+
Aa
-
like
comment

Tự chủ đại học: Nhiều hiệu trưởng vẫn muốn mình là to nhất

28/11/2020 17:58

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều hiệu trưởng không muốn mất quyền, không muốn chuyển giao bớt quyền sang Hội đồng trường, vẫn muốn hiệu trưởng là to nhất. 

Hội thảo “Tự chủ đại học Từ chính sách đến thực tiễn” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ GD-ĐT và một số cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tổ chức mới đây (27/11) tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các đại biểu cần thảo luận làm rõ các vấn đề về: quyền tự chủ học thuật, trong hoạt động chuyên môn; tự chủ trong tổ chức và nhân sự; tự chủ trong tài chính và tài sản… Bên cạnh đó là trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH, nếu không thực hiện đúng cam kết thì phải xử lý thế nào khi liên quan đến tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, đến mức lương, thưởng, đến các báo cáo tài chính hằng năm…

Tự chủ đại học: Nhiều hiệu trưởng vẫn muốn mình là to nhất
Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội

Hiệu trưởng chưa sẵn sàng, nhà trường khó bứt phá

Với bài tham luận có tiêu đề “Mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và trường đại học”, GS Trần Đức Viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam thu hút sự chú ý khi đưa ra nhận định về nguyên nhân khiến một số hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học dù được tự chủ nhưng chưa có sự bứt phá. Mà trước hết, là do các hiệu trưởng chưa thực sự sẵn sàng.

Theo GS Viên, mấu chốt của tự chủ đại học là mô hình quản lý mới với sự xuất hiện của hội đồng trường. Đây là một tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường, của các đối tác ngoài xã hội, thực tế sẽ tạo sự “dịch chuyển quyền lực” nhưng chỉ khi có quyết tâm chính trị mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao mới mong thực hiện được. Nếu không, đa phần các trường vẫn chạy theo lối mòn quản lý cũ và khai thác những lợi thế đã tích lũy được từ trước, chứ không phải từ tự chủ đại học.

“Hầu hết hiệu trưởng các trường chưa thực sự sẵn sàng đón nhận thiết chế hội đồng trường, nên hội đồng trường không thể mạnh, và khi hội đồng trường chưa đủ mạnh thì nhà trường không thể thoát ra khỏi cơ chế chủ quản” – GS Viên nhận xét.

Bên cạnh đó, GS Viên cho rằng về mặt tâm lý, hiệu trưởng không muốn chia sẻ quyền lực với hội đồng trường, không muốn tự dưng lại có một tổ chức đứng trên đầu mình.

“Về mặt quyền lực, nếu hiệu trưởng kiêm luôn bí thư cấp ủy thì “chẳng còn gì để bàn”, còn nếu hiệu trưởng không kiêm bí thư thì cũng chẳng sao, mọi việc vẫn như thế cả. Bản thân đa số các hiệu trưởng đều là những người tốt, học cao biết rộng, nhưng từ trong tiềm thức, và như một thói quen, khi ngồi vào vị trí hiệu trưởng là tự khắc họ điều hành và quản lý trường đại học như những cách mà các vị tiền nhiệm đã làm, như hiệu trưởng các trường đại học khác đang làm, có cải tiến, thêm bớt chút ít, nên về mặt bản chất, gần như không có khác biệt giữa trường tự chủ và chưa tự chủ, giữa có Hội đồng trường hay chưa có Hội đồng trường” – GS Viên phân tích.

“Không nên và không thể trách cứ họ, vì không có bất cứ một văn bản nào hướng dẫn, đã là hiệu trưởng một trường tự chủ thì giống và khác gì và khác như thế nào”.

Còn về mặt pháp lý, trong quản lý và điều hành nhà trường, hiệu trưởng không thấy có bất cứ sự ràng buộc thực tế nào với hội đồng trường, có hội đồng trường hay không thì bản chất công việc vẫn thế, chỉ có “phát sinh” thêm một tổ chức mà họ phải báo cáo theo luật định, dù muốn dù không.

“Theo các qui định hiện hành, quyền lực của hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam vẫn là ‘to nhất’ so với các nước trên thế giới. Thiết chế Hội đồng trường bị vô hiệu hóa ngay từ khi sinh ra!”.

Một lý do tế nhị khác được GS Viên nhắc tới, khiến các hiệu trưởng chưa muốn tiếp nhận thể chế hội đồng trường, đó là hiện trạng không ít trường đại học tỏ ra miễn cưỡng, đối phó trong việc minh bạch hoá các thông tin, hoạt động giám sát của Thanh tra Nhân dân chỉ là hình thức.

