Mạng xã hội mới xuất hiện cái gọi là Kiến nghị 117 của một số cá nhân tự xưng trí thức, với yêu cầu hủy bỏ 3 điều của Bộ luật hình sự 2015 liên quan đến các nội dung “tự do ngôn luận, tự do báo chí”.
Có, nhưng không nên được tự do ủng hộ bạo lực hoặc hoạt động tội phạm hay bôi nhọ người khác. Và, kinh tế, giáo dục, chính trị, tôn giáo, triết học, lý tưởng, tình cảm, tham lam, tư lợi, lợi ích tập thể … là một số trong nhiều thuộc tính hình thành nên thế giới quan chủ quan. Vì vậy, báo chí có nên thực sự tự do… chắc chắn là không nên bởi ít nhất phải căn cứ vào năng lực bản thân để phản hồi một cách có ý nghĩa để tránh phải trả giá quá mức cho những gì được báo cáo…còn việc xuất bản những lời nói dối và sai sự thật chỉ làm tổn thương mọi người.
Đây là những quan điểm cá nhân, còn trên thực tế thì các chính phủ có thể cho phép tự do đến đâu?
Ngày 10/12/2021, Tòa cấp cao Anh ra phán quyết cho phép dẫn độ Julian Assange tới Mỹ để xét xử tội vi phạm luật chống gián điệp và tấn công máy tính của chính phủ. Dù còn vướng một vài rào cản pháp lý, đây dường như là dấu mốc trong quá trình “đuổi cùng giết tận” của nước Mỹ với Nhà sáng lập của WikiLeaks. Ông từng phải trốn trong khuôn viên đại sứ quán Ecuador ở London trong vòng 7 năm và bị bắt giữ vào năm 2019.
Julian Assange, 50 tuổi, công dân Australia nổi tiếng từ năm 2010, khi WikiLeaks gây chấn động toàn cầu khi công bố hàng nghìn tài liệu mật từ Lầu Năm Góc đề cập tới hoạt động của quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Cùng năm, WikiLeaks tiếp tục tung ra hơn 250.000 tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ chứa những đánh giá nhạy cảm về các chính phủ và chính trị gia nước ngoài. Các công tố viên Mỹ và quan chức an ninh phương Tây coi Assange là “kẻ thù liều lĩnh và nguy hiểm với quốc gia”, cho rằng hành động của ông đe dọa tính mạng những đặc vụ có tên trong tài liệu bị rò rỉ. Vào ngày 23 tháng 5 năm 2019, Assange bị truy tố về 17 tội danh mới liên quan đến Đạo luật Gián điệp năm 1917 tại Tòa án Quận phía Đông Virginia của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, hãng tin AP cho biết bản cáo trạng nêu lên những lo ngại về quyền tự do truyền thông, vì việc lôi kéo và công bố thông tin tuyệt mật của Assange là công việc thường ngày của các nhà báo. Trong khi một số chính trị gia Mỹ ủng hộ việc bắt giữ và cáo trạng Julian Assange, một số tổ chức phi chính phủ vì tự do báo chí đã lên án việc này. Tổ chức phóng viên không biên giới cho biết vụ bắt giữ Assange sẽ “tạo tiền lệ nguy hiểm cho các nhà báo, người thổi còi và các nguồn báo chí khác mà Mỹ có thể muốn truy đuổi trong tương lai”. Kenneth Roth , giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền , đã viết rằng việc Assange bị truy tố vì xuất bản các tài liệu bị rò rỉ là “một mối đe dọa lớn đối với tự do truyền thông toàn cầu”.
Gần như chắc chắn Julian Assange sẽ bị dẫn độ về Mỹ để xét xử, bất chấp đây là đất nước được “ca ngợi” tự do ngôn luận, tự do báo chí nhất thế giới. Vậy thì đâu là giới hạn của tự do?
Ngày 6/1, khi các nhà lập pháp Mỹ nhóm họp chứng thực chiến thắng của ông Joe Biden, ông Trump lên một sân khấu gần Nhà Trắng và kêu gọi đám đông ủng hộ “chiến đấu” (ông dùng từ này hơn 20 lần) và “đừng để lâu hơn”. Nhà lãnh đạo Mỹ nói với đám đông rằng, họ phải “mạnh mẽ” và hướng dẫn “người yêu nước” tuần hành tới đồi Capitol.
“Sau đó, chúng tôi sẽ đi bộ xuống và tôi sẽ ở đó với các bạn”, Tổng thống Trump nói. Ông cũng yêu cầu những người ủng hộ hãy “làm cho tiếng nói của các bạn được lắng nghe một cách hòa bình và yêu nước”. Kết quả, những người ủng hộ ông tràn vào tòa nhà Quốc hội, gây bạo loạn, một số người chết và bị thương.
