+
Aa
-
like
comment

Từ Chính phủ đến người dân đều phải thích ứng trong đại dịch

01/01/2022 05:59

Khép lại năm 2021 với bao mất mát, đau thương, dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 quay bùng phát và tàn phá khốc liệt, Việt Nam giống  một cơ thể vốn còn đang ốm yếu nay thêm bệnh nặng, những thiệt hại về người và kinh tế không thể đong đếm, hàng triệu người đã có những trải nghiệm “chưa từng có”. Bỗng dưng mất người thân, bỗng dưng mất việc, bỗng dưng cạn kiệt… Cuộc sống vẫn cứ trôi và họ không thể cứ mãi chờ đợi rồi than thở. Hai từ “thích ứng” được sử dụng như một phép màu, từ Chính phủ đến mỗi người dân. 

Khu phố cổ “ngủ đông” và những bà chủ bươn bả để tồn tại

Gần 20 năm bám trụ ở phố cổ Hà Nội, chị Ngọc Linh- 46 tuổi chưa bao giờ hình dung có một ngày, những khu “phố Tây” sầm uất lại “ngủ” lâu đến vậy. Thời huy hoàng, chị có 3 cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ (chủ yếu phục vụ khách du lịch nước ngoài) ở phố Hàng Hòm, Lò Sũ và Hàng Bè với khoảng 20 nhân viên. Chị Linh bận đến nỗi, thời gian để ăn cũng khó.

Một cửa hàng bán đồ lưu niệm của chị Linh ở phố cổ Hà Nội. 
Một cửa hàng bán đồ lưu niệm của chị Linh ở phố cổ Hà Nội.

Không chỉ bán hàng tại chỗ cho khách Tây, chị còn có nhiều hợp đồng xuất khẩu bằng tàu biển, đưa lại những khoản thu nhập không hề nhỏ. Khi dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 1/2020, khách du lịch bắt đầu vắng dần. Chị đợi chờ, nghe ngóng. Không thể cầm cự được mãi, chị quyết định đóng cửa hàng đầu tiên vào tháng 6/2020, rồi lần lượt hai cửa hàng còn lại phải đóng cửa vào tháng 7/2020. Tất cả  nhân viên nghỉ việc, chị đưa hàng về kho vì không chịu nổi tiền thuê cửa hàng (khoảng 140 triệu cho 3 cửa hàng/ 1 tháng).

“Nhìn những cửa hàng trên khu phố cổ lần lượt đóng cửa, tôi biết rằng, mình chẳng còn lựa chọn nào khác. Đưa hàng về kho chất ngất, cứ hỏng dần vì ẩm mốc. Xót ruột lắm vì thiệt hại quá lớn. Cả gia đình trông vào cửa hàng thì nay lấy tiền tiết kiệm ra để tiêu. Một vài tháng thì cầm cự được chứ cả năm thì tiền nào chịu nổi”- chị Linh nhớ lại.

Khu phố cổ những ngày sầm uất. Chị Ngọc Linh (từ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng khách hàng.
Khu phố cổ những ngày sầm uất.

Chị Ngọc Linh (từ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng khách hàng.Không có cách nào khác là phải xoay sở để thích nghi. Chị nghiên cứu các nhóm cư dân trên mạng xã hội thì thấy rằng, nhu yếu phẩm vẫn là mặt hàng chạy nhất. Với kinh nghiệm sẵn có, chị bắt đầu tập kinh doanh online. Ban đầu là hoa quả, rồi mở rộng sang thịt, cá, rau củ, cả mặt hàng khô… Tất cả các mặt hàng được chụp ảnh, ghi rõ chủng loại, giá cả. 6 tháng nay, từ chỗ chỉ lãi nhỏ giọt, giờ các mặt hàng của chị đã chiếm “thị phần” khá lớn trong khu dân cư hàng chục ngàn dân. Gia đình 4 người của chị trông cả vào “cửa hàng” online đó.