“Khi quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục được nâng cao, nghĩa là phải tăng tính công khai, minh bạch, hiệu trưởng phải thực hiện trách nhiệm giải trình về các hoạt động của nhà trường với hội đồng trường, đó là điều rất ít hiệu trưởng muốn.

Thêm nữa, tâm lý cầu an thụ động cũng là một trở ngại lớn trong quá trình đổi mới giáo dục đại học nói chung, tiến trình tự chủ đại học nói riêng. Giữa một rừng các văn bản qui phạm pháp luật vừa chưa đồng bộ, vừa chưa rõ ràng, sai đúng chỉ trong gang tấc, “qua đúng nay sai ngày mai lại đúng”, nên nhiều hiệu trưởng ngại bứt phá chọn phương án an toàn nhất cho họ: giữ cơ chế bộ chủ quản”.

Quản lý Nhà nước về giáo dục không còn vướng mắc nào lớn

Trước những ý kiến cho rằng tự chủ giáo dục còn vướng về quản lý Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, vấn đề vướng chủ yếu hiện nay là về ngạch viên chức và tiền lương theo Bộ nội vụ và vướng về ngân sách đầu tư và đặt hàng bên tài chính và đầu tư. Còn quản lý Nhà nước chuyên ngành giáo dục dù chưa hết vướng nhưng không còn vướng lớn.

Tự chủ đại học: Nhiều hiệu trưởng vẫn muốn mình là to nhất
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đối với vấn đề tự chủ đại học, quản lý Nhà nước chuyên ngành giáo dục không còn vướng mắc lớn

Để triển khai tự chủ có hai việc quan trọng: Phải có Hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật và tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.

Cái vướng ở đây, ông Đam cho rằng thứ nhất là Hiệu trưởng không muốn mất quyền, không muốn chuyển giao bớt quyền sang Hội đồng trường, vẫn muốn hiệu trưởng là to nhất.

“Luật ra rồi mà vẫn có người hỏi hiệu trưởng to hay Hội đồng trường to? Một số hiệu trưởng vẫn muốn kiêm Bí thư Đảng ủy…

Nhiều người còn hỏi tôi “Nếu thế, hiệu trưởng không còn quyền gì à?”.

Tôi bảo không phải, ví dụ thế này, trước đây hội đồng trường chưa có hoặc là hình thức thì anh quyết toàn bộ về đầu tư, anh vẫn phải xin ý kiến theo ngạch của Đảng nhưng cơ bản là hiệu trưởng quyết. Bây giờ anh phân ra 10 tỷ trở lên phải có Hội đồng trường thông qua, 10 tỷ trở xuống thì giao cho Hiệu trưởng, giao cho Ban Giám hiệu. Thế nhưng có trường khác thì bảo 10 tỷ to quá, trường tôi 1 tỷ trở lên thì phải hội đồng trường, cái đó là toàn quyền của các đồng chí, bàn tập thể và thống nhất, ra quy chế.

Về nhân sự, có trường bàn tập thể, nếu thấy rằng nhận thêm người rất quan trọng, phải đưa ra bàn hội đồng thì đưa ra bàn, nhưng có trường nói không, tuyển dụng 50 người trở lên mới phải thông qua hội đồng trường, còn lại dưới thì giao cho Ban Giám hiệu… thì hoàn toàn do cơ chế, quy chế của các đồng chí. Luật và Nghị định hoàn toàn không cấm cái này.

Ngày xưa, Luật chưa cho tự chủ thì mới phải có điều lệ mẫu. Còn giờ Luật quy định rồi, giao quyền cho anh rồi. Cái chỗ này tôi cho rằng nhận thức của chính các trường”.

Một vấn đề rất quan trọng nữa là phải có một bộ quy tắc ứng xử một cách đầy đủ, cực kỳ chi tiết về nhân sự, tiền lương… Bộ quy tắc này phải công khai để giáo viên, sinh viên, xã hội giám sát.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ rất trân trọng tất cả các ý kiến góp ý. Công cuộc đổi mới rất dài hơi, phải liên tục và khi có ý kiến khác nhau, hãy cùng bày tỏ trên tinh thần cầu thị. Chính phủ sẽ chắt lọc và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục điều chỉnh, trước hết về hành lang pháp lý, sau đó là về cơ chế chính sách và cuối cùng là khâu tổ chức kiểm tra thực hiện về pháp luật.

Thúy Nga Ngân Anh/VNN

Bài mới
Đọc nhiều