Sau vụ việc, ông Trump tuyên bố mình có quyền tự ngôn luận và ông hoàn toàn không có ý ám chỉ hay hỗ trợ vụ “tấn công” đồi Capitol. Phe Dân chủ liên tiếp tung ra các lời đe dọa sẽ truy tố ông, và đến khi đó người ta mới biết trong luật Mỹ có một chương về “các hoạt động mang tính lật đổ”. Một luật liên bang quy định đó là một tội khi tham gia “nổi loạn hoặc nổi dậy” chống lại chính phủ liên bang. Một quy định khác cấm các âm mưu “lật đổ” chính phủ hoặc chiếm đoạt tài sản của chính phủ bằng vũ lực.
Các mạng xã hội như Twitter sau đó cấm cửa ông Trump do lo ngại những bình luận “kích động bạo lực”, một động thái gây tranh cãi và bị ông Trump cáo buộc là tước mất quyền tự do ngôn luận của ông. Bản thân các mạng xã hội này cũng dính vào nhiều bê bối. Twitter bị cáo buộc “tiêu chuẩn kép” khi cho phát ngôn viên Taliban sử dụng mạng xã hội này để đăng thông tin, nhưng lại cấm ông Trump. Tài khoản của Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên Taliban, chưa được xác minh trên Twitter nhưng có gần 280.000 người theo dõi và thường xuyên được các hãng tin lớn trích dẫn các phát biểu. Mujahid từng cập nhật về “tình hình các đơn vị quân sự” đang tiến vào thủ đô Kabul.
Những câu chuyện về nước Mỹ kể trên cho thấy tự do quá đà sẽ phải trả giá đắt đến đâu. Nước Mỹ có thể cho phép tự do, nhưng không cho phép những gì liên quan đến an ninh quốc gia, bạo loạn lật đổ và những tin tức độc hại gây ảnh hưởng đến xã hội. Trùng hợp thay, cả 3 Điều khoản trong Bộ luật hình sự liên quan đến kiến nghị 117 của những “trí thức mạng” lại khá tương đồng với các nội dung này.
Điều 79 (BLHS 1999) và 109 (BLHS 2015) đề cập đến “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Điều 88 (BLHS 1999) đề cập đến “tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và Điều 117 (BLHS 2015) nói về “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Điều 258 (BLHS 1999) và 331 (BLHS 2015) thì đề cập đến “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Và những “nạn nhân” bị khép tội danh liên quan đến các điều luật này như trong Kiến nghị 117 nêu ra là Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Đỗ Nam Trung và Lê Trọng Hùng cũng là những đối tượng cộm cán bao năm, gây ra nhiều vụ biểu tình, bạo loạn, chống phá Nhà nước.
Như vậy, có vẻ cách ứng xử của chính phủ Mỹ và Việt Nam khá giống nhau trong những vụ án đặc thù liên quan đến an ninh quốc gia. Nếu chính phủ Mỹ từng “phớt lờ” ý kiến của các tổ chức nhân quyền trong vụ xét xử Julian Assange thì đâu có lý do gì khiến Việt Nam phải quan ngại trước “sức ép” của những tổ chức này. Trong một xã hội văn minh, nơi mọi người chung sống cùng nhau thì lợi ích quốc gia, xã hội, cộng đồng cần được ưu tiên, tự do cá nhân của người này không thể và không được phép vi phạm đến tự do và quyền lợi của người khác cùng cả tập thể. Thực hành tự do và những kiến nghị đòi hỏi tự do luôn luôn cần một cái nhìn tổng thể, thay vì tư duy chủ quan, duy ý chí. Khó có thể tin cái gọi là Kiến nghị 117 với những lập luận đơn sơ, không đầu không cuối lại là sản phẩm của những người tự xưng trí thức.
Cần nói thêm, các điều luật này hoàn toàn không trái với Điều 25 Hiến pháp “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Và cả 3 điều luật hoàn toàn phù hợp với Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị. Ví dụ Điều 19 trong Công ước này đề cập đến Quyền tự do ngôn luận nhưng có kèm theo mục 3 nêu rõ: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, và b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội.”
Như vậy, các “nhà trí thức” của Kiến nghị 117 không những hiểu sai về Công ước quốc tế mà còn hiểu sai cả về Hiến pháp Việt Nam. Những căn cứ pháp lý vững chắc này, cộng với kinh nghiệm chung của các quốc gia tiến bộ, văn minh như Mỹ phản ánh tính đúng đắn trong pháp luật của Việt Nam. Nhưng dù sao, Nhà nước hoàn toàn có thể tiếp nhận bản Kiến nghị này như một minh chứng xác đáng về quyền tự do ngôn luận ở nước ta.
Người thực hiện: An Diễm
Đồ họa: M.N