“Khó khăn nhất với tôi là vượt qua sự sĩ diện. Từ lúc tiêu tiền không phải nghĩ ngợi nhiều thì nay phải tính toán rất kỹ. Các cụ bảo, miệng ăn thì núi lở. Trong cái khó, ló cái khôn. Mình không thể ngồi chờ mãi được, phải tạo ra thu nhập đã vượt qua lúc khó khăn. Chồng và các con tôi, giờ đi giao hàng chuyên nghiệp nhưng không sao. Chúng tôi lao động chân chính mà. Tôi vẫn hy vọng vào tương lai tươi sáng khi mở cửa trở lại. Nếu dịch có kéo dài thì tôi cũng không thấy sợ nữa”- chị Ngọc Linh chia sẻ.

Thành công bất ngờ trong thời điểm… cầm cự với dịch bệnh

Hàng không, du lịch và dịch vụ là những mặt hàng chịu tác động nặng nề của đại dịch Covi-19. Sau gần 2 năm chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp du lịch không thể cầm cự được, buộc phải để nhân viên nghỉ việc, đóng cửa công ty.

Vợ chồng Phạm Văn Hà và Bùi Băng Giang quản lý hai công ty lữ hành Inbound tại Hà Nội cũng đã có những nếm trải “chưa từng có”.

Giang là đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Asia Exotica Việt Nam – Campuchia và Lào – một trong những công ty hàng đầu chuyên thị trường khách Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Nam Mỹ. Còn Hà là giám đốc công ty chuyên mảng tour online, mới thành lập năm 2018.

Chị Giang và sản phẩm mẹt hoa lễ
Chị Giang và sản phẩm mẹt hoa lễ.

“Lúc Covid ập đến, khách hủy hết tour và đòi tiền về. Các chuyến bay bị hủy hết. Cánh cửa làm ăn như đóng sập trước mặt. Gánh nặng chi phí văn phòng và hơn 30 nhân viên. Càng hoang mang hơn khi không ai có thể biết được khi nào dịch sẽ chấm dứt. Các công ty khác và đối tác đều nhanh chóng đóng cửa hoặc giải thể. Trong thâm tâm, vợ chồng tôi vẫn nghĩ chắc dịch sẽ kết thúc sớm vào mùa hè 2020 và cố giữ lại toàn bộ nhân viên. Tuy nhiên, việc cố giữ văn phòng tour khiến hai vợ chồng mất kha khá” – Hà nhớ lại những khốn khó trong thời gian đầu xoay sở để thích ứng với dịch bệnh.

Từ tháng 5/2021, Hà quyết định đóng cửa văn phòng và kiếm được cho mình công việc tư vấn marketing part time cho một công ty du thuyền Hạ Long đúng lúc khách Việt đang đi du thuyền ồ ạt. Ngược với chồng, Giang kiên quyết giữ văn phòng và nhân viên bằng cách xoay qua mảng khách du lịch nội địa, tổ chức lại bộ máy, làm sản phẩm và quảng cáo. Khi bắt đầu có khách và công ty vào đà, thì đợt bùng phát dịch ở Đà Nẵng đã khiến Giang mất hết cả vốn lẫn lãi.

Kiên quyết không để nhân viên phải nghỉ, bởi đội ngũ nhân viên đã gắn bó lâu năm với công ty và thạo việc, Giang quay sang tìm sản phẩm để bán online nuôi quân, lập ra page Comida Ngon (Comida có nghĩa là “đồ ăn” trong tiếng Tây Ban Nha, với ý định bán đồ thực phẩm đặc sản vùng miền). Ban đầu bán các sản phẩm thông thường và hải sản nhưng không ăn thua.

“Khổ nhất là vụ nhập 30kg tôm he hải sản đồ ngon đắt tiền mà không bán được do chưa có kinh nghiệm, bà chủ mặc đồ hàng hiệu nửa đêm đi tìm mua đá về ướp tôm… mà vẫn không bán được, phải mang về nhà ăn, lỗ trước lỗ sau”, Hà kể lại câu chuyện của vợ.

Thương vợ, xót tiền, Hà nhiều lần khuyên vợ tạm nghỉ ở nhà chồng nuôi, nhưng Giang không nghe. Và vận may đã đến khi Giang thử sức với dịch vụ hoa lễ gồm các loại hoa quả truyền thống của Việt Nam. Mới đầu chỉ là những đĩa thị kèm hoa lễ bán cùng với sản phẩm bánh Trung thu. Hoa lễ thì có hoàng lan, ngọc lan, nhài, hoa cau, hoa bưởi, huệ ta… Bản năng của dân bán hàng chuyên nghiệp giúp Giang nắm bắt ngay nhu cầu của khách, lập tức dồn sức cho các sản phẩm đồ lễ: kỹ càng, cẩn thận và nhanh chóng. Giang mời cả thợ làm hoa chuyên nghiệp đào tạo cho mình và nhân viên. Những lúc khan hiếm, Hà phải lái xe đi tìm hoa, trèo cây hái hoa và thường xuyên ship hàng giúp vợ.

Và rồi kết quả hơn cả mong đợi, có thời điểm, Comida Ngon đã bán ra thị trường hơn 2 tấn thị, tạo một cơn sốt hoa lễ trên thị trường. Đặc biệt là 100% đơn hàng bán lẻ qua Facebook.

Dịch vụ hoa lễ - "cứu cánh" cho chị Giang trong khi chờ thị trường du lịch quay trở lại.
Dịch vụ hoa lễ – “cứu cánh” cho chị Giang trong khi chờ thị trường du lịch quay trở lại.

Nói về kết quả khởi nghiệp ban đầu, Hà cho rằng, quyết tâm phải cứu gia đình và nhân viên không rơi vào cảnh thất nghiệp là động lực lớn nhất. Vì quyết tâm này, Giang ngày đêm mày mò suy nghĩ, vay vốn ngân hàng và chăm chỉ tập trung vào công việc.

Thương hiệu Comida Ngon giờ đã trở nên quen thuộc trong làng hoa lễ ở Hà Nội. Tìm kiếm trên Google với từ khóa hoa lễ, hoa cúng sẽ cho kết quả đầu tiên là Comida Ngon. 90% khách của Comida Ngon sau khi dùng dịch vụ đều đặt tiếp và giới thiệu chia sẻ về mẹt hoa. Để đảm bảo được nguồn cung, Comida Ngon đã đầu tư làm vườn ngọc lan, đầm sen riêng, trồng một số loại hoa hiếm.

“Doanh thu và số lượng nhân viên của Comida Ngon chỉ là một phần rất nhỏ so với lĩnh vực du lịch. Doanh thu hiện tại chỉ giúp cho mình và nhân viên có thể chờ đến ngày du lịch inbound quay lại. Nên để nói thích ứng thành công thì cũng chưa hoàn toàn đúng. Thực ra Comida Ngon cũng không có sự lựa chọn nào hơn là phải thích ứng với đại dịch. Với tình hình chung của thế giới và sau khi tiêm phủ vaccine thì mình nghĩ việc cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid là tất yếu”, Giang chia sẻ.

Khôi phục lại sản xuất, vực dậy nền kinh tế: Không thể đợi hết Covid

Nếu như người dân không thể đợi hết Covid để quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh thì ở cấp độ quốc gia, Chính phủ cũng xác định thay đổi tư duy chống dịch. Chính phủ quyết định không theo đuổi chính sách “zero Covid”, đã đến lúc phải  thích ứng an toàn khi diện bao phủ vaccine đã khá rộng trên toàn quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 11
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 11

“Phòng chống dịch phải gắn với phát triển kinh tế- xã hội. Đó là hai mặt gắn bó hữu cơ. Chúng ta phòng chống dịch tốt thì chúng ta mới mở cửa được nền kinh tế. Và khi đã mở cửa được nền kinh tế thì chúng ta mới có tăng trưởng, cân đối được thu chi và có nguồn để chống dịch”- Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại cuộc họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ.

Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ra đời ngày ngày 11/10/ 2021 đã chính thức đánh dấu một giai đoạn mới trong công tác chống dịch: Từ phong tỏa, giãn cách kéo dài đến nới lỏng, thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để phục hồi kinh tế xã hội.

Hơn 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128, tình hình dịch bệnh kiểm soát được trên phạm vi toàn quốc, tình hình kinh tế – xã hội khởi sắc với nhiều điểm sáng. Chính phủ và các cơ quan liên quan tích cực hoàn thành việc xây dựng dự thảo đề án về Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và dự thảo đề án về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện có dịch Covid-19.

Đánh giá cao Nghị quyết 128 của Chính phủ với quy định tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, điểm dễ nhìn thấy nhất đó là tác động của Nghị quyết 128 đến phục hồi kinh tế. Điều này thể hiện rõ nét nhất ở mức tăng trưởng của quý IV năm nay là rất tốt (5,22% trong khi quý III giám hơn 6%). Ông Hiếu ước lượng, khoảng 2 tuần ngay sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết, số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng lên, trong quý IV đã tăng tới 70%.

Để có được kết quả này, theo Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Nghị quyết 128 đã thể hiện rất rõ ràng tư duy chống dịch: thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, cân bằng giữa chống dịch và sản xuất kinh doanh. Qua đó, người dân, doanh nghiệp có thể dự liệu trước và chuẩn bị kế hoạch cho mình, khác hẳn với thời điểm chưa có Nghị quyết, người dân, doanh nghiệp luôn thấp thỏm không biết mở cửa rồi sẽ đóng cửa lúc nào.

“Người dân, doanh nghiệp, chỉ cần cơ quan Nhà nước có một kế hoạch rõ ràng và tiên liệu trước được thì họ sẽ thích ứng được luôn, thậm chí rất nhanh. Bằng chứng là qua một thời gian thực hiện, bức tranh kinh tế đã có sự thay đổi hẳn, đương nhiên một phần là dịch bệnh đã được “trấn áp” cũng như nhiều câu chuyện đã được kiểm soát, giải quyết”, ông Phan Đức Hiếu nhìn nhận.

Nghị quyết 128 đã mở ra một tư duy mới nhưng theo quan sát của mình, ông Hiếu cho rằng, người dân, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng Chính phủ sẽ có biện pháp kiểm soát dịch bệnh sát với thực tế hơn nữa trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khả năng vẫn còn kéo dài, diễn biến bất thường. Điều mà xã hội chờ đợi nhất chính là một chiến lược tổng thể, dài hạn về phòng chống dịch sớm được ban hành. Trong chiến lược này, tinh thần, tư duy của Nghị quyết 128 vẫn cần phải được thể hiện tiếp tục, thậm chí phải được nâng thêm một bước nữa, đáp ứng sát hơn nữa với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Các chuyến bay quốc tế được nối lại ngay trong ngày đầu tiên của năm 2022.
Các chuyến bay quốc tế được nối lại ngay trong ngày đầu tiên của năm 2022.

Năm 2021 khép lại với mức tăng trưởng dương 2,58%. Báo chí và chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về nền kinh tế Việt Nam và cho rằng, Việt Nam sẽ đạt được tăng trưởng cao trong năm 2022. Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đưa ra mới đây, Việt Nam lần đầu tiên nằm trong nhóm 20 nước thu hút đầu tư trực tiếp hàng đầu thế giới.

Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đều đánh giá, nhờ hệ thống thương mại quốc tế được mở cửa và sự điều chỉnh chính sách hợp lý của Chính phủ trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19, cán cân thương mại của Việt Nam được cải thiện, giúp  kinh tế Việt Nam tăng trưởng và thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Hãng tin Sputnik của Nga, mặc dù làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế xã hội, song nhờ độ phủ tiêm chủng nhanh chóng cùng với các chính sách kịp thời, hiệu quả từ Chính phủ, kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi và sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh vào năm 2022.

Hà Giang 

Bài mới
Đọc nhiều