+
Aa
-
like
comment

Tự do tôn giáo – “mảnh đất màu mỡ” cho các “nhà dân chủ”

sông trà - 26/08/2020 17:51

Trong “chiến lược” chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo để thực hiện mưu đồ đó, họ thường lặp đi lặp lại các luận điệu xuyên tạc Đảng và Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo của người dân.

Tinh thần Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua ngày 22/8 hàng năm là “Ngày Quốc tế Tưởng niệm nạn nhân bị bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin”. Theo đó, các quốc gia thành viên, các tổ chức nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự và các cộng đồng tôn giáo trên toàn thế giới được kêu gọi tổ chức những sinh hoạt tưởng niệm nhân ngày này mỗi năm.

Tự do tôn giáo – “mảnh đất màu mỡ” cho các “nhà dân chủ”

Dịp “Ngày Quốc tế Tưởng niệm nạn nhân bị bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin” vô tình trở thành thời điểm vàng “chính thống” để cho thế lực thù địch, các đối tượng tôn giáo chống phá, xuyên tạc những chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

Các “nhà dân chủ” thường  sử dụng các thủ đoạn xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, dựng chuyện, bịa đặt vu cáo cấp chính quyền phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo để kích động, chia rẽ trong nước và hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế…

“Linh mục” Đặng Hữu Nam tiếp tục công kích tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam

Chẳng hạn, khi nói về đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, “Linh mục” Đặng Hữu Nam xuyên tạc một cách “trắng trợn” rằng: “Việc này thì gần như là thường xuyên, chứ không phải chỉ một ngày. Nhưng vào ngày 22/8, thế giới chọn là ‘Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn Giáo’ thì dĩ nhiên sẽ có. Và dù bất kể tổ chức lễ ở đâu hay như thế nào thì bản thân tôi vẫn dâng lễ cầu nguyện cho tinh thần đó. Đặc biệt cầu nguyện cho những vấn đề nổi cộm ở Việt Nam trong mấy ngày qua như ở Đan viện Thiên An, tại Huế hay Giáo xứ Thị Nghè, ở Sài Gòn…Các tôn giáo khác ở Việt Nam cũng bị (đàn áp) như vậy. Tuy nhiên, đối với Giáo hội Công giáo thì vẫn xác định một điều rằng ở đâu có giáo hội và thời kỳ nào, triều đại nào cũng bị bách hại.”

Hứa Phi – Người mang danh Chánh trị sự đạo Cao Đài, đồng Chủ tịch Hội đồng Liên Tôn Việt Nam (một trong số những tổ chức tôn giáo hoạt động bất hợp pháp tại Việt Nam) nói thêm: “Chính quyền Việt Nam đã tận dụng dịch bệnh COVID-19 để ngăn cản, gây trở ngại cho các sinh hoạt tôn giáo ở trong nước. Một việc làm của Chính quyền Việt Nam làm rất tàn ác là đã không những không cho thân nhân các tù nhân tôn giáo thăm gặp trong thời dịch bệnh, mà còn không cho tù nhân tôn giáo nhận đồ ăn, thuốc men với viện cớ rằng chưa được kiểm dịch… Hay như việc tiếp tục gia tăng ngăn cấm không cho các trị sự viên của Phật giáo Hòa Hảo thuần túy tổ chức “Lễ Kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo chủ vắng mặt”, vào ngày 25/2 âm lịch, ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang”.

Song song, các “nhà đấu tranh dân chủ” thường vin vào các Báo cáo thường niên của Ủy Ban tự do tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) công bố để xuyên tạc tự do tôn giáo ở Việt Nam, khi trong các báo cáo đó thường xuyên lặp đi lặp lại một quan điểm trái ngược với thực tế, thiếu cơ sở, đó là: “Tình hình vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục có khuynh hướng tiêu cực”.

Nói rõ hơn, USCIRF luôn chủ yếu lấy “chất liệu” cho bản phúc trình thường niên từ một số nghị sỹ cực đoan Mỹ, những cá nhân bất mãn chống đối trong nước và nhất là các tổ chức phản động lưu vong, tổ chức phi chính phủ quốc tế thường lợi dụng dân chủ, nhân quyền chống phá nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Do bị chi phối bởi những quan điểm của các thế lực cực hữu trong chính giới Hoa Kỳ, họ chỉ quanh quẩn với những trò cũ mà không vượt qua được lằn ranh “định kiến” với Việt Nam, không căn cứ vào tình hình thực tế về tình hình tự do tôn giáo đang diễn ra ở Việt Nam.

Mục tiêu nhất quán và xuyên suốt của các “nhà dân chủ” là: Tạo sự đối lập tôn giáo với chế độ, tách các tôn giáo khỏi khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Để thực hiện điều đó, các thế lực thù địch coi các đối tượng cực đoan chống đối trong các tôn giáo là ngòi nổ, là lực lượng nòng cốt để lôi kéo tập hợp quần chúng làm đối trọng với Đảng, Nhà nước và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Cùng với việc hậu thuẫn cho các lực lượng này hoạt động chống phá đất nước, họ còn phối hợp chặt chẽ với các cá nhân, tổ chức quốc tế thiếu thiện chí để bịa đặt, xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Tôn giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc

Thực tế, những đánh giá tiêu cực của USCIRF không làm mấy ai ngạc nhiên bởi đó là những luận điệu cũ rích, hoàn toàn phiến diện sai lệch về vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam mà họ luôn đưa ra trong các báo cáo thường niên nhiều năm qua.

Bao trùm trong đó vẫn là những thông tin hoàn toàn sai lệnh và xuyên tạc về vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Với rắp tâm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa  ở Việt Nam, họ phủ nhận những thành tựu đổi mới của nhân dân ta và những tiến bộ vì tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Họ cố lờ đi những tiến bộ về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam. Thực tế, “tôn giáo ở Việt Nam không chỉ là một thành tố của văn hóa mà còn thực sự là một nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển đất nước”. Điều này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Minh chứng cho điều đó, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, các địa phương đã giải quyết tốt việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tạo điều kiện tu sửa, nâng cấp, xây mới cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Thủ tục hành chính giải quyết nhu cầu sinh hoạt tôn giáo bảo đảm nhanh gọn, đúng quy định.

Đồng thời, phối hợp tốt với các Bộ, ngành, đoàn thể cụ thể hóa chủ trương, chăm lo đời sống đồng bào tôn giáo bằng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hiệu quả làm cho đời sống của đồng bào tôn giáo được nâng lên, giải quyết kịp thời các vấn đề an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Một số liệu cập nhật mới nhất là tính đến tháng 9/2019, Việt Nam có 25,1 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số;  55.710 chức sắc; 145.721 chức việc. Đáng chú ý là  việc xây dựng cơ sở đào tạo, tự do tôn giáo của các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm: Năm 2017, Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ; ở Bình Phước và Tây Nguyên có 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành đang sinh hoạt tại 304 chi hội và hơn 1.300 điểm nhóm; ở Tây Bắc có 693 điểm nhóm Tin lành, 8 Hội thánh cơ sở được thành lập; nhiều điểm nhóm của người dân tộc thiểu số theo Hội thánh Lutheran, Hội Liên hữu Baptist Việt Nam đã đăng ký sinh hoạt tập trung..v..v.

Ắt hẳn, đồng bào Thiên chúa giáo ai cũng thấy rõ những thay đổi tại Vương cung Thánh đường ở La Vang (Hải Lăng, Quảng Trị) – nơi đã từng bị bom Mỹ phá hủy năm 1972, hiện đã được xây dựng lại trên một khu đất rộng 21 ha, có sức chứa 5.000 người. Đây là trung tâm hành hương Thiên chú giáo lớn nhất cả nước. Không chỉ đồng bào Thiên chú giáo, tín đồ các tôn giáo khác cũng cảm nhận được những biến đổi to lớn trong đời sống tôn giáo nhất là về cơ sở thờ tự, điều kiện tiến hành nghi lễ của tôn giáo mình.

Các trung tâm Phật giáo Hòa Hảo ở miền Tây Nam bộ như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp hay các trung tâm của đạo Cao Đài như Tòa thánh Tây Ninh, Tòa thánh Bến Tre đều được giữ gìn, phát triển đáp ứng nhu cầu của đông đảo tín đồ trong không khí an lành, hướng thiện và là điểm tham quan du lịch tâm linh của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Cũng như việc Liên Hiệp Quốc chọn Việt Nam làm địa điểm để tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc trong các năm 2008, 2014, 2019… bị cố tình bỏ qua, không đề cập tới cũng đã phần nào cho thấy sự “khách quan” của các thế lực thù địch.

Có thể nói, trên đất nước Việt Nam, từ Bắc vào Nam, từ thành thị, nông thôn đến miền núi, ở đâu cũng có đền, chùa, tháp chùa, nhà nguyện, tòa thánh được xây dựng khang trang cùng với các nghi lễ mang đậm bản sắc tôn giáo ở mỗi vùng, miền.

Chính vì vậy, một mặt phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác, khẳng định Việt Nam không phân biệt giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo hay không; không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào dù nội sinh hay được truyền từ nước ngoài, dù là tôn giáo đã ổn định lâu dài hay mới được công nhận.

Điều này cũng có nghĩa, các thế lực thù địch cần phải nhìn đúng thực tiễn rằng, hàng chục triệu tín đồ Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, hàng triệu tín đồ nhiều tôn giáo khác vẫn sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều