Tự hào hai tiếng Việt Nam
45 năm hai miền Nam – Bắc về chung một nhà. Sự hoà giải, hoà hợp dân tộc được thực hiện nghiêm túc, hai miền Nam – Bắc đã thống nhất ý chí, chung một hành động, cùng nhau xây dựng một Việt Nam hoà bình, thịnh vượng.
Những ngày cuối tháng 4, người dân trên cả nước lại rạo rực sống lại những ký ức vô cùng hào hùng của dân tộc trước chiến thắng vỹ đại 30/4/1975. Đây là một mốc son chói loà đánh dấu một bước ngoặt mới trong lịch sử nước nhà, mở ra thời kỳ hoà bình, độc lập, chung tay cùng xây dựng đất nước. Sau 45 năm, bộ mặt đất nước đã có nhiều thay đổi đáng kinh ngạc, nhưng trên hết, tinh thần đoàn kết, gắn bó của nhân dân trong nước ngày càng được củng cố.
Bắc – Nam thống nhất một nhà, chung tay xây dựng đất nước!
Ngược dòng lịch sử, với việc ký kết Hiệp định Giơ – ne – vơ năm 1954, chúng ta đã đạt được những thắng lợi quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, với dã tâm biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, Mỹ đã nhanh chóng thế chân Pháp tại miền Nam Việt Nam. Chính vì vậy, Hiệp định Giơ – ne – vơ đã không thể thực hiện một cách toàn vẹn, hai miền Nam – Bắc Việt Nam tiếp tục bị chia cắt. Sau hơn 20 năm vất vả chiến đấu, với chiến thắng lịch sử 30/4/1975, nhân dân Việt Nam đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa đất nước bước sang trang sử mới: thời kỳ của hoà bình, độc lập, tự do và phát triển.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn đặt ra sau thắng lợi 30/4/1975 là thực hiện hoà giải, hoà hợp dân tộc. Rõ ràng, với những khác biệt về thể chế chính trị trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ, giữa hai miền Nam – Bắc cần có thời gian để thống nhất cả về mặt chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hoá, xã hội và cả tư duy con người.
Có thể nói, sau 45 năm, với những cố gắng, nỗ lực và sự nhất quán trong chủ trương, chính sách về hoà hợp, hoà giải dân tộc của Đảng và Nhà nước, việc hoà giải, hoà hợp dân tộc đã được giải quyết, khối đại đoàn kết toàn dân đã được củng cố vững chắc. Tất cả người dân trên cả nước không phân biệt miền Nam hay miền Bắc, miền ngược hay miền xuôi; không phân biệt dân tộc, tôn giáo đều nhất trí, đồng lòng, cùng nhau nỗ lực hướng đến mục tiêu chung là xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Không chỉ xây dựng khối đại đoàn kết trong phạm vi đất nước, chúng ta còn mở rộng vòng tay chào đón kiều bào ở nước ngoài trở về với đất mẹ. Với sự cởi mở, thiện chí của Đảng và Nhà nước, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài – những người trước đó còn mang trong mình định kiến với Tổ quốc đã thay đổi tư duy, nhận thức và quay về đóng góp công sức, trí tuệ của bản thân cho đất nước.
Hiện tại, dù vẫn còn tồn tại một số cá nhân người Việt lưu vong mang trong mình sự hằn học với Đảng, Nhà nước Việt Nam nhưng về cơ bản, chúng ta đã giải quyết xong vấn đề hoà giải dân tộc. Mục tiêu cao nhất của tất cả người dân Việt Nam chân chính là giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tất cả mọi người đều cố gắng, nỗ lực để hô to hai tiếng “Việt Nam” đối với bạn bè thế giới.
Tự hào hai tiếng Việt Nam
Qua 45 năm xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta đã vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử để xây dựng cuộc sống mới. Những vết thương chiến tranh đã dần lành sẹo, những người từng đứng bên kia bờ chiến tuyến với nhân dân Việt Nam hiện nay đã trở thành những người bạn hợp tác cùng phát triển. Những sự bất đồng trong nhận thức, tư duy đã được thay đổi.
Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước”.
Với tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, nhân dân Việt Nam đã làm nên nhiều điều kỳ diệu khiến cả thế giới phải ghi nhận. Từ một nền kinh tế thuần nông chịu nhiều thiệt hại do chiến tranh để lại, hiện tại chúng ta đã vươn lên trở thành một trong những điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư quốc tế; theo thống kê gần nhất, nền kinh tế của Việt Nam đứng thứ 46 thế giới; tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao của thế giới. Về mặt xã hội, tình trạng nghèo đói đã được đẩy lùi, quyền con người được tôn trọng và bảo đảm. Về quan hệ quốc tế, chúng ta đã trở thành một người bạn đáng tin cậy đối với bạn bè thế giới, là thành viên tích cực trong nhiều tổ chức quốc tế.
Một lần nữa có thể khẳng định, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về hai tiếng Việt Nam – một quốc gia đoàn kết, yêu chuộng hoà bình và luôn chân thành với tất cả bạn bè quốc tế.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả