn năng lượng đó.

Có thể nói, điện hạt nhân là xu thế tất yếu của sự phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, sử dụng và quản lý nguồn năng lượng này như thế nào cho hiệu quả lả cả một câu chuyện dài đang chờ ta phía trước.

Khánh Đăng

Bài mới
Đọc nhiều