Tứ đại doanh nhân tuổi Canh Tý lừng lẫy tại Việt Nam
Người tuổi Chuột có bản năng tự nhiên là yêu đồng tiền. Một người sếp sinh vào năm Tý sẽ rất chăm lo cho nhân viên. Tứ đại doanh nhân tuổi Canh Tý này là những người có điểm chung về triết lý quản trị đúng như trên.
Chuột là một trong những con vật xuất hiện khắp mọi nơi trên thế giới. Nó có sức sống bền bỉ và được biết đến là biểu tượng của sự thông minh, lanh lợi và gan dạ. Những người sinh năm Tý cũng có chung đặc điểm như vậy.
Họ lạc quan, vui vẻ, không bị suy sụp cho dù gặp hoàn cảnh khó khăn nào và luôn đấu tranh cho cuộc sống của mình. Đồng thời, họ cũng rất nhạy cảm, có trực giác tốt và có trí tưởng tượng phong phú, nhưng họ không giỏi trong việc đưa ra quyết định một cách logic.
Người tuổi Chuột có bản năng tự nhiên là yêu đồng tiền. Một người sếp sinh vào năm Tý sẽ rất chăm lo cho nhân viên. Ông ấy sẽ luôn đảm bảo nhân viên của mình được tham gia đầy đủ vào các môn thể thao và có chế độ ăn uống cân bằng. Khi nhân viên của mình bị ốm, ông sẽ đích thân đến thăm. Ông coi những rắc rối của cấp dưới như là của chính mình. Tuy nhiên người tuổi Tý khá chặt chẽ trong chuyện tiền nong.
Chính vì tính cách này nên khá nhiều người tuổi Tý thành công trên thương trường đặc biệt là tuổi Canh Tý 1960. Chúng tôi xin điểm lại một vài tên tuổi nổi tiếng tuổi này trong giới kinh doanh Việt Nam.
Trần Kim Thành Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn KIDO
Ông Trần Kim Thành và em trai Trần Lệ Nguyên là 2 nhà sáng lập Tập đoàn Kinh Đô (nay là Kido). Thuở nhỏ 2 anh em ông Thành đã bắt đầu làm quen với lĩnh vực bánh kẹo khi làm việc trong một tiệm bánh nhỏ của gia đình.
Khởi đầu của Kinh Đô là một cơ sở nhỏ với vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng, gồm 70 công nhân viên, chuyên sản xuất bánh mì, bánh tươi tại Phú Lâm, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1993, Công ty Xây dựng và Chế biến thực phẩm Kinh Đô được thành lập, tập trung vào sản xuất bánh bánh Snack (bim bim), đánh bật sản phẩm snack của Thái Lan ra khỏi thị trường. Từ sự thành công của bánh snack, sau đó Kinh Đô dần thâm nhập vào thị trường bánh cookie, cracker, bánh trung thu, kẹo…
Năm 2014, Kinh Đô bất ngờ tuyên bố bán mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International và lấn sân sang những lĩnh vực vốn chưa có nhiều kinh nghiệm là mì gói, dầu ăn, gia vị, cà phê. Sau thương vụ này, Kinh Đô đổi tên thành KIDO.
Ngoài công việc kinh doanh, ông Thành còn là diễn giả, mentor nổi tiếng trong giới kinh doanh với phong cách “nhân trị”.
Đặng Văn Thành Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công
Đặng Văn Thành là một trong những đại gia ngành ngân hàng và mía đường nổi tiếng tại Việt Nam. Ông là người gây dựng nên Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và cùng nữ hoàng mía đường Huỳnh Bích Ngọc dựng nên đế chế Thành Thành Công.
Từ cuối thập niên 1980s, hai vợ chồng ông Đặng Văn Thành bắt đầu khởi nghiệp với cơ sở sản xuất cồn, CO2 và mật rỷ đường. Theo lời tâm sự của bà Ngọc trong lần trả lời báo Doanh nhân Sài Gòn, vợ chồng bà đến với nghề đường đơn giản là vì mưu sinh.
Nếu tên tuổi bà Ngọc gắn với ngành mía đường và Thành Thành Công, thì ông Đặng Văn Thành gắn liền với ngành ngân hàng và Sacombank.
Sacombank với vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng, ông Thành cũng là người có công lớn trong việc đưa Sacombank trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn và uy tín tại Việt Nam.
Tại Sacombank, ông giữ chức Chủ tịch HĐQT từ ngày 15/7/1995 đến năm 2012. Dưới thời ông Thành, Sacombank niêm yết thành công lên sàn chứng khoán vào năm 2006, là ngân hàng đầu tiên lập công ty quản lý quỹ và công ty cho thuê tài chính.
Cuối năm 2012, hai cha con ông Thành rút khỏi Sacombank. Năm cuối cùng ông Thành còn gắn bó với Sacombank, ngân hàng đã có mạng lưới rộng lớn với 417 chi nhánh – phòng giao dịch, khoảng 10.000 nhân viên hoạt động ở 3 quốc gia và có 9 công ty con trong nhiều lĩnh vực. Vốn điều lệ của Sacombank tăng lên gần 11.000 tỷ đồng. Mới đây trong dịp kỷ niệm 28 năm thành lập ngân hàng này, ông Thành bất ngờ xuất hiện và dấy lên nghi vấn sẽ trở lại ngành ngân hàng sau 8 năm.
Dương Công Minh Chủ tịch Tập đoàn Him Lam, Liên Việt Holding, Sacombank
Ông Dương Công Minh được biết đến với vai trò là ông chủ của CTCP Him Lam – một công ty bất động lớn tại Việt Nam và Chủ tịch của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Ông là con người khá bí hiểm, hiếm khi xuất hiện trước báo chí.
Cơ duyên ông Minh đến với bất động sản xuất phát từ công việc xuất nhập xoài sang Trung Quốc. Việc kinh doanh hùn hạp với bạn khiến ông Minh thua lỗ và phải bán nhà đang ở (1000m2 trên đường Cộng Hoà) để trả nợ cho người bạn. Căn nhà của ông Minh có giá là 350 triệu đồng nhưng khi đi làm dịch vụ hợp thức hoá giấy tờ mất tới 50 triệu đồng.
Không cam chịu mất đi khoản này, ông Minh tự đi làm hết tổng cộng 3 triệu đồng. Từ đó ông lập ra công ty hợp thức hóa nhà đất với giá 20 triệu đồng (giảm 60%). Lợi nhuận 300% sau khi chi các loại chi phí. Một thời gian sau khi có vốn, ông Minh chuyển sang đi làm dự án và xây nhà.
Năm 2008, Him Lam cùng với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Công ty dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) thành lập Ngân hàng Liên Việt. Ông Minh giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ngân hàng này cho đến năm 2017 sau khi chuyển sang đảm nhiệm Chủ tịch Sacombank.
Trần Bá Dương Chủ tịch CTCP ô tô Trường Hải
Ông Trần Bá Dương từng chia sẻ mình lớn lên trong thời bao cấp, cha mất sớm, mẹ phải bươn chải nuôi anh em ăn học. Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP HCM, ông Dương xin làm công nhân sửa chữa ô tô, công việc đầu tiên của ông là vét mỡ bò.
Sau đó, nhờ kiến thức trong nhà trường, ông đưa ra dự án: “Chuyển đổi tay lái nghịch”, dự án của ông được Bộ GT-VT chấp nhận. Công ty giao cho ông Dương quản lý tổ sửa chữa lưu động, làm khoán, từ đó ông có điều kiện tích lũy và phát huy khả năng của mình. Năm 1997, ông Trần Bá Dương xin nghỉ và thành lập xưởng sửa chữa của riêng mình.
Năm 1997, Công ty ô tô Trường Hải được thành lập theo tên của người con trai là Trần Bá Trường Hải. Tiếp đó đến năm 2000, ông Dương mở xưởng lắp ráp xe tải hạng nhẹ mang thương hiệu KIA. Sản phẩm chưa làm xong đã kín đơn đặt hàng.
Trần Bá Dương cũng là người Việt Nam đầu tiên đã làm được xe du lịch. Từ dòng xe Kia, Thaco, Kinglong… ông Dương đã đưa Trường Hải trở thành doanh nghiệp tư nhân với 100% vốn trong nước đầu tiên lắp ráp và sản xuất xe du lịch.
Ngoài giữ chức vụ Chủ tịch Trường Hải, ông Dương còn là Tổng giám đốc công ty địa ốc Đại Quang Minh. Công ty này thành lập năm 2011 và Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (theo hình thức hợp đồng BT) và Khu đô thị Sala trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong năm 2019, Chủ tịch THACO, ông Trần Bá Dương đã mua vào 50 triệu cổ phiếu HNG, tăng tỷ lệ sở hữu cá nhân từ 3,38% lên 9,02%, tương đương nắm giữ 80 triệu đơn vị. Ước tính, tỷ phú này chi hơn 1.000 tỷ đồng mua cổ phiếu HAGL Agrico trong đợt này.
Ngoài ra Đại Quang Minh trong năm 2018 nâng con số sở hữu lên 65% HAGL Myanmar với số vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.
(Theo TTT)