+
Aa
-
like
comment

Tự do ngôn luận, tự do chỉ trích kiểu phương Tây: Sự thật hay ảo tưởng?

An Diễm - 28/04/2022 15:18

Lâu nay, các khái niệm như “tự do ngôn luận”, “nhân quyền” luôn là một thứ “vũ khí” vô hình của phương Tây nhằm gây ảnh hưởng và can thiệp đến các nước như Việt Nam. Những năm gần đây, Mỹ cùng phương Tây đẩy mạnh các khái niệm này thành một thứ vũ khí thực sự, được luật hóa nhằm đe dọa và gây ảnh hưởng nhiều hơn. Các thế lực chống phá được thể càng ra sức rêu rao chỉ trích Việt Nam mỗi khi có cơ hội.

Tự do ngôn luận, tự do báo chí là những quyền cơ bản của con người đã được Việt Nam cam kết thực hiện theo những nguyên tắc chung của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Theo Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết thì các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn có “giới hạn” để đảm bảo tuân thủ pháp luật của mỗi quốc gia. Đây là lý do mà thời gian qua, một số kẻ quá khích như Phạm Đoan Trang, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh … đã bị cơ quan chức năng bắt giam vì các hành vi chống phá, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân. Nhưng các thế lực nước ngoài luôn luôn chỉ trích các vụ việc này vì với họ, “tự do” phải là không giới hạn, “chỉ trích” Nhà nước bất kể với giọng điệu gì là điều bình thường. Trong khi luôn rêu rao, chê bai Việt Nam, họ lại luôn tung hô các nước phương Tây về lý tưởng tự do ngôn luận, nhân quyền. Vậy cần đặt câu hỏi, phương Tây có giới hạn cho cái gọi là “tự do ngôn luận” hay không?

Ngày 1/6//2016 tại Ottawa, Canada, trong buổi họp báo của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Canada, ông Stephane Dion diễn ra một sự cố đặc biệt. Tại họp báo, Amanda Connolly – phóng viên trang tin trực tuyến iPolitics – đặt câu hỏi cho ông Stephane Dion về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, về việc Trung Quốc tuyên bố mở rộng chủ quyền lãnh thổ, và về trường hợp một công dân Canada đang bị bỏ tù vì bị cáo buộc làm gián điệp và đánh cắp bí mật của nhà nước Trung Quốc. Phải nói đây là một câu hỏi rất “sốc óc” và xúc phạm trực tiếp Trung Quốc, bỏ qua mọi lễ nghi ngoại giao, và có vẻ người Canada cho là bình thường.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Ngay lập tức, Ngoại trưởng Vương Nghị nổi đóa: “Xin đừng hỏi một câu hỏi vô trách nhiệm như vậy. Phải nói rằng câu hỏi của cô đầy định kiến với Trung Quốc và kiêu ngạo. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận”. Ông nói tiếp, vẻ giận dữ: “Những người khác sẽ không hiểu tốt hơn người Trung Quốc về tình hình nhân quyền tại Trung Quốc, và chỉ người dân Trung Quốc mới ở trong điều kiện, vị trí tốt nhất để lên tiếng về tình trạng nhân quyền của Trung Quốc”

Ông tiếp tục trách móc nữ nhà báo: “Tôi phải hỏi xem cô biết gì về Trung Quốc? Cô từng đến Trung Quốc hay chưa? Có biết rằng Trung Quốc đã đưa hơn 600 triệu người thoát khỏi đói nghèo? Cô có biết Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dù được xây từ một nền tảng rất thấp? Cô nghĩ rằng Trung Quốc có thể phát triển mà không bảo vệ quyền con người?”.

Tưởng rằng hỏi kiểu xúc phạm người khác thì bị mắng lại là bình thường, “tự do ngôn luận” mà, thế nhưng dư luận Canada lại phản ứng hết sức khó hiểu. Chính trị gia Canada Tony Clement nói ông “hoàn toàn bị sốc và cảm thấy bị xúc phạm” trước lời trách mắng nhà báo Connolly của ông Vương Nghị. “Để cho một Ngoại trưởng được mời đến đất nước chúng ta công khai trách móc một nhà báo vì hỏi một câu hỏi hoàn toàn hợp pháp là hoàn toàn không thể chấp nhận”, ông Clement nói. Ngoại trưởng Canada Dion và các quan chức Bộ Ngoại giao Canada sau đó đã “bày tỏ sự không hài lòng về việc Ngoại trưởng Trung Quốc và đại sứ Trung Quốc tại Canada đã mắng nhà báo của chúng tôi”.

Một nhân vật khác khá nổi tiếng với việc “mắng nhà báo” ở Mỹ chính là Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên ông Trump nổi tiếng nhất sự kiện ngày 6/1/2021 ở Điện Capitol, nơi Quốc hội Mỹ kiểm phiếu để tuyên bố Tổng thống mới. Trước đó, ông Trump đã liên tục lên mạng xã hội “tự do” chỉ trích hệ thống bầu cử gian lận, đòi công bằng, kêu gọi đám đông ủng hộ ngăn chặn Quốc hội làm việc. “Kết quả” vượt quá mong đợi, khi đám đông quá khích xông vào tòa nhà, các Nghị sỹ chạy tán loạn, 4 người bị chết và nhiều người bị thương, nước Mỹ choáng váng. Sau đó việc “luận tội” ông Trump gây tranh cãi vì ông này cho rằng mình có quyền “tự do ngôn luận”, phe Dân chủ thề sẽ tìm cách buộc tội ông. Dưới sức ép của chính quyền, các mạng xã hội như Facebook, Twitter khóa tài khoản của ông Trump, “cấm nói” vì kích động bạo lực. Việc này làm dấy lên lo ngại về “tự do ngôn luận”, khi chính mạng Twitter trước đây từng vô tư đăng tải các nội dung bạo lực ở Afganishtan.

Sự cố Đồi Capitol ngày 6/1/2021 chạm đến “giới hạn” tự do ngôn luận của nước Mỹ

Một sự kiện mới diễn ra gần đây còn gây tranh cãi hơn, đó là việc các nước phương Tây “cấm sóng” các hãng truyền thông Nga với cái cớ là để “phản ứng trước hành động quân sự của Nga”. Đây là một luận điệu vô lý, vì bản thân các hãng truyền thông chỉ sản xuất tin tức, không liên quan gì quân đội, và truyền thông tự do chính là biểu tượng cao nhất của tự do ngôn luận. Rõ ràng ý đồ thật sự của phương Tây là để chặn các hãng tin Nga phát tán các quan điểm trái với “tuyên truyền” của họ. Luận điểm này càng rõ ràng sau sự kiện Ukraine tố Nga “thảm sát” ở Bucha. Khi đó nước Nga triệu tập Hội nghị tại Liên Hợp Quốc để “thanh minh” nhưng bị Anh với tư cách chủ tịch bác đề xuất này, mục đích là không cho Nga lên tiếng.

Tự do ở phương Tây còn bị “đe dọa” hơn nữa khi mới đây nhiều nước trong đó có Đức đã cấm người dân sử dụng các biểu tượng chữ “Z” có liên quan đến chiến dịch của Nga tại Ukraine. Rõ ràng khi quyền lợi bị ảnh hưởng, khi “giới hạn” bị đe dọa thì phương Tây cũng như bất kỳ quốc gia nào khác, đều đưa ra các biện pháp hạn chế để bảo vệ quyền lợi của mình. Một sự kiện diễn ra trước cửa khiến họ “rối rít” lộ mặt thật, khác xa với vẻ bàng quan, “nói lý” và “đề cao tự do ngôn luận” như khi bình phẩm về “tai nạn” xảy ra ở các quốc gia khác.

Thế mà lâu nay có những kẻ nói tiếng Việt nhưng lúc nào cũng đề cao phương Tây để lấy đó chỉ trích Việt Nam. Đơn cử như mới đấy, có người “hí hửng” trước thông tin tỷ phú Elon Musk mua lại mạng xã hội Twitter kèm theo phát ngôn: “Tôi mong tất cả những người chỉ trích tôi thậm tệ vẫn ở trên Twitter, bởi đó là ý nghĩa của tự do ngôn luận”. Họ cho rằng Musk thật vĩ đại vì “bỏ tiền túi ra để mang sự tự do cho mọi người” trong khi Việt Nam thì “cấm tự do ngôn luận”. Có lẽ đối tượng này không nhận ra hắn đã “há miệng mắc quai”, vì nếu Musk đã bỏ tiền ra mua tự do, thì đã có thể khẳng định trước đó Twitter không hề có tự do?

Diễn biến thực tế ở phương Tây đã chứng minh “tự do ngôn luận” luôn có giới hạn, và đó là sự thật. Nếu kẻ nào đó muốn dẫn chứng phương Tây để chỉ trích Việt Nam về “tự do ngôn luận” thì chỉ có một cách là bóp méo sự thật mà thôi.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều