Tư duy mới của Đảng về xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh
Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, coi trọng an ninh chính trị.
“Xây dựng, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu của Đảng, Nhà nước và của hệ thống chính trị, trong đó các lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt”.
Quan điểm này được Đảng ta nhiều lần khẳng định. Xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh là bảo đảm vững chắc việc phòng thủ quốc gia, bảo vệ đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược; mang tính hòa bình, tự vệ bằng sức sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; dựa trên nền tảng đường lối chính trị đúng đắn là nhân tố quyết định.
Đảm bảo an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa
Kế thừa, vận dụng và phát huy những thành tựu đã đạt được, dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định các quan điểm cơ bản về xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, coi trọng an ninh chính trị; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, nâng cao sức mạnh “tự bảo vệ” của mỗi công dân, từng tổ chức, đơn vị. Quan điểm trên khẳng định tư duy mới của Đảng ta về xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh ngày càng có sức sống mới, phản ánh rõ hơn tính toàn diện, đồng bộ, hiệu quả và sâu sắc về nhận thức lý luận của Đảng ta.
Xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng gắn với xây dựng vững chắc thế trận an ninh nhân dân là nét mới trong phát triển tư duy quân sự, quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc và là quyết tâm chính trị của Đảng ta thể hiện rõ trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Nội dung cơ bản, xuyên suốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân là kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng thế trận lòng dân với thế trận an ninh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong đó, xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vững chắc để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong xây dựng thế trận quốc phòng, nhất là trên các địa bàn chiến lược trọng yếu, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố là vấn đề thời sự có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Trên cơ sở phân tích thấu đáo tình hình thế giới, khu vực và khả năng giữ vững nền hòa bình, ổn định chính trị của nhân dân ta trong điều kiện mới, dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh toàn diện thì xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nhân tố quyết định của sự nghiệp quốc phòng Việt Nam, …là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng và hệ thống chinh trị” nhằm phát huy vai trò, sức mạnh tại chỗ, kịp thời ngăn chặn và ứng phó hiệu quả với mọi tình huống diễn ra để bảo vệ cuộc sống hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Dự án, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội: Đáp ứng yêu cầu về an ninh, quốc phòng, đối ngoại
Điểm sáng tạo trong tư duy lý luận của Đảng ta về giải quyết mối quan hệ giữa quân sự, quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là sự cụ thể hóa mối quan hệ này trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, gắn với thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa các lĩnh vực trong thực tiễn quân sự một cách đồng bộ, nhịp nhàng, ăn khớp và hiệu quả.
Trên cơ sở tổng kết 35 năm đổi mới đất nước, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII đã phát triển toàn diện nhận thức của Đảng ta về mối quan hệ giữa quân sự, quốc phòng với an ninh và đối ngoại; không dừng lại ở việc xây dựng quy chế phối hợp các hoạt động mà còn bổ sung, hoàn thiện quan điểm nhận thức, quy chế phối hợp hoạt động quân sự, quốc phòng với an ninh, đối ngoại trong các đề án, dự án, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ Tổ quốc với việc phân tích, dự báo tình hình, tham mưu, đề xuất các yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hợp lý, hiệu quả.
Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là những xu thế lớn nhưng gặp nhiều lực cản; thế giới lâm vào khủng hoảng trầm trọng do suy thoái kinh tế nặng nề và tác động của đại dịch Covid-19. Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị sau Đại hội XIII của Đảng sẽ có những diễn biến phức tạp hơn, không thể xem thường. Điều đó đã và đang đặt ra cho sự nghiệp xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh những yêu cầu mới.
Vì vậy, trong những năm tới, chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương: Việt Nam “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế”
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, đối với sự nghiệp quốc phòng và an ninh là vấn đề có tính nguyên tắc, phù hợp với tình hình mới.
Ba là, khẳng định rõ hơn định hướng kết hợp giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong các chiến lược, quy hoạch, đề án, dự án và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, gắn nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ an ninh – hai mặt có quan hệ khăng khít với nhau trong bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, bố trí thế trận quốc phòng, an ninh phù hợp với tình hình mới; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; lồng ghép và phát huy hiệu quả các nguồn lực hiện có trong thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch xây dựng, phát triển các khu kinh tế – quốc phòng trên các vùng, miền Tổ quốc, nhất là trên các vùng biên giới đất liền, hải đảo ngày càng hiệu quả. Trong đó, tập trung phát triển mạnh công nghiệp quốc phòng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình phục vụ quốc phòng, an ninh mà công nghiệp dân sinh không có khả năng bảo đảm.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với việc kết hợp các hoạt động quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Bổ sung các văn bản pháp luật, các chính sách bảo đảm việc phối, kết hợp giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại được thực thi hiệu quả trên thực tế, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới….
Thiếu tướng, PGS, TS, NGND. Nguyễn Bá Dương
Nguyên Viện trưởng Viện KHXHNVQS Bộ Quốc phòng