+
Aa
-
like
comment

Từ Cậu Vàng đến Trạng Tí: Họ quá coi thường khán giả

Tifosi - 28/12/2020 18:22

Một trong bê bối lớn nhất của làng phim Việt vào năm 2020 là việc nhân viên truyền thông của bộ phim Cậu Vàng nhục mạ, chửi bới khán giả bằng những cụm từ như “nghèo hèn, dốt nát, dân trí thấp” ngay tại trang chính thức của bộ phim. Trước khi sự việc này diễn ra, Cậu Vàng phải đối diện với một làn sóng phản đối, tẩy chay tương đối mạnh mẽ của khán giả Việt Nam vì việc chọn một chú chó Nhật đóng vai cậu Vàng hay những rắc rối liên quan đến nghi vấn cải biên nguyên tác của nhà văn Nam Cao. Đáng nhẽ, khi đối diện với những điều đó, đoàn làm phim phải có những động thái trấn an, giãi bày với khán giả. Nhưng không, họ cãi tay đôi với khán giả, mắng chửi khán giả – những người trả tiền cho bộ phim.

Sơn Tùng MTP từng nói về antifan: “Antifan là những người mà mình cần phải chinh phục”. Nhớ nhé, chinh phục, chứ không phải là những hành động côn đồ, thiếu não.

Mấy ngày nay, cư dân mạng lại râm ran câu chuyện về bản quyền bộ phim Trạng Tí, giữa Ngô Thanh Vân và họa sĩ Lê Linh – được pháp luật công nhận là tác giả duy nhất của 4 hình tượng nhân vật chính là Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt (TĐĐV). Xét về mặt pháp luật, Ngô Thanh Vân không sai khi liên hệ, làm việc với phía Phan Thị – được công nhận là chủ sở hữu quyền tác giả. Lấy ví dụ đơn giản, thì Stan Lee và Steve Ditko được công nhận là hai tác giả của Spider-Man, nhưng quyền khai thác thương mại nhân vật này lại thuộc về SONY.

Theo Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ thì Phan Thị có quyền “làm các tác phẩm phái sinh”, “biểu diễn trước công chúng” và “truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác”. Vậy, nói phim Trạng Tí là một bộ phim vi phạm bản quyền, trái pháp luật thì không chính xác. Nói đúng ra, phim Trạng Tí được mua bản quyền đầy đủ, được phát hành đúng trình tự pháp luật.

Vậy Ngô Thanh Vân và Phan Thị sai ở đâu?

Trong Khoản 4, Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ có quy định về quyền tác giả như sau: “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Nói dễ hiểu hơn, Phan Thị và Ngô Thanh Vân phải đáp ứng sự toàn vẹn của các nhân vật trong TĐĐV, không được tự ý xuyên tạc, tô hồng hoặc bôi đen tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả – ở đây là họa sĩ Lê Linh.

Trong truyện TĐĐV, nhân vật Trạng Tí luôn mặc chiếc áo có hoa văn bản đồ Việt Nam. Đây là một việc làm rất ý nghĩa của họa sĩ Lê Linh trong việc khẳng định chủ quyền dân tộc, nhưng trong bộ phim Trạng Tí, chi tiết này đã được lược bỏ thẳng tay. Điều đáng chú ý là hoa văn “bông hoa” đặc trưng của Sửu, hoa văn “tiền” của Cả Mẹo hay việc Dần phanh ngực áo cũng được giữ nguyên từ trong truyện ra phim. Lý do gì khiến cho việc hoa văn trên áo của Sửu, Dần, Mẹo được giữ nguyên, còn Tí thì bị thay đổi?

Bộ phim Trạng Tí sẽ được “quốc tế hóa” để chiếu tại các rạp phim Mỹ, Châu Âu và nhiều khả năng sẽ được các trang chiếu phim trực tuyến quốc tế mua bản quyền trình chiếu. Việc “cắt gọt” hoa văn bản đồ Việt Nam có thể khiến bộ phim Trạng Tí dễ tiếp cận hơn với thị trường quốc tế, nhưng điều này, lại khiến hình ảnh Trạng Tí bị sai lệch đi rất nhiều. Và khán giả Việt Nam, có quyền hỏi rằng, đoàn làm phim có tôn trọng chủ quyền dân tộc và tính nguyên bản của nhân vật không? Hay đoàn làm phim chọn lợi nhuận lên trên hết? Hãy nhìn một số tác phẩm điện ảnh liên quan đến Trung Quốc, các nhà làm phim sẵn sàng lồng bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò và đảo Đài Loan để khẳng định chủ quyền dân tộc. Còn những nhà làm phim Việt thì lại lược bỏ đi… Đó là một hành coi thường sự toàn vẹn của nhân vật, không tôn trọng tác giả, coi thường khán giả Việt.

Một điều khác nữa mà bộ phim Trạng Tí bị đặt dấu hỏi là về hành trình tìm cha và những chi tiết phép màu nhiệm, kỳ ảo ở trong phim. Nhưng trong truyện TĐĐV, Trạng Tí không tham gia vào một hành trình tìm cha như vậy, các yếu tố phép màu nhiệm, kỳ ảo hoàn toàn không có hoặc được tối giản như chỉ đề cập trong các giấc mơ. Như đã đề cập ở trên, Phan Thị và đội ngũ Ngô Thanh Vân không có quyền biến tấu, làm sai lệch tác phẩm gốc, hoặc nếu có, bắt buộc phải làm việc với phía họa sĩ Lê Linh. Nhưng đội ngũ Ngô Thanh Vân đã liên hệ làm việc với họa sĩ Lê Linh quá muộn, khi phim đã thành hình và chuẩn bị tung ra trình chiếu. Chính phía tòa án cũng yêu cầu phía Phan Thị không được “làm các hành động gây tổn hại đến uy tín tác giả Lê Linh”, nếu bộ phim Trạng Tí thất bại, hình tượng các nhân vật cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực đi và kéo theo đó, họa sĩ Lê Linh cũng bị liên lụy.

Trong Spider-Man: Far From Home, SONY dành hẳn một quãng phim để tôn vinh hai tác giả tạo ra nhân vật Spider-Man là Stan Lee và Steve Ditko. Disney hay Warner Bros. cũng luôn dành những dòng viết tôn vinh, cám ơn, ghi tên những tác giả đã sáng tạo ra những nhân vật truyện tranh được chuyển thể lên điện ảnh. Các đoàn làm phim cũng luôn muốn đưa các tác giả vào đội ngũ sản xuất, tham gia trực tiếp vào việc viết kịch bản… nhằm thu hút người hâm mộ, khiến tác phẩm gần gũi hơn, đảm bảo quyền lợi của các nhà văn và họa sĩ.

Với điện ảnh Việt, như trong phim Mắc Biếc hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, đội ngũ sản xuất luôn dành dòng viết nhắc về việc bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Đạo diễn Victor Vũ cũng luôn chia sẻ những buổi làm việc cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bao gồm xin ý kiến, đóng góp cho kịch bản phim…

Vậy những gì mà đội ngũ Ngô Thanh Vân và Phan Thị đã làm là gì? Họ gần như đã gạt bỏ họa sĩ Lê Linh tham gia dự án, vì chính phía Ngô Thanh Vân đã thừa nhận liên hệ và đưa ra những quyền lợi nhưng không được họa sĩ Lê Linh đồng ý. Không được đồng ý mà vẫn cứ bất chấp làm?

Từ Kiều, đến Cậu Vàng và giờ là Trạng Tí, có cảm giác như các nhà sản xuất phim Việt đang bấu víu vào hào quang của những tác phẩm, tác giả đi trước để tìm kiếm lợi nhuận. Đồng ý rằng, việc chuyển thể các tác phẩm là một trào lưu đúng đắn vì phim Việt từ trước đến giờ luôn yếu ở mặt kịch bản. Nhưng, từ những việc mà các đoàn làm phim đã làm, phải đặt câu hỏi rằng, liệu họ chuyển thể hay là xuyên tạc tác phẩm?

Khán giả Việt chưa bao giờ thờ ơ với phim Việt, vì nếu thờ ơ thì làm gì có những bộ phim Việt doanh thu vài chục, vài trăm tỷ đồng? Khán giả Việt cần những tác phẩm chất lượng, chứ không cần những tác phẩm vừa nhẹ, vừa nông, vừa kéo lùi nền điện ảnh nước nhà.

Văn chương chưa bao giờ là dễ dãi, điện ảnh cũng như vậy.

Khán giả tẩy chay có lý do của họ, hãy tự đặt ra câu hỏi rằng: tại sao bộ phim này bị tẩy chay, còn bộ phim khác thì không. Chứ đừng có lên mạng khóc lóc và trách móc khán giả như “không ủng hộ điện ảnh nước nhà”.

Nam Cao viết rằng: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Và việc thiếu tôn trọng tác giả, tác phẩm, coi thường khán giả cũng đê tiện không kém.

Tifosi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều