Tư Chính dậy sóng và ‘Việt Nam không làm gì cả’?
Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam, lòng dân như sục sôi ngóng tin về cuộc đấu tranh của các lực lượng chấp pháp ta tại bãi Tư Chính. Nhưng sự quan tâm ấy lại như có vẻ chòng chành trước luồng ý kiến gây hoài nghi về ứng phó của Việt Nam. Nhất là khi kẻ tung người hứng, ‘BBC’ bày trò “Việt Nam phải phản ứng quyết liệt hơn”, tự suy diễn rồi ‘góp ý’ phải thế này, phải thế kia, thì ‘RFA’, ‘Nguyễn Văn Đài’, ‘Hoa Kim Ngô’ lại rêu rao rằng, lãnh đạo Việt Nam ‘không hành động gì’, từ đó kích động người dân ‘phải có chính kiến’ bằng cách xuống đường biểu tình. Ừ thì Việt Nam có ‘làm gì đâu’, chúng ta chỉ:
Thứ nhất, nhận diện rõ kịch bản và cái bẫy của TQ là gây hấn, khiêu khích để lực lượng chấp pháp của ta mất bình tĩnh nổ súng trước, để chúng có cái cớ hòng lu loa với thế giới rằng VN gây hấn trước. Bằng thủ đoạn này họ biến từ kẻ cắp trở thành nạn nhân, rồi từ đó tấn công ta để hợp thức hóa hành động xâm lăng. Nhưng ta quá hiểu, tỉnh táo, kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Trên thực địa, chúng ta duy trì thế chủ động trong tương quan lực lượng và không ngần ngại duy trì việc thực hiện các hoạt động kinh tế trên vùng biển của ta. Mặc cho TQ gây hấn, giàn khoan Hakuryu-5 của ta vẫn kéo dài thời gian hoạt động thêm một tháng rưỡi so với dự kiến ban đầu.
Chúng ta cũng đồng thời hạ đặt thành công chân đế giàn khoan khai thác “Sao Vàng – Đại Nguyệt” siêu to khổng lồ, nặng 14.000 tấn tại khu vực gần bãi Tư Chính. Vậy là cột mốc khổng lồ thể hiện chủ quyền của ta đã lừng lững xuất hiện trên biển, chẳng cần phải vác ra tòa án quốc tế, chủ quyền ta thì ta cứ đóng giàn ở đó thôi. Đây là minh chứng rõ nhất thể hiện ý chí của Việt Nam không thể lùi bước thêm nữa trước sự ngang ngược của Trung Quốc.
Ngay cả khi không có cuộc đối đầu với TQ thì việc hạ đặt thành công này cũng là một cột mốc đáng ghi nhận. Vì không ai biết được cái “đường lưỡi bò” mà TQ vẽ ra nó có tọa độ chính xác bao nhiêu, được nối như thế nào. TQ cũng không biết (có đâu mà biết) và họ sử dụng nó mỗi khi thuận tiện để đòi xác định khu vực tranh chấp. Các mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt, Hải Thạch – Mộc Tinh, Lan Tây – Lan Đỏ đều có nguy cơ bị TQ kiếm chuyện như thế. Chính vì nhận thức được nguy cơ này mà Việt Nam mời gọi các nhà đầu tư Nga, Nhật tham gia. Một bước đi mà như Giáo sư Panos Mourdoukoutas, trưởng khoa Kinh tế Đại học LIU Post, New York nhận định: “Việt Nam có một chiến lược thông minh để ngăn chặn âm mưu bành trướng trên biển của Bắc Kinh, đó là hợp tác với hãng dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga. Sự hiện diện của Nga có thể xem là một nhân tố “thay đổi cuộc chơi”, khiến Trung Quốc không thể hoành hành với yêu sách “Đường chín đoạn” phi lý hay đối đầu với hải quân Nga – lực lượng sẵn sàng bảo vệ lợi ích Nga trong khu vực”.
Thứ hai, về đấu tranh ngoại giao. Việt Nam đã trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu TQ chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển VN. Bộ Ngoại giao liên tiếp đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ lên án Trung Quốc, đồng thời kêu gọi ‘tất cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế …’. Theo Cánh Cò cảm nhận thì tuyên bố này báo hiệu một sự chuyển dịch quan trọng. Đặc biệt câu “Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực biển Đông là lợi ích chung của các nước. Do đó, VN mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này“. Nếu Cánh Cò không lầm thì ngay cả đỉnh điểm vụ Hải Dương 981 cũng không có câu này.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thậm chí chỉ đích danh và lên án hành vi xâm lược của TQ ngay tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 25. Rồi thắng thắn đề nghị “ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung; tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hoà bình và ổn định; lên tiếng kêu gọi kiềm chế…“. Việt Nam gọi và bạn bè quốc tế đã đáp hồi, ngay tối ngày 31/7, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thống nhất ra Tuyên Bố chung trong đó kêu gọi các bên tự kiềm chế, giải quyết tranh chấp hòa bình theo luật pháp quốc tế.
Những ngày qua, hàng loạt các tướng lĩnh và chuyên gia, học giả quốc tế như Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper; Đại tướng David L. Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, và Đại tướng Charles Q. Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương; Nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsuhito Asano; Giáo sư Stein Tonnesson thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, Na Uy;… đồng loạt lên án Trung Quốc, ủng hộ chủ quyền và sự chính nghĩa của Việt Nam.
Các cụ ngày xưa có câu: “Điền tư ngư chung / Ai khéo vẫy vùng thì mới thành của riêng”. Có thể hiểu, ngư trường ở biển mênh mông vốn khó phân định, nên không cẩn thận dễ bị xâm phạm, biến thành của chung. Để giải quyết được vấn đề này, “khéo vẫy vùng” đồng nghĩa với việc ta phải có một chiến lược hết sức trí tuệ để gìn giữ không gian sống ông cha để lại, gìn giữ cuộc sống yên lành. Và Việt Nam như Giáo sư Mỹ Panos Mourdoukoutas đánh giá: “đã đứng lên đấu tranh với Trung Quốc bằng chiến lược dũng cảm và thông minh” điều quan trọng là “Cả hai chiến lược đều hiệu quả”.
Ngoài thực địa, những lực lượng chấp pháp của nước ta như Kiểm Ngư, Cánh sát Biển và cả bà con ngư dân vẫn đang ngày đêm bám trụ, kiên trì tuyên truyền để các lực lượng của Trung Quốc hiểu rằng, họ đang xâm phạm, họ đang làm sai, buộc họ phải rút về nước. Chúng ta đang áp dụng những biện pháp phù hợp và đúng đắn nhất, để nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới, hiểu được rằng Việt Nam đang bảo vệ tổ quốc bằng những biện pháp mềm dẻo và kiên quyết nhất. Không phải cứ dùng vũ lực mới là mạnh mẽ.
“Bởi chiến tranh không phải trò đùa” nên chúng ta cần nhận thức rõ ràng, rằng nếu để xảy xung đột, chiến tranh, có thể với lòng yêu nước nồng nàn, với ý chí quật cường của cả dân tộc cùng sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới, chúng ta sẽ chiến thắng, nhưng hậu quả và cái giá phải trả chắc chắn cũng không hề nhỏ. Trên khắp tổ quốc mình, xã nào cũng có cha mẹ, vợ, con liệt sỹ… đó là đau thương, là sự tàn khốc chúng ta cần phải tránh bằng mọi giá.
Văn Dân