Từ “Hội giúp binh sĩ tử nạn” cho đến “Ngày thương binh liệt sĩ” hàng năm
Lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đau thương và hào hùng, không có một khó khăn nào, không có một hiểm họa từ kẻ thù hung bạo nào có thể khiến cho dân tộc gục ngã. Chúng ta có thể chết trong đau thương, hy sinh và ngã xuống nhưng tuyệt đối không bao giờ đánh mất độc lập, chủ quyền của nước nhà.
Những năm tháng hòa bình, có đôi khi chúng ta đã bận tâm đến tương lai mà quên đi quá khứ. Máu đã đổ xuống, một thế hệ đã ra đi. Như giống khoai tây đến kì sinh trưởng, tự trong thân của nó đã phải ép chất dinh dưỡng để mọc lên sự sống tiếp theo, cha ông ta đã dùng máu để chúng ta bước tiếp những tháng ngày tươi đẹp vì tổ quốc sau này.
Ngày 27/7 – ngày Thương binh liệt sĩ, dịp để chúng ta cùng nhìn lại, cùng biểu dương và tỏ lòng biết ơn đến những người anh hùng đã có công với cách mạng. Trong ngày này, chúng ta dành thời gian để tìm hiểu về lịch sử đã qua cũng như những nỗi đau mà người chiến sĩ hy sinh không có gì có thể bù đắp được.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đánh dấu bước ngoặt nước Việt Nam chính thức có tên trên bản đồ thế giới và là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tuy nhiên, theo như Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói về âm mưu thôn tính nước ta một lần nữa, Pháp đã thay thế Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ, chúng quay trở lại để xâm lược nước ta. Với một quốc gia non trẻ như Việt Nam, nền kinh tế kiệt quệ, dân không có đủ ăn, nạn đói năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2 triệu người, còn gì khó khăn hơn lúc này. Trước khi chúng ta chết vì quân thù, nạn đói đã hành hạ người dân cả nước.
Biến đau thương thử thách bằng sức mạnh, không khí kháng chiến bao trùm lên cả nước. Quân và dân ta hết thảy đều sôi sục trong cuộc chiến đấu mang tính quyết định đến vận mệnh của quốc gia. Kiên quyết bảo vệ đến cùng thành quả của cách mạng, giữ gìn độc lập tự do của nước nhà. Chúng ta bằng lòng quyết tâm đã dùng hết tất cả tính mạng, của cải, sức mạnh của mình để chiến đấu anh dũng tại những nơi có thực dân Pháp chiếm đóng. Thiệt hại về người và của, nhiều chiến sĩ đã nằm xuống vĩnh viễn, nhiều chiến sĩ trở thành thương binh mang trong mình những thương tích không thể xóa nhòa. Cả dân tộc bao trùm bởi nỗi đau, nhiều gia đình mất con cái, nhiều bà mẹ lần lượt mất đi chồng và những đứa con trai không hẹn ngày trở về. Nhiều người vợ trẻ chẳng được hưởng hạnh phúc bao lâu thì sóng gió ập đến.
Để tưởng nhớ đến những chiến sĩ đã hy sinh và bị thương tích sau chiến tranh, đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn, sau đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương, được thành lập tại Hà Nội, Thanh Hóa và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hội trưởng danh dự của Hội giúp binh sĩ tử nạn. Ngày 11/7/1946, Hội đã tổ chức quyên góp hiện vật quần áo, giày dép, mũ… cho các chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận trong cuộc vận động “mùa đông chiến sĩ”. Nghĩa cử cao đep đã sưởi ấm phần nào sự lạnh lẽo và cô đơn của các chiến sĩ trên chiến trường xa xôi.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào tháng 12/1946, lúc này, số chiến sĩ hy sinh và bị thương tăng lên, đời sống của các chiến sĩ gặp vô vàn khó khăn. Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ gia đình các liệt sĩ và thương binh. Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội phụ nữ cứu quốc, Cục chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, nhà thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã tổ chức cuộc họp tại Đại Từ (Bắc Thái). Sau khi đã cân nhắc, hội đưa ra quyết định đề nghị lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh liệt sĩ, cũng như là ngày kỷ niệm để cả dân tộc tỏ lòng biết ơn các anh hùng chiến sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp của cả dân tộc. Cuộc mít tinh đánh dấu một sự kiện quan trong với 2000 người tham gia tại Thái Nguyên và Hội đã trịnh trọng đọc lá thư của chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương các anh hùng liệt sĩ.
Cũng từ đây, ngày 27/7 hàng năm là ngày cả nước tổ chức tưởng niệm các thương binh liệt sĩ và biết ơn đến gia đình có công với cách mạng. Trong ngày này, các tổ chức đoàn thể, chính quyền tổ chức lễ tri ân, tặng quà và đến thăm các bà mẹ Việt Nam anh hùng> Thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, cả nước tuyên dương và ngợi khen các anh hùng liệt sĩ và giúp đỡ các gia đình có truyền thống yêu nước.
Noi theo tấm gương của Bác Hồ, chính Bác luôn đi đầu trong việc tuyên dương và đóng góp, giúp đỡ các anh hùng liệt sĩ, thương binh cách mạng, bằng những chiếc áo lụa, bằng tiền lương, bằng những bữa cơm thân mật, Đảng và Nhà nước hàng năm vẫn trích ngân quỹ để giúp đỡ người có công với cách mạng.
Trong năm 2013, Nhà nước đã dành trên 30.000 tỷ đồng để thực hiện chế độ ưu đãi này và ngày càng tăng so với các năm trước. Đồng thời, vận động toàn dân cùng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, những gia đình có công với cách mạng bằng những hành động cụ thể, thiết thực như đóng góp tiền mặt, vật chất, quần áo mới, giúp đỡ các gia đình xây sửa nhà cửa và có cuộc sống tốt hơn về mặt vật chất và tinh thần. Đúng như truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay, việc chúng ta thể hiện sự quan tâm, chăm sóc biết ơn đến những cá nhân, gia đình có công với đất nước là một điều tuyệt vời và cần phải hoàn thiện hơn nữa trong những nghĩa cử cao đẹp. Từ “Hội giúp binh sĩ tử nạn” cho đến ngày “Thương binh liệt sĩ” 27/7 cho thấy sự quan tâm, tầm nhìn của Bác cũng như của Đảng đối với người chiến sĩ trong đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Han Cao
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả