+
Aa
-
like
comment

Từ “hiện tượng lạ” trong đợt đăng ký xét tuyển đại học năm nay 

Quỳnh Mint - 24/08/2022 16:18

Chiều 22/8, sau khi tiếp nhận phản ánh của nhiều thí sinh về việc nhầm lẫn, sai sót trong quá trình đăng ký nguyện vọng, Bộ GD&ĐT đã quyết định mở lại hệ thống đăng ký nguyện vọng đến hết 17h00 ngày 23/8. Tuy đây đã là cơ hội cuối cùng để các sĩ tử đưa ra lựa chọn quan trọng cho tương lai của mình, song chỉ có thêm gần 4.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong số 325.000 thí sinh. 

Năm nay, có đến hơn 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống.

Việc một số lượng không nhỏ thí sinh quyết định không đăng ký nguyện vọng xét tuyển đã làm dấy lên một câu hỏi lớn rằng liệu các em có đang thực sự nghiêm túc và có trách nhiệm với quyết định của mình. Tuy nhiên, nhiều người lại nhận định rằng xu hướng không lựa chọn học đại học hay cao đẳng hiện nay là một bước đi phù hợp với thời thế.

Tuy học đại học không phải con đường duy nhất dẫn con người ta đến thành công, nhưng từ trước đến nay vẫn được coi là con đường danh giá và ổn định nhất. Từng có thời điểm, người ta tranh cãi nhau đến “sứt đầu mẻ trán” chỉ vì việc khuyên người trẻ chọn học hay không học đại học. Cuối cùng, phần thắng tạm nghiêng về phía những người ủng hộ, vì ít nhất nó sẽ giúp mỗi người có cơ hội rèn giũa bản thân trong một bầu không khí học thuật đầy nghiêm túc.

Nhưng trong suốt thời gian qua, số lượng cử nhân ra trường thất nghiệp năm sau nhiều hơn năm trước càng khiến chúng ta phải thực sự suy nghĩ nghiêm túc về tính hiệu quả của hướng đi này. Thêm vào đó, việc học đại học cũng ngày càng trở nên khó tiếp cận đối với nhiều gia đình.

Hiện nhiều trường đại học trong nước để thực hiện tự chủ về kinh tế, đã triển khai tăng mức học phí nhằm đảm bảo cân bằng thu chi, cá biệt có những trường mức học phí lên tới gần cả trăm triệu đồng mỗi năm. Điều này gây ra áp lực kinh tế không hề nhỏ đối với nhiều hộ gia đình.

Ngược lại, nếu người trẻ lựa chọn con đường khác là học nghề thì thời gian và chi phí đào tạo cũng được giảm xuống rất nhiều. Và trong quá trình làm việc, nếu thấy cần thiết thì những người này vẫn có thể theo đuổi con đường học đại học sau đó. Ngoài ra, theo chia sẻ của nhiều sĩ tử, việc các em không đăng ký nguyện vọng xét tuyển là vì đã có những lựa chọn khác như đi du học, học trường quốc tế hay đi làm sớm.

Việc cho thí sinh đăng ký nguyện vọng sau khi hoàn thành xong kỳ thi THPT QG năm nay dẫn tới có một số lượng lớn các em lựa chọn không đăng ký nguyện vọng xét tuyển là điều dễ hiểu. Nó đã cho thấy phần nào tác dụng của các công tác hướng nghiệp ở cấp phổ thông trong thời gian qua. Và dự đoán trong những ngày tới, khi diễn ra quá trình thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến sẽ lại có thêm những thí sinh khác quyết định rẽ sang một hướng đi mới thay vì là học đại học, cao đẳng.

Qua sự việc này, Bộ GD&ĐT cũng cần có những biện pháp phân luồng thí sinh từ trước để tránh việc phải lùi hay gia hạn thêm thời gian đăng ký nguyện vọng, gây ảnh hưởng đến lịch trình nhập học và tựu trường của các tân sinh viên.

Quỳnh Mint

Bài mới
Đọc nhiều