Từ đông đặc 90%, phổi phi công người Anh đã phục hồi 90%, không còn cần ghép phổi
Theo Tiểu Ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, nam phi công người Anh đang điều trị tại BV Chợ Rẫy tiếp tục có những phục hồi kỳ diệu.
Sau 6 ngày cai máy thở, bệnh nhân phi công tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, tiếp tục tập đứng với sự trợ giúp của nhân viên y tế. Bệnh nhân đã tự thở với ôxy hỗ trợ ở mức thấp 0,5 lít qua ống mũi, thở chậm hơn. Anh giao tiếp tốt bằng lời nói, tự ho khạc đàm qua miệng, sức cơ hai tay bình thường, sức cơ hai chân cải thiện 4/5.
Bệnh nhân tự ăn uống qua miệng, chỉ cần dùng thuốc kháng nấm, giảm đau và kháng đông dự phòng huyết khối.
Hiện phổi bệnh nhân 91 đã hồi phục được 90%, thận, tim, gan, men tụy hồi phục như bình thường. Tay anh đã sử dụng được như bình thường, đã dùng được điện thoại di động từ 1 tuần nay, chân đã hồi phục được 4/5.Với những thông số này, bệnh nhân không cần phải ghép phổi
Tiểu ban điều trị đánh giá bệnh nhân còn cần thêm ít thời gian nữa để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động.
Một chuyên gia của tiểu ban điều trị cho biết, từ đông đặc phổi 90% sau đó hồi phục phổi trở lại tới 90% là điều kỳ diệu. Từ chỗ phương án ghép phổi, đến nay bệnh nhân đang hồi phục dần. Khi cai ECMO ngày 3/6, các chuyên gia dự tính cố gắng sau 3, 4 tuần cai máy thở nhưng thời gian cai máy thở sớm hơn dự kiến. Các chuyên gia chỉ mong muốn bệnh nhân có thể phục hồi phổi tới 75% đã không phải ghép phổi và đến nay bệnh nhân đã có phục hồi kỳ tích.
Nam phi công người Anh là ca bệnh Covid-19 số 91 tại Việt Nam. Bệnh nhân 43 tuổi, cao 1,83m, nặng 100kg (chỉ số khối cơ thể là 30.1 – có yếu tố béo phì) được can thiệp ECMO từ hôm 6/4, đến nay đã 33 ngày, thở máy qua mở nội khí quản ngày thứ 15.
Đây là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất hiện nay, với thời gian điều trị lâu nhất 3 tháng. Trong quá trình điều trị từ ngày nhập viện rất phức tạp, thất thường. Bệnh nhân xác định dương tính ngày 18/3, sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ (43 tuổi) và không có bệnh nền.
Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng “cơn bão cytokine” – phản ứng miễn dịch dữ dội – tức hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Do bệnh nhân kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị cho bệnh nhân này.
PV/TQ